Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại điểm cầu Lào Cai, dự phiên họp có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo tại phiên họp, công tác CCHC thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, công tác chỉ đạo điều hành đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, công điện đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường kỷ luật, kỷ cương; thành lập 5 tổ công tác, 26 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Vai trò người đứng đầu trong CCHC từng bước được phát huy, 63/63 địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC.
Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới; nhiều vướng mắc về sản xuất kinh doanh, tài khóa, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… được tháo gỡ. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, ban hành 79 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 27 quyết định quy phạm…
Cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh. Từ 2021 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh. Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 437 TTHC liên quan đến giấy tờ công dân; 21/22 bộ và 61/63 địa phương đã công bố danh mục TTHC nội bộ...
Cải cách tổ chức bộ máy được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến tích cực: Đa số các bộ đã hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức bên trong; 63/63 địa phương cơ bản hoàn thành rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các sở, ngành; bộ máy tổ chức đã được tinh gọn đáng kể. Quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; bàn phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính những tháng cuối năm và những giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém trong triển khai các nhiệm vụ CCHC.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: CCHC là vấn đề rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm đời sống cho người lao động, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, nhất là tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Thời gian qua, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong đó, công tác cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách chế độ công vụ có nhiều cải thiện, góp phần quan trọng vào ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ biểu dương kết quả đã đạt được trong 10 tháng qua với những tín hiệu tích cực từ nhiều mặt. Tuy nhiên, việc thực hiện CCHC vẫn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là vấn đề nhận thức tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm đến vấn đề CCHC; còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong thực hiện CCHC.
Thời gian tới, các ngành, địa phương phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng, sức lan tỏa của CCHC đối với sự phát triển của đất nước; đẩy mạnh hơn nữa 6 nội dung về CCHC, trong đó xác định cải cách thể chế là nền tảng, cải cách TTHC là trọng tâm, cải cách chế độ công vụ là động lực.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Cần tiếp tục thực hiện CCHC một cách toàn diện và đồng bộ, tạo đột phá, nhất là CCHC cho người dân, doanh nghiệp tại cơ sở. Đặc biệt lưu ý khi xây dựng văn bản phải rà soát công tác phân cấp, phân quyền, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết với người dân và doanh nghiệp. Các bộ, ngành địa phương phải rà soát, tiếp tục đổi mới phương thức, cách làm trong thực hiện TTHC; việc nợ đọng xử lý văn bản phải giải quyết dứt điểm. Tại cơ sở, người đứng đầu phải thực hiện nghiêm việc lắng nghe, đối thoại, tiếp thu ý kiến của người dân, doanh nghiệp, “làm thật, nghe thật, không được hình thức”.
Thủ tướng cũng lưu ý thêm: Các ngành, địa phương cũng phải tùy theo diễn biến tình hình có thể thay đổi, điều chỉnh kịp thời, không cứng nhắc trong thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch về CCHC.