Ngã ba Cò Nòi ngày ấy

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thắng lợi, Ngã ba Cò Nòi đi vào lịch sử như một huyền thoại.

0:00 / 0:00
0:00
131-co-noi.jpg
Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi.

Ngã ba Cò Nòi là nút giao giữa Quốc lộ 13A (nay là Quốc lộ 37) và đường 41 (nay là Quốc lộ 6), thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Từ Ngã ba Cò Nòi lên Chiến trường Điện Biên Phủ là con đường độc đạo. Trong kháng chiến chống Pháp, cả phía ta và địch đều coi Ngã ba Cò Nòi là nút giao thông quan trọng bậc nhất, được ví như “yết hầu” trên tuyến lửa. Thực dân Pháp ỷ thế có sức mạnh không quân, ném bom, bắn phá nhằm biến Ngã ba Cò Nòi thành “bãi lầy” hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế vũ khí, lương thực... của ta cho Chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Thái Văn Sáu là cựu thanh niên xung phong (TNXP) thời kỳ kháng chiến chống Pháp và trực tiếp tham gia giữ vững huyết mạch giao thông tại Ngã ba Cò Nòi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hiện đang sống tại tổ 7, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai. Dù đã ở tuổi 93 nhưng khi được hỏi về quá trình tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, ông vẫn minh mẫn, hào hứng kể về sự kiện lịch sử hào hùng này. Ông Sáu cho biết: Lúc bấy giờ, tổ chức Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày nay) đã tuyên truyền, giác ngộ đoàn viên, thanh niên ở nhiều địa phương tình nguyện tham gia lực lượng TNXP Cứu quốc. Ngày 1/3/1954, tôi chính thức gia nhập lực lượng TNXP Cứu quốc và được biên chế vào Đại đội 410 thuộc Đội TNXP 40.

dsc0021.jpg
Tác giả trò chuyện với cựu thanh niên xung phong Thái Văn Sáu, người trực tiếp tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 2/3/1954, tạm biệt gia đình và người thương, ông Sáu cùng đồng đội nhận lệnh hành quân ngược lên Tây Bắc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hành trang mang theo ngoài tình yêu và nỗi nhớ quê nhà là khát vọng của tuổi trẻ muốn được đóng góp sức mình cho cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Trong chặng đường đi bộ qua các địa phương, đến mỗi trạm dừng nghỉ, toàn lực lượng TNXP được học tập nâng cao nhận thức theo lời Bác Hồ dạy TNXP: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên” (đây là 4 câu thơ Bác tặng Liên phân đội TNXP 312 làm đường tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, ngày 28/3/1951).

Những lời dạy của Bác thật sâu sắc, thấm đượm tinh thần lạc quan và niềm tin vào tuổi trẻ. Sau 10 ngày vượt suối băng rừng, đến chiều 12/3/1954, Đội TNXP 40 đã tập kết tại một khu rừng để ổn định nơi ăn, chỗ ở. Tối hôm đó sinh hoạt toàn Đội, chỉ huy quán triệt đây là địa điểm đơn vị sẽ cắm chốt lâu dài, có thể đến khi kết thúc chiến dịch. Từ nơi đóng quân, các TNXP chỉ mất nửa giờ đi bộ là đến địa điểm hằng ngày phải đối mặt với bom đạn của địch trên tuyến đường hướng lên Điện Biên với tên gọi Ngã ba Cò Nòi.

Với quyết tâm bảo vệ thông suốt con đường huyết mạch, tại Ngã ba Cò Nòi luôn thường trực khoảng 1.000 người thuộc Đội 34 và Đội 40. Ông Sáu không thể quên ngày đầu ra quân (13/3/1954), Đội 34 và 40 phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt của địch. Không quân Pháp chia thành nhiều đợt ném bom bắn phá xuống Ngã ba Cò Nòi, tuy vậy, chúng không thể ngăn được những đôi chân trần rắn chắc, đôi tay nhanh thoăn thoắt, đôi mắt sáng của lực lượng TNXP...

Sau mỗi loạt bom đạn, lực lượng TNXP lại nhanh chóng triển khai đội hình với các vật dụng từ cuốc, xẻng và đốt đuốc để thông đường trước khi trời sáng. Những ngày mưa to gió lớn, mặt đường có nhiều ổ sình lầy nhưng các đội viên vẫn cố gắng khắc phục làm tạm lối tránh cho người và xe vượt qua. Mệnh lệnh của chiến trường lúc này là “Địch phá đường thì ta lấp, ta mở mà đi; quyết giữ lấy đường mà đi”. Trong thời gian làm nhiệm vụ ở Ngã ba Cò Nòi, lực lượng TNXP luôn nêu cao tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”, chấp nhận gian khổ, hy sinh để chiến dịch nhanh giành thắng lợi. Dưới mưa bom, lửa đạn, lực lượng TNXP ở Ngã ba Cò Nòi vẫn hiên ngang, dũng cảm làm nhiệm vụ, đảm bảo mạch máu giao thông liên tục thông suốt trên tuyến lửa. Quá trình phục vụ chiến dịch có hơn 100 TNXP thuộc Đội 34 và Đội 40 hy sinh tại ngã ba này...

321339-co2.jpg
Ngã ba Cò Nòi từng là trọng điểm đánh phá của thực dân Pháp trong quá trình chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Sáu kể tiếp cho chúng tôi nghe điều đặc biệt trong ngày 7/5/1954. Ngày ấy, đội viên TNXP vẫn nhận nhiệm vụ ra hiện trường san lấp hố bom, sửa mặt đường như thường nhật. Một điều rất kỳ lạ là trên toàn tuyến im bặt tiếng máy bay địch gầm rú, không phải nghe tiếng bom nổ, tiếng đạn cày xới mặt đất. Mọi người bảo nhau lâu rồi TNXP và người dân ở Ngã ba Cò Nòi mới được một ngày bình yên. Hiếm hoi lắm, anh chị em TNXP mới được tận hưởng một giấc ngủ ngon sau ngày lao động mệt nhọc. Đang say giấc nồng, đến rạng sáng 8/5/1954, chỉ huy đơn vị phát lệnh báo động tập hợp toàn đơn vị với hàng ngũ chỉnh tề rồi loan tin Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Lúc này niềm vui trào dâng thật khó tả, không ai bảo ai, toàn đơn vị TNXP Đội 34 và Đội 40 cùng nhau đốt mấy đống lửa to, người gõ bát, người gõ xoong, nồi, chảo... mừng chiến thắng.

dsc0047.jpg
Ông Sáu khoe tấm Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đội TNXP 40 của ông Sáu được lệnh chuyển về Hà Nội nhận nhiệm vụ chuẩn bị sân bãi, cơ sở vật chất tổ chức Lễ duyệt binh mừng chiến thắng và đón Bác Hồ cùng Chính phủ từ Chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô. Tại Hà Nội, Đội TNXP 40 cũng tổ chức Lễ mừng công và đội viên Thái Văn Sáu cùng nhiều đội viên đã được vinh dự nhận Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên dịp này. Đến ngày 16/11/1955, ông Sáu cùng 41 đội viên được Tổng đội TNXP cấp giấy chứng nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được chuyển sang tham gia phát triển kinh tế, làm việc tại Mỏ Apatit Lào Cai…

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thắng lợi, Ngã ba Cò Nòi đi vào lịch sử như một huyền thoại. Để ghi nhớ công ơn các liệt sĩ TNXP tại Ngã ba Cò Nòi, năm 2000, tỉnh Sơn La phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khởi công xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ TNXP. Ngày 7/5/2002, công trình được khánh thành và đến 29/4/2004 được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Chia tay ông Thái Văn Sáu, chúng tôi thầm liên tưởng: Nếu tượng đài Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) là dấu ấn đậm nét của lực lượng TNXP Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại thì Tượng đài Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi là nơi khắc ghi mốc son lịch sử của lực lượng TNXP Cứu quốc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, viết nên khúc tráng ca bất tử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

[Infographic] 6 xã mới của huyện Bắc Hà sau khi sáp nhập

[Infographic] 6 xã mới của huyện Bắc Hà sau khi sáp nhập

Ngày 26/4/2025, HĐND tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết 37/NQ-HĐND về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai năm 2025. Theo đó, sắp xếp 19 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Bắc Hà (gồm 18 xã và 1 thị trấn) để thành lập 6 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm Bắc Hà, Cốc Lầu, Bảo Nhai, Bản Liền, Tả Củ Tỷ, Lùng Phình.

Thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã

Thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã

Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là bước cụ thể hóa quan trọng nhằm đưa chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác cán bộ, chế độ công vụ đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, góp phần xây dựng nền công vụ Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động vì sự phát triển của đất nước và phục vụ nhân dân.

Hải quân nhân dân Việt Nam - 70 năm hành trình giữ biển

Hải quân nhân dân Việt Nam - 70 năm hành trình giữ biển

Cách đây 70 năm, trước yêu cầu cấp bách của sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thực hiện Nghị quyết của Tổng Quân ủy, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng đã ban hành Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - Tiền thân của Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam ngày nay.  

Dấu ấn Lào Cai

Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025): Dấu ấn Lào Cai

Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là một mốc son chói lọi của dân tộc, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong bản anh hùng ca đó, đóng góp của quân và dân Lào Cai - mảnh đất nơi địa đầu Tây Bắc Tổ quốc đã tô đậm thêm trang sử vàng của dân tộc.

Giảm 20% biên chế không bao gồm viên chức giáo dục, y tế ở đơn vị không trực tiếp thực hiện sắp xếp

Giảm 20% biên chế không bao gồm viên chức giáo dục, y tế ở đơn vị không trực tiếp thực hiện sắp xếp

Theo Bộ Nội vụ, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị không trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức không bao gồm viên chức sự nghiệp giáo dục và y tế.

[Infographic] Các xã, phường mới của thị xã Sa Pa sau khi sáp nhập

[Infographic] Các xã, phường mới của thị xã Sa Pa sau khi sáp nhập

Ngày 26/4/2025, HĐND tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết 37/NQ-HĐND về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai năm 2025. Theo đó, sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sa Pa (gồm 10 xã và 6 phường) để thành lập 6 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm: xã Mường Bo, Tả Van, Bản Hồ, Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn và phường Sa Pa.

Đề xuất quy định tỷ lệ ngân sách nhà nước trong nghiên cứu, phát triển năng lượng nguyên tử

Đề xuất quy định tỷ lệ ngân sách nhà nước trong nghiên cứu, phát triển năng lượng nguyên tử

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, chiều 6/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với những nội dung quy định trong dự thảo Luật, song đề nghị cần quy định cụ thể về tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nguyên tử, nhằm đảm bảo nguồn lực ổn định và lâu dài.

[Video] Hình thức tổ chức lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 2013

[Video] Hình thức tổ chức lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 2013

Bắt đầu từ ngày 6/5/2025, toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp được công bố chính thức để lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Dưới đây là các hình thức tổ chức lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 2013.

[Infographic] 2 xã mới của huyện Si Ma Cai sau khi sáp nhập

[Infographic] 2 xã mới của huyện Si Ma Cai sau khi sáp nhập

Ngày 26/4/2025, HĐND tỉnh Lào Cai ban hành Nghị quyết 37/NQ-HĐND về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai năm 2025. Theo đó, sắp xếp 10 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Si Ma Cai (gồm 9 xã và 1 thị trấn) để thành lập 2 đơn vị hành chính cấp xã mới, gồm Si Ma Cai và Sín Chéng.

fb yt zl tw