LCĐT - Dù tuyến đường đã “vang bóng”, nhưng trong lịch sử vùng đất Văn Bàn, tuyến đường ấy cũng có thời điểm dường như bị lãng quên. Những thăng trầm và biến cố của lịch sử theo thời gian đã khiến cho hành trình của người xưa mờ dần theo năm tháng.
>>>Kỳ 1: Ði tìm “dấu chân người xưa”
![]() |
Đường mới mở trên "tuyến đường cổ" đoạn qua rừng Nậm Tha. |
Trong câu chuyện với Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn Tạ Minh Khuê, chúng tôi được biết thêm những tư liệu lịch sử quý: Toàn bộ tổng Khánh An (nay gọi là Khánh Yên) - Văn Bàn xưa - ngoài đi bộ, thì ngựa là phương tiện thịnh hành nhất thời bấy giờ. Tuyến đường bộ từ Chiềng Ken (trung tâm tổng Khánh An) xuống Nậm Tha khá nhộn nhịp, không chỉ vận chuyển hàng hóa mà còn giao lưu văn hóa. Ở Văn Bàn, người dân chăm chỉ trồng bông dệt vải, làm thổ cẩm, sản xuất lúa nước và qua tuyến đường này để trao đổi hàng hóa. Ngược lại, nhiều người Xa Phó ở vùng Châu Quế Thượng theo đường này sang Đồng Vệ (xưa gọi là làng “tá điền”) để phục vụ cho Trưởng tri châu Văn Bàn - nhà Quan Phủ Văn thời trước.Trước đây, nếu không đi theo tuyến đường này, người dân thường đi ra Hòa Mạc để đi theo tuyến đường thủy về xuôi…
Thời kỳ Pháp thuộc, thực dân Pháp mở đường đi từ Bảo Hà (có tuyến đường sắt) sang Tân An qua Khau Co (sau này là tuyến đường 279) để vào vùng Lai Châu - Điện Biên. Đó là tuyến đường người Pháp dùng để khai thác thuộc địa (chuyên chở hàng hóa bóc lột về chính quốc), vì lẽ đó, tuyến đường cổ Chiềng Ken - Phong Dụ Hạ dần rơi vào lãng quên… Tuy vậy, theo lịch sử Đảng bộ huyện Văn Bàn, có thời gian, tuyến đường này trở thành huyết mạch phục vụ hoạt động cách mạng của quân và dân Văn Bàn - Lào Cai. Đây là tuyến đường ngắn và an toàn nhất để nối liền Văn Bàn với chiến khu Vần (Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ). Sau ngày giải phóng, vì chỉ là đường mòn qua rừng xanh núi thẳm, trong khi có nhiều tuyến đường đi lại thuận lợi hơn, nên tuyến đường cổ bị lãng quên, chỉ còn người dân hai thôn giáp ranh có quan hệ thân tộc thi thoảng đi qua tuyến đường ấy để thăm nhau. Năm 1984, lo sợ rừng già Nậm Tha bị khai thác, chặt phá, lãnh đạo huyện Văn Bàn dường như “đóng cửa” tuyến đường này, hạn chế người dân hai vùng giáp ranh đi lại.
Cũng bởi ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng, huyện Văn Bàn đã quyết tâm “đánh thức” tuyến đường cổ. Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn Phan Trung Bá nhận xét: Tuyến đường cổ Chiềng Ken - Phong Dụ Hạ có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần đẩy mạnh giao lưu văn hóa của nhân dân hai tỉnh, mà dọc tuyến đường này có rất nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch tâm linh. Điều đáng nói, việc “đánh thức” tuyến đường này để kết nối du lịch Lào Cai - Yên Bái đã được đưa vào chương trình phát triển du lịch của tỉnh. Tuy việc định hình lại tuyến đường cổ không khó, nhưng để “đánh thức dòng chảy văn hóa” thì còn rất nhiều việc phải làm. Trước mắt, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thiện tuyến đường Nậm Tha - Phong Dụ Hạ. Hiện nay, tuyến đường này đã được mở mới. Tuy nhiên, mặt đường chưa được cứng hóa nên mùa mưa, ô tô, xe máy không thể lưu thông. “Việc hoàn thành tuyến đường không chỉ khai thác tiềm năng du lịch các xã phía Nam của huyện, mà còn là trục kết nối quan trọng các điểm du lịch tâm linh từ Văn Yên (Yên Bái) đến Bảo Hà” - Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết.
Khi tuyến đường cổ được “đánh thức” và kết nối với Văn Yên, không khó nhận ra những “địa chỉ” nổi tiếng trong hành trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng, như Đền Nhược Sơn (Văn Yên), Đền Ken, Đền Cô Tân An (Văn Bàn) và Đền Bảo Hà (Bảo Yên), xa hơn là Đền Thượng (thành phố Lào Cai). Sự kết nối có ý nghĩa trong dòng chảy lịch sử và văn hóa tâm linh bởi Đền Nhược Sơn là nơi thờ võ tướng tài ba Hà Khắc Chương, người có công trấn giữ vùng biên cương phía Bắc cùng với Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn (di tích Đền Thượng) đánh đuổi quân Nguyên Mông, lập nên những chiến công nơi vùng cửa thác Nhược Sơn.
Cùng với các di tích văn hóa tâm linh, trên tuyến đường này còn có nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú, như di tích lịch sử Đồn Coóc ở thị trấn Khánh Yên (đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2017), khu du kích Gia Lan, các điểm du lịch sinh thái: Thác Bay (Liêm Phú), Thác Nà Nheo (Khánh Yên Hạ), “kho vàng xanh” - Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn và các lễ hội đặc sắc của đồng bào Tày, Mông, Dao. Ông Tạ Minh Khuê khẳng định: Tuyến đường cổ nếu được khơi thông sẽ góp thêm một huyết mạch giao thông có ý nghĩa trên bản đồ giao thông huyện Văn Bàn nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung. Tuyến đường sẽ làm phong phú bức tranh du lịch Văn Bàn khi kết nối những miền văn hóa hiện nay. Cùng với việc tìm về những giá trị lịch sử dân tộc, khi đến Văn Bàn sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa đầy màu sắc. Các di sản văn hóa phi vật thể đang được bảo tồn và phát huy những giá trị nhân văn trong cuộc sống đương đại, như tín ngưỡng thờ Mẫu (Đền Cô Tân An), giai điệu Khắp Nôm, nghi lễ then Tày, lễ hội xuống đồng… Không chỉ đơn thuần là giao lưu giữa 2 vùng đất mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng khi các dự án đang được đầu tư về kinh tế, văn hóa, du lịch tại huyện Văn Bàn. Mong muốn sẽ có những nghiên cứu sâu thêm về lịch sử để khẳng định việc tuyến đường cổ trong tâm thức người dân Văn Bàn xưa không chỉ là truyền miệng và càng có ý nghĩa hơn khi Văn Bàn thông tuyến đường này.
Tỉnh Lào Cai đã quy hoạch phát triển khu đô thị Bảo Hà - Tân An thành đô thị loại IV. Đó là một trong những tiền đề quan trọng để Văn Bàn hiện thực hóa khát vọng “đánh thức” tuyến đường cổ. Mới đây, trong buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Bàn, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Vịnh đã yêu cầu các ngành chức năng liên quan của tỉnh xem xét, đề xuất hỗ trợ huyện Văn Bàn đầu tư tuyến đường Nậm Tha - Phong Dụ Hạ và hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch. Đây là tín hiệu vui, tiếp thêm động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Văn Bàn khôi phục lại tuyến đường cổ trong dòng chảy hiện đại cùng nhiều dự định đang ấp ủ, với khát vọng “đánh thức” miền trầm tích văn hóa châu Văn Bàn xưa…