Bộ Công Thương mới có Tờ trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó đưa ra danh mục các dự án đầu tư công, dự án sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công.
Kế hoạch xác định các dự án nguồn điện lớn có thời gian chuẩn bị và xây dựng dài, ngoài việc tính toán từ nhu cầu hệ thống còn cần căn cứ vào tình hình triển khai thực tế để xác định tiến độ vận hành.
Các dự án điện gió ngoài khơi do hiện chưa rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và phạm vi dự án, nên sẽ được phân bổ theo vùng tới năm 2030. Điện mặt trời mái nhà sẽ được phân bổ tỷ lệ theo quy mô diện tích đất khu công nghiệp năm 2025, 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.
Các nguồn năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời tập trung, điện gió) theo vùng/tiểu vùng/địa phương sẽ được tính toán, đánh giá giới hạn truyền tải giữa các vùng, tiểu vùng và kiểm tra chế độ vận hành lưới điện.
Kế hoạch dự kiến nhu cầu sử dụng đất sẽ được tính toán theo danh mục các dự án nguồn và lưới điện truyền tải dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2030. Nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương.
Theo đó, tổng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 86.500 ha. Trong đó, giai đoạn 2022-2025 khoảng 46.236 ha và giai đoạn 2026-2030 đạt 40.202 ha. Nhu cầu sử dụng đất tính toán phù hợp với Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025. Cùng với đó, nhu cầu diện tích mặt biển cần sử dụng khoảng 111.600 ha giai đoạn tới năm 2030.
Theo tiến độ dự kiến và khối lượng xây dựng các công trình nguồn điện bao gồm các công trình chuyển tiếp và xây dựng mới, nhằm đáp ứng chương trình phát triển nguồn điện giai đoạn tới năm 2030, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2021- 2030 dự kiến là 113,3 - 134,7 tỷ USD. Trong đó vốn đầu tư cho phần nguồn điện khoảng 98,6 - 119,8 tỷ USD (87-88,9%) và vốn đầu tư cho lưới điện khoảng 14,6 - 14,9 tỷ USD (11,1-12,9%).
Vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 57,1 tỷ USD, trong đó nguồn điện 48,1 tỷ USD, lưới truyền tải 9,0 tỷ USD. Vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 là 77,6 tỷ USD, trong đó nguồn điện 71,7 tỷ USD, lưới truyền tải 5,9 tỷ USD.