Thủ tướng: Luôn tích cực, chủ động trong chuẩn bị và đàm phán thương mại với Hoa Kỳ

Chiều 6/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc chuẩn bị đàm phán thương mại với Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc chuẩn bị đàm phán thương mại với Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc chuẩn bị đàm phán thương mại với Hoa Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương, ý kiến của đại diện các bộ, ngành, cơ quan, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng đến thời điểm này, phía Hoa Kỳ đã đưa ra lịch trình đàm phán cụ thể, cho thấy thiện chí, theo cam kết trong tiếp xúc cấp cao và các cuộc làm việc, tiếp xúc sau đó giữa hai bên. Thủ tướng chỉ đạo, trong quá trình đàm phán cần căn cứ tình hình, diễn biến cụ thể để điều chỉnh lịch trình phù hợp cho cả 2 bên.

Do thời gian ngắn, công việc nhiều, nhiều nội dung khó, nhạy cảm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, tích cực, chủ động; bám sát tình hình, xem xét tổng thể, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm; vừa nghiên cứu, thăm dò, vừa tham khảo kết quả các cuộc đàm phán của Hoa Kỳ với các đối tác khác.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, tích cực, chủ động; bám sát tình hình, xem xét tổng thể, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm ... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, tích cực, chủ động; bám sát tình hình, xem xét tổng thể, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm ... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ đó, triển khai công việc đồng bộ, chặt chẽ, toàn diện, có hiệu quả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam, nhất là các lợi ích cốt lõi, đồng thời đáp ứng các yêu cầu phù hợp của phía Hoa Kỳ, giữ vững, củng cố, tăng cường lòng tin, yên tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân.

Về cách tiếp cận, Thủ tướng nêu rõ, quá trình đàm phán cần xem xét kỹ lưỡng, tích cực, kịp thời phản hồi các đề xuất của phía Hoa Kỳ; với tinh thần xây dựng, lắng nghe, chú ý các quyền và lợi ích hợp pháp các bên.

Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị kỹ các nội dung đàm phán; căn cứ yêu cầu của Việt Nam và đề xuất của Hoa Kỳ, căn cứ kết quả nghiên cứu, các điều kiện cụ thể của Việt Nam và bảo đảm các cam kết quốc tế để đưa ra phương án đàm phán phù hợp, thể hiện tinh thần xây dựng, thiện chí và đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ, trên tinh thần hữu nghị nhưng rành mạch, rõ ràng, quan điểm dứt khoát. Các bộ, ngành, cơ quan chuẩn bị thật kỹ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền để góp ý các nội dung đàm phán kịp thời, chất lượng.

Các bộ, ngành kịp thời xử lý các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm; đẩy mạnh đàm phán, tăng cường nhập khẩu các thiết bị, mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu để từng bước cân bằng thương mại bền vững. Các địa phương giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, các vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm liên quan các dự án đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Hưng Yên, trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, phù hợp với luật pháp Việt Nam.

Bộ Công Thương đã trình dự thảo, các cơ quan cần khẩn trương lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để sớm ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược, tạo điều kiện nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao của Hoa Kỳ và thể hiện thiện chí của Việt Nam.

Bộ Tài chính tích cực hơn trong đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế VAT với doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ; giải quyết các vấn đề thuế mà hai bên, doanh nghiệp, người dân quan tâm; nghiên cứu, trao đổi về thỏa thuận liên quan các dòng thuế để bảo đảm lợi ích người tiêu dùng hai nước và thúc đẩy thương mại cân bằng bền vững, lâu dài giữa hai bên, tạo điều kiện cho các mặt hàng của Hoa Kỳ, nhất là mặt hàng công nghệ cao, vào Việt Nam, cũng như các mặt hàng trong các ngành sử dụng nhiều lao động và có thế mạnh của Việt Nam vào Hoa Kỳ, qua đó bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và góp phần phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Các cơ quan căn cứ các phương án để thực hiện các công việc, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo baochinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản

Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản

Nhằm kịp thời cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường nước nuôi thủy sản và ngăn chặn hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo về việc tăng cường triển khai, thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch bệnh, định hướng trong nuôi thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao

Việt Nam hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao

Bộ Tài chính nhấn mạnh việc Việt Nam đang chuẩn bị kỹ lưỡng để đón làn sóng đầu tư mới với chiến lược và giải pháp cụ thể. Đặc biệt, việc đón sóng này càng có cơ sở để thực hiện hiệu quả hơn với sự khởi sắc và bứt phá mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I/2025.

fb yt zl tw