Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Sa Pa, sẽ đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư trong nước, không sơ tuyển.
Sân bay công suất 1,5 triệu khách/năm
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không (giai đoạn 1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức PPP.
Mô hình thiết kế Cảng hàng không Sa Pa
Dự án có mục tiêu xây dựng cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C với công suất 1,5 triệu hành khách/năm và sân bay quân sự cấp II.
Dự án bao gồm việc xây dựng 1 đường cất hạ cánh (CHC) kích thước 2.400x45m, lề vật liệu hai bên rộng 7,5m mỗi bên; sân quay tại đầu 32 đường CHC đảm bảo hoạt động máy bay Code C; đường lăn vuông góc dài 298,5m chiều rộng cơ bản 23m, lề vật liệu mỗi bên rộng 10,5m; sân đỗ dân dụng kích thước 295mx110m; đảm bảo 6 vị trí đỗ máy bay A321/A320 và tương đương; hệ thống chiếu sáng, đèn hiệu sân đỗ, đường lăn, đường CHC đồng bộ; hệ thống hàng rào khu bay chiều dài khoảng 12.000m; xây dựng hệ thống đường công vụ chiều dài khoảng 8 km, bề rộng nền đường 6m; hệ thống tín hiệu dẫn đường, khí tượng; đài chỉ huy cao 43,1m và hệ thống thiết bị đồng bộ…
Dự án thành phần 2 là xây dựng nhà ga hành khách 1 cao trình, đáp ứng khai thác đến 1,5 triệu hành khách/năm, 600 hành khách/giờ cao điểm.
Dự án còn đặt mục tiêu xây dựng nút giao khác mức giao cắt với cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường giao thông vào cảng với chiều dài khoảng 1,66km, gồm 2 làn xe, đoạn từ trạm thu phí đến đường cao tốc có bề rộng mặt đường 7m, nền đường 14m; đoạn từ trạm thu phí đến khu hàng không dân dụng có bề rộng mặt đường 6m, nền đường 9m.
Dự án có thời gian hoạt động 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến: 3 năm 7 tháng, thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 2 tháng); loại hợp đồng dự án là BOT.
Tổng mức đầu tư dự án lên tới hơn 3,65 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu, vốn vay là gần 3 nghìn tỷ đồng; vốn nhà nước trong dự án PPP hơn 661 tỷ đồng. Cơ quan có thẩm quyền Dự án là UBND tỉnh Lào Cai; cơ quan ký kết hợp đồng là Sở GTVT - Xây dựng tỉnh Lào Cai; bên mời thầu là Sở GTVT - Xây dựng tỉnh Lào Cai. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư và là đấu thầu rộng rãi trong nước, không sơ tuyển; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là từ quý II/2022.
Dự kiến khai thác hơn 560 nghìn khách ngay trong năm đầu
Trước đó, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) Dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Báo cáo FS cũng nêu rõ các khoản thu của Dự án gồm thu phục vụ hành khách, thu dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; dịch vụ dùng chung của cảng hàng không (Common Use Terminal equipment - CUTE), dịch vụ cất hạ cánh tàu bay; dịch vụ sân đậu tàu bay; dịch vụ khác…
Đồng thời, Báo cáo FS cũng nêu phương pháp tính toán và dự kiến sản lượng khai thác từ năm 2022 đến năm 2045 trong đó sản lượng năm đầu tiên khai thác (2024) dự kiến đạt 560.640 hành khách/năm, năm 2045 dự kiến đạt 4.700.016 hành khách/năm.
Ngoài ra, Báo cáo NCKT Dự án sau giải trình đã thuyết minh bổ sung cơ sở thực tiễn được liên hệ với sân bay Thọ Xuân - Thanh Hóa đang khai thác để dự kiến doanh thu và chi phí khai thác, vận hành của Dự án.
Tuy nhiên, theo Hội đồng thẩm định, Cảng hàng không Thọ Xuân có vị trí địa lý, điều kiện kinh tế xã hội không tương đồng với sân bay Sa Pa. Do đó, Hội đồng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai trong giai đoạn tiếp theo căn cứ điều kiện thực tế của địa phương tiếp tục khảo sát, đánh giá các dữ liệu bảo đảm tính hợp lý của nguồn thu, khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư; đánh giá kỹ các dữ liệu đảm bảo tính hợp lý của nguồn thu, khả năng thu hồi vốn, các rủi ro có liên quan.
Đánh giá thời gian hợp đồng BOT 50 năm là dài so với các dự án khác thuộc lĩnh vực GTVT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Chí Dũng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai trong quá trình thực hiện lựa chọn nhà đầu tư yêu cầu сụ thể các nội dung liên quan đến vận hành, khai thác, bảo trì công trình bảo đảm chất lượng công trình khi bàn giao cho nhà nước theo đúng quy định tại Điều 67 Luật PPP và quy định của pháp luật có liên quan.