LCĐT - Có một tuyến đường cổ từng được ví như “dòng chảy văn hóa” trong ký ức của người dân Văn Bàn đang được “đánh thức”…
Kỳ 1: Ði tìm “dấu chân người xưa”
Mang khao khát được “mục sở thị” tuyến đường cổ trong ký ức của người dân bên dòng ngòi Chăn, chúng tôi gặp được ông Tạ Minh Khuê, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Văn Bàn - người đã nhiều năm sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của vùng đất này. Câu chuyện bên ấm trà nóng ngày đầu năm cứ dài mãi, bởi những lớp trầm tích văn hóa ở xứ Mường Thát Luông xưa cứ dần được khơi mở. Ông Khuê cho hay: “Trong ký ức truyền từ đời này sang đời khác, có một tuyến đường cổ, từng là nơi giao thương chính của người Văn Bàn cách nay đã 10 thế kỷ”. Như một lời “mời mọc” đầy hấp dẫn, chúng tôi không chần chừ và quyết định lên đường dù thời tiết bất thuận…
Thật may, hành trình tìm dấu chân người xưa của chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của anh Phạm Ngọc Oanh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn. Giở bản đồ và chỉ cho chúng tôi, đây là Chiềng Ken - điểm đầu của tuyến đường cổ. Từ đây đi xuôi hạ huyện là đến Nậm Tha, vượt qua rừng già là đến Phong Dụ Hạ và tiếp tục kết nối với các xã của huyện Văn Yên (Yên Bái). Hành trình của tuyến đường cổ là như vậy.
![]() |
Trò chuyện với ông Triệu Đức Phúc ( thứ 3 từ phải sang) – người dân thôn Khe Hao, xã Phong Dụ Hạ. |
Sau lời giới thiệu của Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, tất cả hồ hởi và háo hức cho chuyến đi bộ xuyên rừng để “tìm dấu chân người xưa”. Đi xe đến cửa rừng Nậm Tha, chúng tôi cuốc bộ theo tuyến đường đang mở mới chạy dọc khe suối, nối từ huyện Văn Bàn sang vùng giáp ranh Yên Bái. Ngoài cửa rừng, trời quang đãng bao nhiêu, thì vào trong rừng, trời âm u, tĩnh mịch bấy nhiêu. 9 giờ sáng, nhưng gà vẫn gáy vang vẳng, càng khiến bước chân thêm chậm lại. Chúng tôi cứ nhắm thẳng tuyến đường mới mở mà đi. Trận mưa kéo dài từ mấy ngày trước khiến mặt đường vừa san gạt trở nên lầy lội, bùn đất dính chặt lấy giầy, dép, khiến đôi chân thêm nặng. Dừng lại nghỉ cho bớt mệt, anh Oanh nói với chúng tôi, tuyến đường này được mở trên nền của tuyến đường mòn thời xưa đấy. Tuyến đường chưa được mở thông, còn khoảng 300 m nữa, nên mọi người sẽ được đặt bàn chân của mình lên dấu chân người xưa trên tuyến đường mòn còn lại.
Trên đường, vừa đi anh Oanh vừa kể với chúng tôi, trước đây khi làm nhiệm vụ giữ rừng ở khu vực này, có một tuyến đường mòn, thấy nhiều người già trong bản kể lại, đó là tuyến đường độc nhất. Người dân vùng này và cán bộ kiểm lâm địa bàn thường đi tuần rừng qua đây. Sau này, khi huyện tiến hành mở và làm tuyến đường mới, thì hầu như không có người đi theo tuyến đường cũ, chỉ có người dân đi nương hoặc đi rừng lấy củi mới đi qua tuyến đường cũ ấy. Anh Oanh vẫn còn nhớ những kỷ niệm đi tuần tra rừng trên tuyến đường cũ ở vùng Nậm Tha, có lần điều khiển chiếc xe WIN lao vào cả bụi cây ven rừng vì đường mòn khó đi lắm.
Rồi cũng đến đoạn đường “cụt”, bởi đơn vị thi công chưa mở xong. Nhưng lại hóa hay, chúng tôi có cơ hội được đi trên tuyến đường cổ. Bằng kinh nghiệm của người bao năm gắn bó với địa bàn, anh Oanh dẫn chúng tôi men theo khe suối với đá sỏi ngổn ngang. Có đoạn rừng già ken dày, chúng tôi phải rẽ cây rừng mà đi. Bao câu chuyện kể cứ dài theo cung đường chúng tôi leo rừng, xuyên dưới những tán cây trong cơn mưa rừng, men theo khe suối. Không ngờ rằng, chính nơi chúng tôi đi qua đã từng in dấu chân người xưa, dù biết thời gian có thể làm thay đổi một con đường, cùng sự biến đổi về địa tầng, địa chất qua nhiều năm như thế. Lúc dừng nghỉ chân giữa rừng già, trong chúng tôi đều trào dâng cảm xúc khó diễn tả, bởi khát vọng đặt chân lên tuyến đường cổ đã thành hiện thực, dù giờ đây tuyến đường không còn chút dấu vết.
Bao nhiêu thế kỷ, nhưng đó vẫn là tuyến đường duy nhất mà người xưa và thế hệ người dân Nậm Tha - Phong Dụ Hạ hôm nay vẫn đi lại. Như một sự sắp đặt của tạo hóa và cũng thật ngẫu nhiên, khi đi bên phần đất Nậm Tha(Văn Bàn), chúng tôi ngược theo dòng suối, nhưng khi đến ranh giới đất Phong Dụ Hạ thì chúng tôi phải xuôi theo dòng suối chảy về phía bên kia… Dòng suối chảy về hai ngả từ mạch nước khe trên đỉnh núi trong rừng già đã đánh dấu mốc tự nhiên giữa hai vùng đất.
Giữa đoạn đường, chúng tôi gặp hai thanh niên người Mông ở Nậm Tha đi Phong Dụ Hạ về. Trong câu chuyện với Tráng A Sử - một trong hai người đó, chúng tôi biết là họ vừa đi ăn cỗ cưới về, trong ba lô vẫn còn “thủ sẵn” nắm cơm trắng để phòng thân lúc đi đường… Vì tuyến đường đi bộ từ Phong Dụ Hạ về Nậm Tha đi qua rừng khá dài, lại xa bản người dân ở. Hai thanh niên chia cho chúng tôi nắm cơm trắng bảo, đường đến Phong Dụ Hạ còn xa lắm.
Bước chân dù mỏi mệt và đói, nhưng vẫn hối thúc chúng tôi đi tiếp để đến Phong Dụ Hạ như đã hẹn. Đặt chân sang mảnh đất nay mai sẽ nối liền một dải trong “dòng chảy văn hóa” mà người Văn Bàn đang “nung nấu” đánh thức, chúng tôi ghé thăm một gia đình người Dao ở Phong Dụ Hạ. Cả nhà đang rộn ràng chuẩn bị bữa cơm trưa. Bên bếp lửa hồng, câu chuyện dường như rôm rả hơn bởi vì lâu lắm không có khách ghé thăm nhà. Ông Triệu Đức Phúc, thôn Khe Hao (xã Phong Dụ Hạ) phấn khởi trò chuyện: Nhà ở xa, đường đến đây lại khó đi, chỉ có đường rừng và dốc núi, nên rất ít người đến đây. Chúng tôi mơ ước có một tuyến đường to đẹp để xuống trung tâm xã và sang Nậm Tha để giao lưu văn hóa. Bởi, bên Phong Dụ Hạ có nhiều người có họ hàng ở Nậm Tha, để sang thăm nhau, cũng chỉ đi bộ mà thôi, nên nhiều khi gần cũng hóa thành cách trở.
Đặc biệt hơn, cả hai làng người Dao ở Khe Păn, xã Nậm Tha (Văn Bàn - Lào Cai) và Khe Hao, xã Phong Dụ Hạ (Văn Yên - Yên Bái) có nhiều phong tục, tập quán giống nhau, như lễ cấp sắc, lễ cúng rừng, lễ cúng thần lúa (ngay tại lán, tại nương), ngày Tết cổ truyền thì mổ lợn, giã bánh giày… Nên nếu tuyến đường hoàn thành, thì việc giao lưu văn hóa, học hỏi kinh nghiệm sản xuất cũng là điều thuận.
Chúng tôi “hạ sơn” khi trời đã sang chiều. Bữa cơm ở Trạm Kiểm lâm Nậm Tha lúc 3 giờ chiều dường như ngon hơn, bởi ai cũng đói và rét…kết thúc hành trình đi tìm lại tuyến đường cổ với những “dấu chân người xưa” đã từng đi qua nơi này.