Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự đồng hành của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của UBND tỉnh cùng với nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Lào Cai đã đạt được kết quả khá tích cực, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 7 tháng năm 2023 bằng 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (36%).
Bên cạnh các cơ quan, địa phương có tốc độ giải ngân trên mức bình quân của cả tỉnh thì còn một số cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, có khả năng không giải ngân được hết số vốn được giao từ đầu năm.
Trong những tháng còn lại của năm 2023, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ảnh hưởng đến tỉnh Lào Cai. Trong các tháng còn lại của năm 2023 nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công còn rất nặng nề, trung bình phải giải ngân gần 1.000 tỷ đồng/tháng (bao gồm của vốn sự nghiệp các chương trình MTQG).
Để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh giao, các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2023 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND các huyện, thị xã, thành phố đề cao trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả hơn các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 20/12/2022 về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2023 và tại các thông báo kết luận của Thường trực UBND tỉnh họp thường kỳ hằng tháng và các cuộc họp chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình MTQG.
Các cơ quan, đơn vị và địa phương triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023), nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình MTQG; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm; xác định đây là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương. Riêng đối với nguồn vốn kéo dài yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành giải ngân trước ngày 30/10/2023.
Yêu cầu các sở, ngành, địa phương đến hết tháng 8/2023 có kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 dưới mức trung bình của tỉnh, phải làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, nghiêm túc kiểm điểm rútkinh nghiệm đối với từng tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; trên cơ sở đó, đề ra giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
Quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.
Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ quan trọng khi đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 của tập thể, cá nhân.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc các nguồn vốn đầu tư công của tỉnh, chủ động phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kịp thời trình thẩm định, phê duyệt các dự án đã đủ thủ tục đầu tư.
Các địa phương đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đá, cát, đất, phục vụ các dự án; phối hợp thực hiện nhiệm vụ công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng theo thẩm quyền; xử lý nghiêm tình trạng tạo khan hiếm giả, liên kết giữa các chủ mỏ vật liệu để nâng giá, khai thác, cung cấp không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc thi công các dự án.
Thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng; chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn để thực hiện theo quy định.