LCĐT - Ngày 13/9, tại xã Nậm Sài (huyện Sa Pa), Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện mô hình liên kết sản xuất giống lúa chất lượng cao LH12 theo chuỗi giá trị đối với lúa mùa cấy 1 vụ tại vùng cao của Lào Cai.
Quang cảnh hội nghị. |
Mô hình sản xuất giống lúa LH12 do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông thực hiện, nhằm chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất hạt giống LH12 các cấp cho Trung tâm Giống cây trồng Lào Cai; xây dựng mô hình liên kết sản xuất giống lúa LH12 theo chuỗi giá trị có sự tham gia của 4 nhà; xúc tiến thương mại và phát triển thị trường sản phẩm gạo chất lượng LH12 trên địa bàn tỉnh.
Vụ mùa năm 2018, mô hình được triển khai với diện tích 30 ha tại huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Sa Pa.
Tại Sa Pa, dự án được triển khai trên ruộng lúa cấy 1 vụ mùa diện tích 10 ha với 52 hộ tham gia. Kết quả, giống LH12 sinh trưởng tốt, đồng đều; mạ sinh trưởng và phát triển chậm hơn so với các giống lúa khác; sau cấy lúa, cây sinh trưởng phát triển bình thường. Hình dạng cây lúa gọn, khóm lá và góc hẹp, cứng cây, ít bị sâu bệnh phá hoại hơn giống lúa lai và các giống lúa khác của địa phương. Năng suất ước đạt từ 59 tạ/ha (cao hơn giống đối chứng 8 tạ/ha); sản lượng ước đạt trên 560 tấn; giá trị kinh tế mang lại cho người dân cao hơn khoảng 6 triệu đồng/ha so với sản xuất giống lúa khác.
Tham quan mô hình sản xuất lúa LH12 tại xã Nậm Sài. |
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị liên kết sản xuất và các hộ dân thực hiện mô hình đã đánh giá chất lượng và sự thích ứng của giống lúa LH12. Đây là giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, gạo dẻo, ngon, rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết của địa phương… Người dân mong muốn có thể tiếp tục thực hiện mô hình và đề nghị mở rộng diện tích trong thời gian tới.