Vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2023, tỉnh Lào Cai tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước (trung bình cả nước đến 22/8/2023 ước đạt 40% kế hoạch năm).
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo các nghị quyết HĐND tỉnh đã giao là 6.560 tỷ đồng, đến thời điểm này giá trị giải ngân đạt hơn 3.000 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch.
Đối với kế hoạch vốn năm 2023 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 5.341 tỷ đồng, tính đến thời điểm này, giá trị giải ngân đạt 2.948 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch.
Bên cạnh các địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt như Bảo Yên (đạt 396/687 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch); Bảo Thắng (đạt 185/319 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch); Bắc Hà (đạt 329/594 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch)... còn một số đơn vị, địa phương tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Đơn cử như thành phố Lào Cai, tỷ lệ giải ngân 78/355 tỷ đồng (bằng 22% kế hoạch); huyện Mường Khương giải ngân 146/485 tỷ đồng (bằng 30% kế hoạch); huyện Si Ma Cai giải ngân 116/353 tỷ đồng (bằng 33% kế hoạch); Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Khu Kinh tế tỉnh giải ngân 22/74 tỷ đồng (bằng 30% kế hoạch); Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng tỉnh giải ngân 181/579 tỷ đồng (bằng 31% kế hoạch)...
Nguyên nhân tiến độ giải ngân của một số địa phương, đơn vị chưa đạt kỳ vọng là do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, dẫn đến các dự án, công trình không thể đẩy nhanh tiến độ thi công; quy trình, thủ tục triển khai đầu tư còn chậm, các địa phương, đơn vị là chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng giải quyết; năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế...
Tìm hiểu tại thành phố Lào Cai, năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư được UBND tỉnh giao là 355 tỷ đồng. Đến ngày 20/8, thành phố Lào Cai mới giải ngân vốn đạt 78/355 tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch và là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất tỉnh. Nguyên nhân được xác định là do chậm trong thủ tục đầu tư, phương án thực hiện và vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.
Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND thành phố Lào Cai cho biết: UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay các giải pháp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị và nguyên - nhiên - vật liệu phục vụ thi công. Phấn đấu đến hết tháng 12/2023, thành phố giải ngân 100% kế hoạch vốn giao.
Cần tập trung đồng bộ các giải pháp
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, áp lực giải ngân những tháng còn lại của năm còn rất lớn, trung bình thực hiện 800 tỷ đồng/tháng. Để đạt mục tiêu này, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư, tăng cường quản lý đất đai; các ban quản lý dự án, nhà thầu phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án…
“Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn ứng khối lượng dư tạm ứng chuyển tiếp từ năm 2022 và triển khai thi công đẩy nhanh giải ngân trong quý III/2023” - ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Cũng theo ông Hồng, một số dự án có nguồn vốn lớn chưa giải ngân như: Xây dựng cầu biên giới qua sông Hồng tại xã Bản Vược và hạ tầng kết nối (còn lại 121 tỷ đồng chưa giải ngân); Dự án xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa còn 100 tỷ đồng chưa giải ngân; Dự án đường kết nối Tỉnh lộ 151 (Võ Lao, Văn Bàn) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên) còn 34 tỷ đồng chưa giải ngân; Dự án Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên còn 33 tỷ đồng chưa giải ngân; nguồn Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội 226 tỷ đồng chưa giải ngân...
Là địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng chia sẻ kinh nghiệm: Huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ bước chuẩn bị đầu tư đến tổ chức triển khai thi công. Huyện phân công cụ thể lãnh đạo UBND huyện, đơn vị, bộ phận liên quan trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân và thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng công trình, dự án. Đặc biệt, UBND huyện Bảo Thắng định kỳ hằng tuần họp với các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện các công trình, dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Tại cuộc họp đánh giá tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh vừa được tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, cập nhật lại kế hoạch chi tiết giải ngân để điều hành theo từng tuần, từng tháng; người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng vốn cam kết giải ngân gắn với hoàn thành nhiệm vụ; các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cần làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp cụ thể, quyết liệt, hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên - nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi. UBND tỉnh hằng tháng sẽ thực hiện việc biểu dương, khen thưởng, đồng thời phê bình, nhắc nhở đối với các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị và các sở, ngành của tỉnh trong việc giải ngân vốn đầu tư công, lấy đó làm tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của năm đối với người đứng đầu đơn vị, địa phương…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự nêu cao trách nhiệm của đơn vị, sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và cố gắng của nhà thầu, công tác giải ngân vốn đầu tư sẽ đạt kết quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.