Mùa về đẹp một vùng trời mây

LCĐT - Năm nào cũng vậy, cứ cuối xuân, đầu hạ là đất trời lại khoác lên mình những sắc màu đẹp tươi. Ở nơi mà cây núi chạm trời như Lào Cai, thì không gian càng thêm thanh sạch, yên bình và rực rỡ hơn bởi muôn ngàn màu sắc hoa.

Mùa về đẹp một vùng trời mây ảnh 1
Vùng cao Y Tý (Bát Xát) trong ánh xuân.

Mùa xuân, chỉ nghe có bấy nhiêu thôi là bao đắm say, ngọt ngào lại đưa về mải miết. Lẽ vậy chăng, vì mùa xuân được ví như cô gái đang “tuổi trăng” căng tràn sức sống. Những mơn mởn, non tơ đầy quyến rũ của nàng xuân mới cứ theo về phong kín các nẻo mơ.

Mơ xuân, giọt sương trắng cuộn tròn bên kẽ lá chợt tỉnh giấc rồi tí tơi, lách tách bên hiên nhà khi có làn gió xuân vô tình ngang cửa. Khẽ lách tay vào đêm, cô gái trẻ nhẩm đếm giọt sương rơi: “một… hai… ba”. Không thể dò xét giấc mơ xuân ấy, nhưng tôi hiểu, trong “một… hai… ba” ấy là những màu hồng mộng ước cho buổi sớm mai đong đầy hạnh phúc, bởi ánh mắt nhìn loang loáng niềm vui.

Mùa xuân ngọt ngào trong làn nắng mới, muôn vật như khoác trên mình tấm áo choàng xinh xắn. Như mới hôm qua thôi, trong giá rét mùa đông, những nhành đào, nhành mận, nhành lê vẫn còn khẳng khiu với lớp vỏ sần sùi, bạc phếch màu tháng năm. Ấy vậy mà giờ đã bung nở ngàn đóa nào trắng, nào hồng, nào thắm đỏ lung linh. Dòng sông Hồng cũng hiền hòa hơn, không tung bọt đỏ ngầu giận dữ như mùa mưa lũ hay đìu hiu vắng lặng như mùa đông sang. Có phải phù sa thắm đượm khi qua mùa lũ hay bởi tiết trời xuân ấm áp mà khắp các triền sông, những mầm xanh vươn cao mạnh mẽ. Xa xa, vườn ai cũng mươn mướt một màu. Nghe trong hương gió, mùi ổi thơm, mùi hoa cau và hương của đồng quê thấm đẫm.

Cũng chẳng hiểu trời xanh trong nên tiếng sáo vang xa, hay đất trời hòa quyện một màu khiến không gian thêm mênh mang hơn, nên âm thanh cũng nhẹ tênh lan bay khắp chốn? Chỉ biết rằng mùa xuân tới, cả núi đồi tràn ngập tiếng sáo xa.

Bố tôi rất thích thổi sáo vào mùa xuân. Thời trẻ gắn bó với núi rừng nên những điệu sáo Mông, ông mê lắm. Mẹ ưng bố cũng vì tiếng sáo ấy. Xuân nào cũng vậy, bố đem sáo ra ngoài nương thổi, gió bay về trầm bổng. Mẹ bên thềm thêu áo mới, đôi tay đưa cũng nhanh hơn, nắng rơi chênh chếch. Mẹ bảo: “Mẹ thêu hình con thuyền ra khơi để sau này con được “thuận buồm xuôi gió” nhé con trai”. Tôi nhảy chân sáo vì sắp có chiếc áo mới thêu hình con thuyền, trong xóm có mấy đứa được món quà ấy đâu… Giờ tôi đã đi xa, cũng chẳng biết đã đi qua bao nhiêu mùa thêu của mẹ, chỉ biết rằng khi màu nước màu trời hòa một, tôi lại ngóng về thềm xưa mong áo mới, ngóng cánh buồm ưỡn ngực ra khơi.

 Anh bạn thi sĩ của tôi nghe kể về tiếng sáo và chiếc áo nhuộm màu thời gian, đôi mắt xa xăm, hẹn nhau xuân tới sẽ về thềm xưa. Sinh ra ở miền xuôi nhưng rất hữu duyên với miền ngược, người bạn thi sĩ coi đây là quê hương thứ hai của mình. Trong câu chuyện “tâm đầu ý hợp”, anh kể tôi nghe những nỗi niềm chờ xuân trong khắc khoải. Để rồi khi niềm vui vỡ òa, chiều xuân luôn là thời điểm anh chọn ghi trong tác phẩm của mình. Những ý thơ đẹp về chiều biên giới với lung linh mận trắng, đào phai hay đôi má sơn nữ ửng hồng trong vạt nắng của anh đã từng khiến bao trái tim thơ thổn thức. Anh nói: “Mình yêu mùa xuân, yêu con người, đất trời vùng cao khi mùa xuân đến. Mình sẽ còn ở mãi đến khi nào hết xuân trên mảnh đất này”.

Nói vậy thôi, chứ tôi biết tứ thì “xuân, hạ, thu, đông” có lỡ hẹn bao giờ. Và tôi biết đã yêu xuân rồi, có ai nào lỡ bỏ xuân đi!

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngọt ngào hương cau

Ngọt ngào hương cau

Hoa cau thường nở vào cuối Xuân đầu Hạ hằng năm. Hoa cau trắng ngà mang vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ và hương thơm dịu ngọt, ngan ngát theo làn gió thổi, len lỏi vào từng con ngõ, đường quê, mảnh vườn... 

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” sẽ diễn ra từ ngày 25 - 29/6 tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng (thành phố Hải Phòng) với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát hiện vẫn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm khắc bạc. Các sản phẩm bằng bạc được chế tác tinh xảo, tỉ mẩn đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao.

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi" là nhan đề một bài viết được hãng thông tấn Prensa Latina đăng tải ngày 7/5 nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta.

fb yt zl tw