LCĐT - Được gọi là “ân nhân” của động vật hoang dã, các cán bộ quản lý, bác sỹ thú y, viên chức làm công tác cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) đã vượt lên khó khăn, nguy hiểm để mang lại cơ hội sống cho nhiều động vật quý hiếm, nguy cấp.
Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 100 cá thể động vật hoang dã, trong đó có tới 70% - 75% là động vật quý hiếm, nguy cấp như gấu, khỉ, rắn hổ mang, gà lôi lam mào trắng, cu li, mèo rừng… Phần lớn cá thể động vật hoang dã khi tiếp nhận thường trong tình trạng sức khỏe yếu do bị nuôi nhốt lâu ngày, bị lạm dụng cơ thể, không được vệ sinh, chăm sóc hoặc bị thương do dính bẫy… nên đòi hỏi người chăm sóc phải tốn nhiều công sức và phải thực sự tâm huyết.
Nhiều loại động vật hoang dã đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm. |
Bác sỹ thú y Trần Thị Nga là người thường xuyên phải xử lý vết thương cho động vật hoang dã khi tiếp nhận cứu hộ nên chị hiểu hơn ai hết khó khăn để giành lại sự sống của cá thể động vật hoang dã. Trường hợp khỉ mặt đỏ Sa Chi (tang vật bắt giữ từ vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép trên địa bàn thị xã Sa Pa) được nuôi bảo tồn ở trung tâm là một trong những điển hình của việc cứu hộ. Tại thời điểm nhận bàn giao, cá thể khỉ mặt đỏ có trọng lượng 12 kg. Qua kiểm tra thú y, cá thể bị thương nặng ở chi trước bên phải, vết thương hở, bị nhiễm trùng, gãy xương và hoại tử mô cơ xung quanh khu vực cẳng tay, cánh tay. Ngoài ra, thể trạng cá thể này rất yếu, kém ăn và sợ sệt, nếu không điều trị kịp thời, tiên lượng sẽ trở lên xấu hơn. Chị Nga cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã nhanh chóng sát trùng, phẫu thuật cắt bỏ phần hoại tử, tháo khớp và điều trị bổ trợ kịp thời giúp cá thể nhanh bình phục. Sau thời gian tích cực chăm sóc và điều trị, đến nay tình trạng sức khỏe, tâm lý của Sa Chi đã ổn định và ăn uống tốt. Vết thương đã lành, mặc dù mất 1 chi nhưng giờ đây, Sa Chi đã dần thân thiện hơn với người chăm sóc và hồi phục bản năng hoang dã ngoài tự nhiên của loài.
Đội cứu hộ tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã do cơ quan chức năng bàn giao. |
Lần khác, nhận được thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhân viên trong đội cứu hộ động vật khẩn trương lên đường tiếp nhận 6 cá thể cầy vòi mốc và 2 trong số cá thể trên bị thương ở chân. Trở về trung tâm, dù không muốn nhưng vẫn phải phẫu thuật tháo khớp chân cho 1 cá thể bị thương nặng ở chân để ngăn vết thương hoại tử lan rộng. Lúc này, trời đã tối nhưng cả đội vẫn quyết định thực hiện phẫu thuật vì chỉ cần chậm trễ vài ba giờ đồng hồ nữa là cá thể này có thể chết. Sau khi hoàn thành công việc, nhóm phân công 1 người ở lại qua đêm theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như chăm sóc các cá thể cầy bị thương. Sau vài tháng chăm sóc, cá thể cầy được phẫu thuật đã bình phục và dần trở lại bản tính hoang dã.
Nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm được tái thả về môi trường tự nhiên. |
Công việc tưởng chừng đơn giản, nhưng chị Nga luôn phải đối mặt với nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp, bởi phải đối diện với nguy cơ bị thú dữ tấn công. Chị Nga cho hay: Thời gian đầu tiếp nhận về trung tâm, với bản năng sinh tồn, những cá thể động vật hoang dã sẵn sàng tấn công tất cả các đối tượng mà chúng cho là gây ra mối nguy hiểm, kể cả người chăm sóc. Đặc biệt, loài vật hoang dã bị con người vây bắt và làm tổn thương cơ thể thường rất hung dữ. Khi thấy bóng dáng người, chúng luôn cảnh giác và sẵn sàng lao vào tấn công. Ngoài ra, cá thể động vật hoang dã rất dễ lây bệnh chéo giữa các loài với nhau và lây bệnh cho người khi tiếp xúc (bệnh dại, xoắn khuẩn, cúm) hoặc qua nọc độc (rắn hổ chúa, rắn hổ mang…).
Nhiều cá thể động vật hoang dã được trở về với tự nhiên. |
Tuy nhiên, khi được cứu chữa, chăm sóc, một số cá thể cũng có tình cảm như con người. Câu chuyện về bé Bư - cô gấu chó - là một ví dụ. Bé Bư mồ côi mẹ từ nhỏ và được chăm sóc tại trung tâm từ lúc còn hơi sữa. Gọi là bé Bư vì cô gấu chó luôn lẽo đẽo theo sau người chăm sóc để chơi đùa, đòi ăn như một đứa trẻ. Thời gian đầu khi mới về trung tâm, mặc dù được quan tâm nhiều nhưng do nhân viên còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc cá thể động vật hoang dã non nên bé Bư vẫn rụt rè và kén ăn. Vì vậy, đơn vị đã mời chuyên gia của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam đến làm việc, hướng dẫn và đào tạo, nâng cao kỹ năng chăm sóc gấu cho nhân viên. Qua tư vấn của chuyên gia, chị Nga dần tiếp cận được với bé Bư và làm thân với nó. Giờ đây, cả hai như người bạn, mỗi khi thấy chị Nga, bé Bư đều chạy đến cửa chuồng để đợi. Từ cô gấu chó 3 kg rụt rè, nhút nhát, giờ đây bé Bư đã nặng 38 kg, rất thân thiện, dễ gần, kể cả khi gặp khách tham quan.
Tận tình chăm sóc các cá thể động vật hoang dã sau khi tiếp nhận. |
Với tâm huyết của bác sỹ thú y Trần Thị Nga và các viên chức làm công tác cứu hộ và chăm sóc động vật hoang dã, đã có nhiều cá thể được tái thả về môi trường tự nhiên. Ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên cho biết: Việc cứu hộ, chăm sóc và tái thả động vật hoang dã không chỉ làm phong phú hệ sinh thái, mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trong môi trường tự nhiên.