Ra trường cách đây hơn 10 năm, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hùng Vương, chuyên ngành mầm non, với hoài bão, ước mơ của một giáo viên trẻ, năm 2011, cô Vi Thị Thắm quyết định từ Yên Bái lên Lào Cai dạy học cùng chồng, để hỗ trợ cũng như là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác. Hiện cô Thắm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Bản Phùng, còn chồng công tác tại Trường Mầm non Thanh Kim (thị xã Sa Pa).
Ngược dòng thời gian, cô Thắm nhớ lại: Ngày mới nhận công tác, 2 vợ chồng được phân công dạy học tại 2 điểm trường khó khăn nhất: Không điện, không nước sạch, đường đi lại quanh co, hiểm trở. Hơn 10 năm lấy nhau, vợ chồng đã có 5 lần chuyển chỗ ở. Từ căn bếp của UBND xã Thanh Kim cũ, diện tích chưa đầy 10 m2, chỉ đủ kê chiếc giường và gác để đồ, sau đó là những lần ở nhà kho của học sinh tại điểm trường tiểu học, nhà công vụ của trường tiểu học và hiện tại là nhà công vụ của trường mầm non cũ. Hai vợ chồng, 2 con nhỏ và 1 đứa cháu sống trong căn phòng rộng 35 m2, đồ dùng giản dị nhưng ấm cúng và lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Nhiều lúc mệt mỏi, nản chí, chồng lại động viên vợ, thương học sinh và lấy tình yêu nghề để vực dậy quyết tâm.

Hằng ngày, cô Thắm đi dạy cách nơi ở 8 km, còn thầy Thắng (chồng cô Thắm) dạy cách đó 5 km. 3 cháu nhỏ học tại Trường Tiểu học Thanh Kim, khi được bố hoặc mẹ đưa đón, khi thì tự đi bộ cùng nhau tới trường. Bao mùa khai giảng là bấy nhiêu lần cô Thắm bắt gặp ánh mắt buồn của các con trước khi đến trường. Nhìn các bạn được bố mẹ dắt tay đến trường, cùng dự lễ khai giảng, cô càng thương con hơn. “Con thơ mình gửi, con người mình chăm”, đó là thiệt thòi của những giáo viên mầm non, nhưng vì sứ mệnh “trồng người”, chúng tôi chấp nhận hy sinh và cống hiến” - cô Thắm trải lòng.
Bữa cơm của vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến và thầy giáo Hoàng Văn Kỳ, Trường THPT số 2 thị xã Sa Pa được chuẩn bị đơn sơ, vội vàng sau giờ tan lớp. Đã hơn chục năm xa gia đình lên đây công tác, dạy cùng nhau, ở cùng nhau nhưng chưa khi nào vợ chồng cô giáo Yến có ý định chuyển công tác về vùng thuận lợi hơn. Cuộc sống nơi vùng cao thiếu thốn đủ thứ nhưng có một thứ không bao giờ thiếu với vợ chồng cô Yến, thầy Kỳ, đó là sự lạc quan.

Cô Yến tâm sự: Cả hai vợ chồng làm nghề giáo nhưng hai con nhỏ phải gửi về ông bà ở thành phố chăm sóc và cho đi học, bởi thời tiết ở đây khắc nghiệt, điều kiện học hành còn nhiều thiếu thốn. Nhiều đêm nhớ con, hai vợ chồng lại động viên nhau cố gắng vượt qua để các con có tương lai tốt hơn.
Không chỉ cùng nhau vun đắp cho tổ ấm gia đình, trong công việc, cô Yến và thầy Kỳ luôn hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ. “Người ta thường nói cùng ngành, cùng nghề dễ nhàm chán nhưng với vợ chồng tôi thì ngược lại. Những trao đổi, tranh luận trong công việc giúp chúng tôi hiểu nhau hơn, có nhiều cơ hội chia sẻ, hỗ trợ nhau. Đơn cử như năm học vừa qua, tôi tham gia Cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, nếu không có chồng đồng hành, giúp đỡ chuyên môn, nghiệp vụ, có lẽ tôi không đạt được kết quả như ý” - cô Yến chia sẻ.
Khẽ hát ru, ngắm nhìn đứa con thơ chìm vào giấc ngủ, rồi tranh thủ soạn bài, giáo án, cùng thảo luận về phương pháp giảng dạy, chuẩn bị cho giờ lên lớp vào ngày hôm sau… Mỗi tối, công việc của cô Trần Thị Dịu và thầy Hoàng Mạnh Cường, Trường THPT số 1 huyện Bắc Hà vẫn lặp lại như vậy. Cùng nghề, lại dạy cùng trường, cả hai thêm thấu hiểu cho nhau.

Cô Dịu kể: Tôi là người Bảo Yên, còn chồng ở Tuyên Quang. Hai vợ chồng cùng công tác tại Trường THPT số 1 huyện Bắc Hà từ năm 2012. Thời gian công tác cùng nhau đã gắn kết và se duyên cho chúng tôi. Năm 2015, chúng tôi quyết định “về chung một nhà”. Mặc dù chồng dạy môn Vật lý, vợ dạy Ngữ văn nhưng chúng tôi luôn đồng hành với nhau soạn bài giảng, hỗ trợ nhau trong việc giảng dạy, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn. Những lúc chồng bận rộn giảng dạy thì vợ lo cơm nước phục vụ và những khi vợ lên lớp, chồng trở thành trợ lý đắc lực. San sẻ những khó khăn, vất vả, hiểu và cảm thông cho công việc của nhau, hơn 10 năm qua, năm nào hai vợ chồng cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là gia đình nhà giáo gương mẫu…
Vừa là bạn đời, vừa là đồng nghiệp, câu chuyện của những cặp vợ chồng giáo viên đã viết nên những câu chuyện đẹp trên hành trình “gieo chữ”. Mỗi gia đình, mỗi cặp đôi một hoàn cảnh, nhưng họ giống nhau ở tình yêu nghề và quyết tâm vượt khó, cùng nhau vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”.