Lãnh đạo Cục PTTTH và TTĐT (Bộ TT&TT) cho biết, đã gửi yêu cầu đến các nền tảng mạng xã hội, trang thông tin điện tử dừng đăng tải, đồng thời rà soát và gỡ video, thư tuyệt mệnh của nam sinh.
Yêu cầu rà soát, gỡ video và thư tuyệt mệnh đã đăng tải
Vụ việc một nam sinh đang theo học trường chuyên cấp 3 ở Hà Nội để lại thư tuyệt mệnh trước khi nhảy từ tầng 28 tự vẫn hôm 1/4 vẫn còn khiến nhiều người bàng hoàng. Ngay sau khi các cơ quan chức năng xác nhận vụ việc, trên mạng xã hội xuất hiện video được cho là từ camera trích xuất tại hiện trường lúc 3h37p sáng, trước khi nam sinh tự vẫn trước mặt bố. Cùng với đó là bức thư tuyệt mệnh tạm biệt 1/4 mà nam sinh này đã để lại.
Ngay lập tức, trên Facebook, Youtube, xuất hiện các video đăng toàn bộ diễn biến sự việc và bức thư của nam sinh được đăng tải rõ nét từng chi tiết đã nhận hàng trăm nghìn lượt like (thích), share (chia sẻ) của những người dùng mạng xã hội. Đáng nói, một số tờ báo, trang tin điện tử cũng trích dẫn lại những hình ảnh này.
Thông tin tới phóng viên VietNamNet, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH và TTĐT), Bộ TT&TT cho biết: “Cục đã gửi yêu cầu cho các nền tảng mạng xã hội không đăng clip và bức thư, bởi đây là quyền riêng tư của gia đình nạn nhân. Việc đăng tải cũng vi phạm về bảo vệ quyền trẻ em”, ông Phúc nói.
Ngoài việc yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới rà soát, gỡ bỏ các nội dung nói trên, lãnh đạo Cục PTTH và TTĐT cũng cho biết, đối với các trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước, ngay lập tức Cục PTTH và TTĐT cũng đã có các yêu cầu gửi trong các group để chỉ đạo chung các trang.
Hiện nay, 3 đơn vị thuộc Bộ TT&TT là Cục PTTH và TTĐT, Cục Báo chí và Cục An toàn thông tin đang phối hợp rà soát, xử lý trường hợp một số cá nhân, tổ chức phát tán, lan truyền thông tin về hình ảnh cá nhân, bức thư của nam sinh Hà Nội tự vẫn.
Tháng 6/2021, Thủ tướng phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Chương trình do Bộ TT&TT chủ trì triển khai với mục tiêu kép, đó là: Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi (hệ miễn dịch số) để trẻ em tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; Duy trì một môi trường mạng lành mạnh, phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo. Bộ TT&TT cũng đã thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở địa chỉ website vn-cop.vn nhằm xác minh để hỗ trợ, ứng cứu kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro.
Mỗi người cần ý thức về nội dung mình chia sẻ trên mạng xã hội.
Một trong những vấn đề đặt ra để bảo vệ trẻ em trên mạng đó là ý thức của các tổ chức, cá nhân mỗi người.
Theo bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành CyberPurify - đơn vị đang tham gia các hoạt động bảo vệ trẻ em trên mạng cho rằng, các công ty công nghệ, mạng xã hội không được thu thập thông tin trẻ em dưới 13 tuổi và các vấn đề về trẻ bị bạo hành tình dục.
Mạng xã hội là do nội dung con người tự tạo ra, và một khi đã tạo ra, dù sẽ xoá đi ngay sau đó, nhưng nó sẽ tồn tại vĩnh viễn trên Internet và không có cách nào kiểm soát được. "Với bản chất của Digital footprint (Dấu chân số) không còn cách nào để ngăn chặn sự lan truyền này ngoài việc bản thân mình tự ý thức được việc mình làm sẽ ảnh hưởng đến gia đình nạn nhân thế nào", bà Trúc nói.
Chia sẻ ý kiến cá nhân về vụ việc này, chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (Hội truyền thông số Việt Nam) nhận định: Việc chia sẻ clip và bức thư của nam sinh Hà Nội là không nên, cả từ góc độ đạo lý lẫn pháp lý.
Hiện nay clip và bức thư đang được nhiều người chia sẻ, việc đầu tiên mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội là khuyên bạn bè, người thân dừng lại việc chia sẻ đó; đồng thời ‘báo cáo vi phạm’ đến các nền tảng mạng xã hội đối với các status, bài đăng này.
Điều này sẽ góp phần giúp các nền tảng phát hiện nội dung không nên tăng tải nhanh hơn và có biện pháp gỡ.
Thứ hai, các tổ chức xã hội có thể báo cáo sự việc đến Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông và kiến nghị cơ quan này đề nghị các nền tảng mạng xã hội xoá bỏ đoạn video nói trên.
Cuối cùng, việc phát tán hình ảnh từ camera mà không có sự đồng ý của gia đình là vi phạm pháp luật; do đó, cơ quan điều tra cần điều tra rõ, gia đình có đồng ý chia sẻ clip không; nếu không, ai là người đã làm rò rỉ hình ảnh từ camera đó và xem xét trách nhiệm pháp lý.
Từ góc độ đạo lý, nhiều người nói rằng, việc chia sẻ clip, bức thư sẽ có tác dụng cảnh báo dư luận; giúp ‘đánh thức’ những phụ huynh đang tạo áp lực không chính đáng lên con em mình. Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, không nên nhân danh lợi ích của cộng đồng để tạo thêm nỗi đau và tổn thương lên gia đình nạn nhân.