Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh chuyên đề “Dạy học Tiếng Việt lớp 5 theo hướng tiếp cận chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn 6". Với chất lượng giáo dục được khẳng định, Trường Tiểu học Bắc Cường, được lựa chọn là đơn vị trường học tổ chức tiết dạy minh họa làm ngữ liệu để các trường tiểu học trong tỉnh sinh hoạt chuyên môn.
Thực hiện tiết dạy minh họa, cô giáo Phạm Thị Phượng đã vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, tích hợp nội dung giáo dục kĩ năng công dân số cho học sinh thông qua các phần mềm trò chơi học tập, lớp học thông minh, lớp học đảo ngược trên không gian mạng.
Qua đó, giúp học sinh phát huy năng lực, thực sự làm chủ tiết học, tự giải quyết vấn đề, tự chia sẻ, hợp tác để luyện tập, củng cố kiến thức.
Cô Phạm Thị Phượng chia sẻ: Lớp 5 là lớp kết thúc của bậc tiểu học, tạo tiền đề để học sinh bước vào cấp học mới, chúng tôi xác định nhiệm vụ quan trọng là cần đảm bảo chất lượng đầu ra cho học sinh. Chính vì vậy, chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp đổi mới để nâng cao chất lượng dạy và học, như: dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích học trò tự học, tạo cơ sở để người học cập nhật và đổi mới tri thức, kĩ năng, qua đó hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. Bên cạnh đó, dạy học tích hợp giáo dục kĩ năng sống, tích hợp liên môn, tích hợp giáo dục quốc phòng an ninh và đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Cùng với cô Phượng, thầy giáo Trần Quyết Thắng, giáo viên Mĩ thuật cũng là tấm gương điển hình trong phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Môn Mĩ thuật có vai trò quan trọng trong việc giáo dục phát triển toàn diện học sinh, không chỉ khuyến khích sự sáng tạo, năng khiếu của trẻ mà còn giúp trẻ phát triển nhân cách và năng lực xã hội. Chính vì vậy, thầy Thắng đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, lấy học sinh làm trung tâm kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo, giúp các em biết biểu đạt và giao tiếp thông qua hình ảnh.
Bên cạnh đó, thầy Thắng còn tích cực áp dụng công nghệ, tăng trực quan, sử dụng trí tuệ nhân tạo vào các bài giảng, kết hợp các phần mềm vẽ tranh trên máy tính bảng để vẽ minh họa, giúp học sinh thêm yêu thích môn học, tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả, linh hoạt, khơi gợi sự sáng tạo và phát huy năng khiếu hội họa của các em...
Những hạt nhân tiên phong trong đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học như cô Phương, thầy Thắng đã và đang góp phần lan tỏa phong trào đổi mới phương pháp dạy học trong tập thể giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường.
Một trong những biện pháp hiệu quả nhất đó là các thầy, cô giáo tăng cường chuyển đổi số, sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý để hỗ trợ dạy học. Để tạo thuận lợi cho các giáo viên trong quá trình giảng dạy, nhà trường đã đầu tư đường truyền internet, thiết bị dạy học đảm bảo; phòng hội đồng, nhà đa năng, phòng tin học đều lắp hệ thống máy chiếu, camera.
Nhà trường đã thành lập Tổ hỗ trợ chuyển đổi số, thực hiện trường học thông minh, xây dựng kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử để tổ chức xây dựng các video bài giảng, giúp giáo viên tham khảo, sử dụng để hỗ trợ trong công tác dạy và học các nội dung theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện nay, 100% giáo viên Trường Tiểu học Bắc Cường đã tích cực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào soạn giảng giáo án điện tử (E-learning), sử dụng đa dạng các phương thức truyền tải thông tin, kiến thức qua âm thanh, hình ảnh, trò chơi. Vừa qua, trong cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning, Trường Tiểu học Bắc Cường đã có 16 giáo viên đạt giải.
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, đổi mới vì học sinh thân yêu, đội ngũ nhà giáo Trường Tiểu học Bắc Cường phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để mỗi năm học đạt nhiều thành công.