Miền quê cách mạng thanh bình
Những người Tày sinh sống lâu đời ở Mường Bo vẫn truyền tai nhau, khi những hộ đầu tiên đến mảnh đất này nhận thấy thế đất tương đối bằng phẳng, có dòng suối mát chảy qua nên đã quyết định dừng chân, lập bản. Trong tiếng Tày, từ “mường” nghĩa là bản, làng, còn “bo” là tên của dòng suối vắt qua, tên gọi Mường Bo ra đời từ đó, ngụ ý về một bản làng có dòng suối chảy qua, đắp bồi cho ruộng đồng, đất đai tốt tươi, màu mỡ.
Mường Bo hôm nay được sáp nhập từ 2 xã Thanh Phú và Suối Thầu. Thanh Phú năm xưa là cái nôi của cách mạng địa phương với những người con yêu nước, một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng, kiên cường trong công cuộc giải phóng quê hương. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhiều lần đổi tên, vùng đất thanh bình, tươi đẹp nằm ở phía Đông Nam thị xã Sa Pa hôm nay có một diện mạo mới.
Miền quê ấy hiện là nơi sinh sống của 4 dân tộc anh em. Người Mông lập bản ở khu vực núi cao lấy tên là Suối Thầu Mông, đồng bào Tày và số ít hộ người Kinh quần cư quanh ngọn nguồn con nước ở các thôn Mường Bo 1, Mường Bo 2, còn đồng bào Dao lại nằm quãng giữa, lưng chừng những ngọn đồi thoai thoải. Sự đa sắc màu văn hóa và tinh thần cố kết trong cộng đồng các dân tộc nơi đây đã làm nên sự đổi thay ở miền đất này. Xã Mường Bo “về đích” nông thôn mới vào năm 2020, phấn đấu đạt mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
“Cởi trói” cho phụ nữ Dao
Chiếm 60% dân số địa phương, đồng bào Dao sinh sống tại 6/9 thôn trên địa bàn xã. Ông Vàng Xuần Luồng, Trưởng thôn, Phó Bí thư Chi bộ thôn Sín Chải A nhớ lại: Theo lời các cụ cao niên, người Tày lập thôn ở vùng bằng phẳng phía chân núi, người Dao men theo những triền đồi lên cao hơn, thấy những cây chuối rừng trên đường đi đã bị phát, đánh dấu bước chân của người Mông đã từng đi qua khu vực này đến chốn cao hơn nên các cụ quyết định lập bản ở nơi lưng chừng con dốc.
Hủ tục lâu đời của đồng bào Dao khi xưa có nhiều điều khắt khe với phụ nữ. Ví như quan niệm những khi gia đình có khách, mẹ chồng, con dâu phải ăn riêng ở mâm dưới, hoặc quan niệm con gái mà sinh vào tháng 5 âm lịch sẽ khó gả chồng, nếu muốn lập gia đình thì chỉ còn cách là có người chấp nhận ở rể. Bà Phàng Tả Mẩy, vị cao niên ở thôn bảo, do đói nghèo, không biết chữ, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn với ruộng nương nên phụ nữ Dao cam chịu với số phận, chẳng mấy ai nghĩ tới việc vượt qua những rào cản đã trói buộc bao đời.
Thế nhưng tất cả những điều ấy đã lùi về quá khứ, nhường chỗ cho tiến bộ, văn minh. Cách đây nhiều năm, địa phương quyết liệt tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục, đánh dấu sự đổi thay trong nếp sống của cộng đồng các dân tộc địa phương.
Xóa bỏ hủ tục là việc làm không dễ, bởi quan niệm ăn sâu vào nhận thức bao đời nay của đồng bào. Để thành công đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn và kiên trì.
Thực tế tại Mường Bo, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về đổi thay trong nhận thức, hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Dao và xóa hủ tục trong đời sống đã có nhiều kết quả. Điển hình như trường hợp chị Vàng Tả Mẩy, sinh năm 1996, người đầu tiên của thôn vùng cao Sín Chải A đã học xong chương trình đại học vào năm 2018. Sau khi trở về địa phương, nhờ sôi nổi tham gia các hoạt động xã hội, năm 2019, chị Mẩy được kết nạp Đảng, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã.
Năm 2022, Đảng bộ xã Mường Bo kết nạp 15 đảng viên, trong đó có 7 đảng viên nữ đồng bào Dao. Tính từ năm 2020 đến nay, xã có 15 phụ nữ là con em đồng bào Dao được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Xóa hủ tục, lạc hậu, phụ nữ Dao được “cởi trói”, mở ra nhiều cơ hội được học hành, tham gia công tác xã hội, vươn lên, hiện thực hóa những khát khao tương lai.
Đi lên từ sự cần lao
Mường Bo đang bước vào mùa đẹp nhất - mùa nước đổ. Giữa đất trời cao xanh, những thửa ruộng bậc thang lóng lánh ánh bạc, sáng như những mảnh gương xếp lưng trời. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, nơi đây sẽ được phủ lên màu xanh của cây lúa, rồi màu vàng trĩu báo hiệu sự no ấm, thanh bình. Khó khăn thì nhiều nhưng đồng bào các dân tộc xã Mường Bo đã khai phá, miệt mài làm nên vùng sản xuất lúa, ngô chừng 400 ha, trong đó 30 ha đất trồng lúa 2 vụ. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở địa phương có nhiều thay đổi khi bà con biết áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đưa vào gieo cấy những giống lúa chất lượng tốt, năng suất cao.
Bức tranh kinh tế ở Mường Bo hôm nay còn khởi sắc bởi những mô hình kinh tế mới. Đó là 18 ha cây ăn quả, dự án trồng cây dược liệu, mô hình trồng quế, nuôi gà đen, nuôi bò hàng hóa. Ông Hoàng Văn Phang, Bí thư Đảng ủy xã Mường Bo cho hay: Những mô hình này cho thấy sự chủ động, mạnh dạn của người dân trong phát triển kinh tế. Đơn cử như mô hình trồng quế, nhận thấy cây trồng này phù hợp với điều kiện tự nhiên nên bà con đề xuất đưa vào sản xuất với quy mô lớn. Trong năm 2021 - 2022, người dân các thôn được hỗ trợ trồng 80 ha quế, nâng diện tích quế toàn xã lên 250 ha, kỳ vọng mang lại nguồn thu ổn định trong tương lai. Năm 2022, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã đạt 37,5 triệu đồng, phấn đấu đến đầu năm 2024, con số này nâng lên 39 triệu đồng.
Tận dụng những lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa, Mường Bo đang nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng, trong đó các thôn Mường Bo 2, Sín Chải A và Nậm Lang được quy hoạch đầu tư thực hiện mô hình này.
Gia đình ông Lò A Chung ở thôn Mường Bo 2 là một trong số ít hộ đang làm dịch vụ homestay. Căn nhà nhỏ xinh theo kiến trúc nhà sàn của người Tày với 6 phòng ngủ, quanh nhà là ruộng trồng lúa nếp Mường Bo nổi bật giữa miền quê thanh bình. Hầu như những bản sắc văn hóa của người Tày nơi đây vẫn được gia đình ông duy trì, lưu giữ.
Ông Chung bảo, từ giữa tháng 3, cơ sở homestay của gia đình kín phòng du khách đặt. Mỗi năm, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng. Du lịch cộng đồng hoàn toàn có thể phát triển ở nơi này nếu được quy hoạch, khai thác bài bản, bền vững...
Chính quyền và Nhân dân các dân tộc Mường Bo hôm nay đang viết tiếp những trang sử mới tươi sáng, tạo sức bật cho vùng quê cách mạng.