LCĐT - Ngày 17/2/1979, cùng quân dân các địa phương trên tuyến đầu biên giới Hoàng Liên Sơn, quân dân huyện Si Ma Cai đã trụ vững trong vòng vây quân xâm lược, buộc quân địch phải chùn bước không thể tiến sâu vào nội địa để chờ bộ đội chủ lực lên tiếp sức bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Cách đây 40 năm, Xuân Kỷ Mùi 1979, Si Ma Cai là huyện biên giới xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Từ huyện lỵ về tỉnh gần 300km, con đường duy nhất là đường đá cấp phối qua huyện Bắc Hà, ra Quốc lộ 70. Chiến tranh biên giới nổ ra, liên lạc hữu tuyến bị gián đoạn, chỉ có Đồn Biên phòng 227 và Huyện đội mới có máy liên lạc moóc sơ nhận lệnh, mọi tin tức huyện với tỉnh đều qua nghe đài.
Khi quân xâm lược đánh chiếm đến ngã ba Bắc Ngầm, huyện Bảo Thắng, cũng là thời điểm Si Ma Cai nằm trong vòng vây quân địch. Sức mạnh nào để quân dân Si Ma Cai trụ vững? Sau chiến tranh biên giới, ông Giàng Seo Sẩu, Bí thư Huyện ủy trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Hoàng Liên Sơn rất ngắn gọn: Đó là “Niềm tin vào Đảng, vào Chính phủ và vào cuộc sống mới Đảng xây dựng...”.
![]() |
Ông Giàng Seo Sẩu, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai giai đoạn 1976 - 1979. |
Từ cuối năm 1978, trước tình hình diễn biến phức tạp trên khu vực biên giới, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn, huyện Si Ma Cai đã tổ chức bảo vệ chặt chẽ 12 km đường biên giới nơi khuỳnh nhô sông Chảy tiếp giáp với huyện Mã Quan,Trung Quốc. Trước tiên, phá tan âm mưu đẩy đuổi người Hoa của Trung Quốc, không để bạo loạn, xung đột xảy ra ở khu vực ven sông Chảy, khi gần 1.000 người Việt gốc Hoa trên địa bàn bị lôi kéo, dụ dỗ rồi bỏ nhà cửa, ruộng nương chạy qua bên kia biên giới. Khi đó, các xã cận biên còn hàng trăm người Hoa từ Bắc Hà, Lùng Phìn kéo lên để chuẩn bị vượt biên sang bên kia biên giới.
Ông Sùng Seo Nhà, Phái viên của Huyện ủy Si Ma Cai phụ trách xã Lùng San khi đó, nhớ lại: Số người Hoa ở chỗ Si Ma Cai, chỗ Bắc Hà đều quen thân cả, giờ họ nhìn cứ hầm hầm nhưng mình vẫn phải đứng ra vận động, giải thích chính sách đoàn kết của ta.
Ông Giàng Chẩn Phù, Phái viên của huyện, quê ở Thào Chư Phìn phụ trách các xã tiếp giáp với huyện Mường Khương khi đó, cũng kể: Không chỉ lôi kéo người Hoa, họ còn lôi kéo dụ dỗ cả người Mông, người Thu Lao có họ hàng thân quen ở Mã Quan xuống cắm trại ven bờ sông Chảy. Cán bộ ta vừa vận động kéo họ quay lại, vừa phải mở đường biên để số người cố tình vượt sông sang bên kia biên giới, không lập trại gây ùn ứ ở vùng biên. Các bản Nàng Cảng, Dào Dền Sáng, Lu Dì San và cả bản cận biên Cốc Pà, Tả Pa Chải… ta cũng phải tổ chức đồng bào canh gác, cho họ ăn uống, vận động số người Hoa cũ dồn ứ lại muốn cắm chốt gây rối.
Ông Trần Văn Luân khi đó là Phó Chủ tịch UBND huyện, sau này về làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, nhớ lại: Không chỉ tổ chức chống lại chiến dịch đẩy đuổi người Hoa tại địa phương, mà còn phải ngăn ngừa số người Hoa từ Bắc Hà lên, từ xuôi lên, có cả người Hoa ở Sài Gòn đưa ra yêu sách ta phải cho ngựa cưỡi mới qua sông. Cùng với đó, huyện chỉ đạo rà soát bố trí lại 13/16 phòng, ban của huyện có cán bộ, viên chức là người Hoa cài cắm để làm trong sạch địa bàn. Bước vào Xuân Kỷ Mùi năm 1979, huyện Si Ma Cai chủ động chuyển toàn bộ hoạt động của địa phương sang thời chiến từ cuối năm trước. Vẫn duy trì tổ chức cho đồng bào đón tết theo phong tục người Mông từ đầu tháng Chạp, chợ phiên cuối năm vẫn đông vui, lễ hội Say sán đầu năm vẫn tổ chức nhưng có thêm lực lượng quân dân trực chiến bảo vệ. Sản xuất vụ xuân là quan trọng nhất trong năm, nên huyện chỉ đạo tập trung cho gieo trồng cây ngô, đậu tương xuân. Mỗi xã tổ chức một đội dân quân trực chiến, huyện có 12 trung đội tự vệ, mỗi đơn vị tự vệ huyện có một sĩ quan đã qua chiến trường chống Mỹ mới được tăng cường lên làm cố vấn.
Ngày 19/2/1979, chiến sự nổ ra trên toàn biên giới của tỉnh, nhưng 6 xã biên phòng của huyện đã phải chiến đấu trước đó mấy tháng trời để bảo vệ 12 km đường biên ven bờ sông Chảy. Từ chống đẩy đuổi người Hoa, rồi đến chống xâm lấn biên giới bên bờ sông, tung thám báo sang cài cắm, đe dọa cán bộ cơ sở và lôi kéo đồng bào cả tin vượt biên. Công việc chỉ đạo của các chi bộ xã, của chính quyền cơ sở, việc giao ban trực chiến của quân dân, việc nắm cơ sở, nắm dân của các tổ công tác xã và chỉ đạo của huyện đã thành nếp từ thời xây dựng hậu phương đánh Mỹ cứ thế vận hành. Có điểm mới là có động thái mới phải báo cáo ngay, đơn vị trực chiến 17 xã được trang bị súng tiểu liên AK, có số lượng đạn tăng lên, quy ước trực mới đem cho các đơn vị thay đổi mọi đêm.
Chiến sự nổ ra trên toàn tuyến biên giới đúng vào ngày thứ 7, chiều đó Si Ma Cai nhận tin qua buổi phát thanh thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam trên loa truyền thanh của huyện. Hôm sau Chủ nhật, chợ phiên Si Ma Cai dân vẫn họp; các chảo thắng cố vẫn sôi sùng sục. Các phòng, ban huyện giao ban, phân công trực phiên canh gác và cử người vào hậu cứ theo phương án chuyển trạng thái sang thời chiến. Cuối chợ phiên tin chiến sự được phát trên Đài truyền thanh huyện, cùng đó là thông báo tạm hoãn họp chợ do tập trung phòng, chống quân xâm lược và yêu cầu đồng bào không nghe lời kẻ xấu lôi kéo ra đường biên, thấy kẻ lạ mặt thì đến ban báo ngay cho quân dân trực chiến.
![]() |
Một góc trung tâm huyện lỵ Si Ma Cai hôm nay. |
Cứ thế rồi cũng qua một tháng, mọi chỉ đạo của huyện một nửa trong hậu cứ, một nửa ở huyện lỵ. Cán bộ leo đèo, ngược dốc như con thoi từ huyện vào hậu cứ và ngược ra. Đêm đến, các chốt trên sườn núi lấp lóe ánh lửa vừa để sưởi ấm vừa để canh chừng quân thám báo. Các đội trực chiến ở xã có lương thực dự trữ, bởi trước đó hợp tác xã vùng cao và các bản đều có ruộng công cấy trồng tích trữ; tính ra 17 xã có hàng chục tấn lương thực dự trữ có dư.
Khi chiến sự xảy ra, có một việc mới phát sinh là chuyện nhận thương binh do dân quân bên xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương chuyển qua sông Chảy sang. Huyện Si Ma Cai phải vừa tiếp nhận, vừa tổ chức bảo vệ ngăn ngừa quân địch đuổi theo rồi tràn qua từ hướng đó. Lúc này, ông Vàng Seo Nùng, Huyện đội trưởng được đưa về Bản Mế trực tiếp chỉ huy. Lý giải việc phân công này, theo Bí thư Huyện ủy Giàng Seo Sẩu là để Huyện đội thuộc cách đánh chặn quân địch trước. 7 thương binh được cáng qua Si Ma Cai, mỗi cáng 4 dân quân thay nhau chạy bộ từ bờ sông về huyện rối chuyển về Bắc Hà.
Ngày 18 tháng 3 năm 1979, trên thông báo quân xâm lược rút khỏi ngã ba Bản Phiệt, ngừng đánh chiếm tuyến biên giới Hoàng Liên Sơn, ở huyện Si Ma Cai mọi việc vẫn theo nếp thời chiến: Tập trung sản xuất vụ xuân, tổ chức canh phòng biên giới, 2 trung đội tự vệ trực chiến của các cơ quan huyện tự giải tán, cán bộ về lại cơ quan…
Ở xa trung tâm tỉnh Hoàng Liên Sơn, không kịp liên lạc, việc tổng kết chiến sự, khen thưởng cán bộ, chiến sĩ gương mẫu trong công tác thời chiến nhiều xã, cơ quan không kịp báo cáo lên trên vì thế bỏ sót nhiều.
Ngày 17 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 168/QĐ-HĐBT hợp nhất 2 huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, lấy tên là huyện Bắc Hà, mục đích xây dựng phòng tuyến biên giới khu vực Si Ma Cai, khu vực Bắc Hà là hậu phương của phòng tuyến biên giới. 17 xã của huyện Si Ma Cai bước vào thời kỳ mới xây dựng pháo đài biên giới bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Bài học lãnh đạo chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, trụ vững trong vòng vây cuộc chiến chống quân xâm lược 40 năm trước vẫn còn nguyên giá trị cho các thế hệ cán bộ, nhân dân huyện Si Ma Cai hôm nay.