![]() |
Triển khai phương án bảo vệ rừng, |
LCĐT - Đầu tháng Mười một, ở nơi này sương giăng kín lối, mang theo cái rét tê tái của mùa đông. Những thành viên tổ bảo vệ rừng ở chốt Nậm Xi Tan “uống sương, nằm gió” để giữ “kho vàng xanh” Hoàng Liên - Văn Bàn.
Ðã thành thông lệ, mỗi ngày một lần, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Nậm Xé Hoàng Văn Hát lại lên chốt bảo vệ rừng Nậm Xi Tan để kiểm tra anh em trực. Trên đường từ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn lên chốt Nậm Xi Tan, Hoàng Văn Hát tranh thủ kể chuyện với tôi: Năm nay là năm thứ 11 em công tác tại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn và là người có thời gian công tác lâu nhất tại đây.
Học xong chuyên nghiệp, Hát xin vào công tác tại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn từ những ngày đầu mới thành lập cho đến nay. Thời gian đầu, Hát được biên chế vào tổ bảo vệ rừng, đóng quân ở Nậm Xi Tan. Chính vì vậy, mọi niềm vui, nỗi buồn ở “rốn” gió Lào này, Hát đều được nếm trải. “Bao năm ở Nậm Xi Tan là bấy nhiêu năm em được “thưởng thức đặc sản” gió Lào. Khu vực này nằm trọn trong luồng gió Lào, mỗi lần gió nổi, mặt em bị “táp đến khô héo”, gió lớn cuốn theo bụi đất, mỗi lần rửa mặt xong, không dám nhìn vào chậu nước”, Hát tâm sự.
Câu chuyện giữa tôi và Hát bị ngắt quãng bởi xe đến chốt Nậm Xi Tan. Nằm “nép mình” trên cung đường từ Nậm Xé lên đỉnh đèo Khau Co, chốt bảo vệ rừng Nậm Xi Tan như chiếc nấm giữa đại ngàn. Trước đây, chốt không phải ở vị trí như hiện nay, mà đã qua 3 lần di chuyển mới chọn được vị trí ưng ý. Đây là vị trí đắc địa, bởi nằm trên tuyến đường đi rừng, canh tác thảo quả của người dân trong xã Nậm Xé và huyện Than Uyên (Lai Châu), nên kiểm soát được gần như tất cả người ra vào rừng. Thế nhưng phải mất vài năm, chốt Nậm Xi Tan chỉ là lều tạm, mãi đến năm 2017 mới được xây kiên cố. Chốt có 30 người, gồm cán bộ Ban Quản lý, kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, công an viên, dân quân và người dân các thôn: Ta Náng, Tu Thượng, Tu Hạ (xã Nậm Xé), với nhiệm vụ trực, kiểm soát người ra vào rừng và tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại rừng và động vật rừng. Địa bàn quản lý của chốt rất rộng, giáp với các xã Phúc Than, Mường Than, Hua Nà (huyện Than Uyên, Lai Châu), Chế Cu Nha, Khao Mang, Mồ Dề, Nậm Có (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái), Nậm Cang (Sa Pa), tập trung nhiều loại động vật, thực vật quý như vượn, sóc, pơ mu, sến, trong khi đây là khu vực chịu nhiều tác động của con người, do người dân sống gần rừng, canh tác thảo quả.
![]() |
Kiểm soát người vào rừng tại chốt Nậm Xi Tan. |
Trạm trưởng Hoàng Văn Hát cho biết: Bản Xi Tan nằm trong khu vực phục hồi của Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn. Bản được hình thành do người Mông từ Sa Pa sang khai hoang, định cư, sau này có thêm người Dao ở thôn Ta Náng lên sinh sống. Do sống gần rừng và cuộc sống phụ thuộc vào rừng, nên có thời gian, tình trạng người dân săn bắt động vật, khai thác lâm sản trái phép diễn ra tương đối “nóng”.
Từ khi lập chốt Nậm Xi Tan và đưa công tác trực, tuần tra bảo vệ rừng vào nền nếp, “kho vàng xanh” ở Nậm Xé được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỗi ca trực tại chốt có 3 - 4 người, trong thời gian 3 ngày, 2 đêm, số thành viên còn lại luân phiên đi tuần rừng, với tần suất 3 lần/tuần. Thoạt nghe, cứ ngỡ công việc của các thành viên của chốt “nhàm chán”, nhưng khi các anh “dốc bầu tâm sự”, chúng tôi mới cảm nhận được hết những “hỉ, nộ, ái, ố” của nghề tuần rừng.
Anh Bàn Văn San, dân tộc Dao, ở thôn Ta Náng, là người có thâm niên ăn cơm rừng. Sau 1 năm Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn thành lập, do yêu cầu phải có sự tham gia của cộng đồng thôn, bản để quản lý, bảo vệ rừng, anh San được người dân trong thôn tín nhiệm đề cử tham gia tổ bảo vệ. 10 năm, anh San “nếm trải” nhiều đắng cay, nghiệt ngã của nghề tuần rừng. Những trận gió Lào rát mặt hay những ngày đi tuần rừng rét đến thấu xương, cả đêm không ngủ được, phải đốt lửa sưởi, chờ trời sáng đối với anh San không là vấn đề gì, mà nguy hiểm nhất là đối mặt với “lâm tặc”.
Anh San kể: Năm 2014, trong chuyến đi tuần rừng, tổ bảo vệ phát hiện 4 đối tượng là người ở huyện Than Uyên đang khai thác rừng trái phép. Tổ bảo vệ đã yêu cầu các đối tượng về trụ sở UBND xã Nậm Xé để giải quyết. Trên đường đi, bỗng có 5 đối tượng cầm theo gậy, dao lao vào đánh đuổi tổ bảo vệ để “cướp người”, khiến Tổ trưởng Triệu Tòn Nhất bị chấn thương vùng đầu, phải khâu 11 mũi.
![]() |
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với tổ bảo vệ rừng tiến hành tuần tra. |
Không chỉ đối mặt với “lâm tặc”, mà các thành viên tổ bảo vệ rừng luôn phải đứng trước nguy hiểm từ đại ngàn. Câu chuyện anh Hát kể khiến chúng tôi rùng mình. Cũng vào năm 2014, trong một lần đi tuần rừng, khi dừng lại tìm điểm nghỉ ngơi và nấu cơm trưa, tổ viên Lý A Giáo bị rắn xanh cắn vào chân. Bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, anh Lý A Bình đã ngậm vào chỗ rắn cắn và hút hết nọc độc ra. Sau đó, cả tổ xúm vào, sơ cứu cho anh Giáo, rồi thay nhau dìu anh đi bộ 3 tiếng đồng hồ ra tới cửa rừng, xe ô tô chờ sẵn đưa anh Giáo tới ngay Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn để xử trí.
Mang câu chuyện mà các thành viên của chốt bảo vệ rừng Nậm Xi Tan kể với Trưởng Ban Quản lý, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn Trần Đức Hà, anh bảo: Công việc của những người bảo vệ rừng nơi đây vất vả, nguy hiểm là thế, chúng tôi luôn chia sẻ, động viên để mọi người vượt qua khó khăn, chung tay giữ “kho vàng xanh” nơi “rốn” gió Lào.
Vất vả, nguy hiểm là vậy, nhưng những con người “uống sương, nằm gió” ở Nậm Xi Tan vẫn miệt mài “canh gác kho vàng xanh” cho đại ngàn.