LCĐT – Ngày 9/4/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo số 100/BC – STNMT về kết quả khảo sát, thu thập thông tin và xác định nguyên nhân làm cho cá ngộp thở và trôi nổi trên sông Hồng.
Trước đó, ngày 31/3/2019, sau khi nhận được thông tin có hiện tượng cá chết trên sông Hồng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh tổ chức khảo sát, thu thập thông tin để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên.
Từ ngày 31/3/2019 đến ngày 7/4/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức quan trắc, lấy 29 mẫu nước và đo nhanh 39 mẫu nước trên lưu vực sông Hồng từ A Mú Sung (Bát Xát) đến thành phố Lào Cai. Căn cứ kết quả đo nhanh và phân tích mẫu nước, đối chiếu với QCVN 08-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, cho thấy: Trên sông Hồng đoạn từ thành phố Lào Cai đến cửa suối Quang Kim, từ ngày 31/3 - 1/4/2019, mẫu nước có một số chỉ số vượt quy chuẩn cho phép, trong đó đáng chú ý nhất là chỉ tiêu DO (nồng độ ô xy hoà tan) thấp hơn mức tối thiểu rất nhiều (mức tối thiểu theo quy chuẩn là 4, chỉ số mẫu phân tích chỉ đạt 0,9). Ngoài ra, còn một số chỉ tiêu vượt ngưỡng nhưng không đáng kể như: TSS (tổng chất rắn lơ lửng), COD (nhu cầu ô xy hoá học), BOD5 (nhu cầu ô xy sinh hoá), Amoni (NH4+). Các đoạn sông Hồng từ cửa suối Quang Kim ngược lên đến Lũng Pô và đoạn từ bãi Soi Tiền trở về phía hạ lưu, các chỉ số phân tích mẫu nước sông đều nằm trong ngưỡng cho phép (kể cả thời điểm ngày 31/3 và 1/4/2019).
Cùng với việc lấy và phân tích mẫu nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành phỏng vấn và thu thập thêm các thông tin từ chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng và người dân các khu vực dọc theo sông Hồng. Các nguồn tin cho biết: Hằng năm, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 là mùa nước kiệt, người dân hai bên bờ sông Hồng thường tổ chức đánh bắt cá bằng phương pháp “ruốc cá” - phương pháp sử dụng lá cây (lá cơi) hoặc một loại hợp chất có tính năng tương tự hòa tan vào nước sông để đánh bắt cá. “Ruốc cá” là hợp chất có tác dụng làm suy giảm đáng kể lượng ô xy hòa tan trong nước, làm cho cá bị ngộp thở và ngoi lên mặt nước.
Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin và kết quả phân tích chất lượng nước sông Hồng và các nguồn nước chảy vào sông Hồng, Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận nguyên nhân làm cho cá nổi lên mặt nước và trôi nổi trên sông Hồng thời gian vừa qua là do lượng ô xy trong nước sông bị suy giảm mạnh một cách đột biến, không đủ cho cá và các loài thủy sinh hô hấp. Tác nhân gây ra tình trạng suy giảm ô xy trong nước sông Hồng không có dấu hiệu liên quan đến nguồn xả thải. Từ đó có thể nhận định các thông tin về việc người dân sử dụng “ruốc cá” để đánh cá là nguyên nhân làm thiếu ô xy trong nước sông là có cơ sở.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng nước sông Hồng, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh: Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố Lào Cai, lực lượng biên phòng và các ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn người dân đánh cá bằng phương pháp “ruốc cá” và kích xung điện; khi phát hiện các dấu hiệu bất thường về môi trường hoặc cá chết trên các sông, suối thì kịp thời báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra các dấu hiệu bất thường để sớm có kết luận và công bố theo quy định.