Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2024 với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã dự và phát biểu tại Diễn đàn.

4.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đến nay, cơ sở chính trị, pháp lý để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã tương đối đầy đủ và đã xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thành phần kinh tế tập thể, hợp tác xã đối với phát triển kinh tế xã hội của quốc gia nói chung và trong cơ cấu nền kinh tế của đất nước.

Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục có sự tăng trưởng, các hợp tác xã đã cơ bản chuyển đổi sang mô hình kiểu mới, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực. Đến cuối năm 2023 cả nước đã có hơn 31 nghìn hợp tác xã với hơn 5,8 triệu thành viên, 137 liên hiệp hợp tác xã; khoảng 63% hợp tác xã được đánh giá hoạt động hiệu quả.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, việc liên kết theo chuỗi giá trị là mô hình kinh tế đã được khẳng định mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách và có nhiều chỉ đạo về liên kết phát triển sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực phối hợp tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Kết quả đến nay, liên kết giữa các thành viên trong tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhau, giữa hợp tác xã với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu đã có sự phát triển. Theo số liệu thống kê của Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước đã có hơn 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo (chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã). Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng và phát triển được 1.449 chuỗi liên kết đối với các sản phẩm chủ lực theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, với sự tham gia của 2.204 hợp tác xã, 1.091 doanh nghiệp, 517 tổ hợp tác và hơn 186 nghìn hộ nông dân. Tổng kinh phí của các dự án, kế hoạch liên kết được duyệt là 11.440 tỷ đồng, trong đó kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là: 2.532 tỷ đồng (chiếm 22,1%).

Việc phát triển các chuỗi liên kết phù hợp đã góp phần hình thành nhiều khu sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu lớn, là cơ sở quan trọng để ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường, khắc phục được những nhược điểm của mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao cho nhiều đối tác tham gia liên kết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại đã được đề cập nhiều trong thời gian qua như: Năng lực sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã còn yếu, manh mún ; trình độ về khoa học công nghệ còn hạn chế, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn yếu, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, những tồn tại nói trên xuất phát từ một số nguyên nhân, như: Chất lượng nguồn nhân lực quản lý của các hợp tác xã nhìn chung còn nhiều hạn chế (đến năm 2023, số cán bộ quản lý hợp tác xã đạt trình độ sơ, trung cấp mới chiếm gần 36%, trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 23%). Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực bảo đảm thực hiện.

Đáng chú ý, trong triển khai thực hiện các chính sách về liên kết chuỗi giá trị, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định phân cấp cho các tỉnh trong việc ban hành cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết trên địa bàn, phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, còn có những địa phương chậm ban hành, trông chờ, kiến nghị ngược trở lại Chính phủ và các Bộ, ngành về cụ thể hóa chính sách. Điều kiện thụ hưởng chính sách liên kết còn khó khăn, quy trình, thủ tục hướng dẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, phức tạp, nên chưa thu hút được nhiều hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia. Đặc biệt, một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Vì vậy, nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, các tổ chức kinh tế hợp tác, các đối tác tham gia liên kết cần quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các quy định của Luật Hợp tác xã năm 2013 và các chính sách, pháp luật liên quan, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo để tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới.

Về liên kết phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm. “Các bộ ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phải làm rõ vướng ở cơ chế nào, quy định nào, trách nhiệm thuộc về ai, để có đề xuất cụ thể", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tổ chức củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị, bảo đảm yêu cầu tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực hiện từng giai đoạn. “Hệ thống liên minh hợp tác xã cần tiếp tục phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể; bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của hợp tác xã, tổ chức tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã nhằm tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tham gia hiệu quả trong chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Chính phủ luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển nhanh, bền vững, đóng góp ngày càng tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. Đối với các kiến nghị tại diễn đàn, Phó Thủ tướng đề nghị Liên minh Hợp tác xã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại Diễn đàn.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, Chủ tịch Liên minh Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cũng nhìn nhận, phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu, là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Khu vực kinh tế tập thể không nằm ngoài quỹ đạo đó. Chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các hợp tác xã. Ngược lại, kinh tế tập thể và hợp tác xã cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã là yếu tố không thể bỏ ngỏ trong việc tham gia tạo dựng các chuỗi giá trị có tính bền vững.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo Bộ ngành đã chứng kiến lễ Ký kết Phối hợp giữa Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Theo Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) mới đây đăng bài viết với nhan đề “Tiêu dùng trực tuyến Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng”, dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu dữ liệu Metric, cho thấy 3 quý đầu năm, doanh số của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so cùng kỳ năm ngoái.

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

Hơn 10 năm trước, anh Chấu Seo Câu ở thôn Sả Séng là người đầu tiên của xã Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương) chuyển đổi một số diện tích trồng ngô sang trồng quýt sen. Tới nay, gia đình anh Câu có hơn 4 ha quýt, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, giá trị thu hoạch mỗi vụ đạt khoảng 200 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Câu đã thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng khấm khá khiến nhiều người dân vùng cao ngưỡng mộ.

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Quan tâm triển khai công tác đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao Si Ma Cai.

Điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Nhằm hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương vừa tiến hành Phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025.

Trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc từ nghề nuôi cá

Trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc từ nghề nuôi cá

Gắn bó với nghề nuôi cá hơn 30 năm, trải qua bao thăng trầm nhưng với niềm đam mê, quyết tâm và sự sáng tạo, anh Nguyễn Văn Hợp, thôn Khởi Khe, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng đã trở thành một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

fbytzltw