Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nền tảng không gian số vì sức khỏe cộng đồng (CCH) và công ty Laicity hợp tác triển khai dự án này dưới sự ủng hộ của Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam…
Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Bà Phạm Thị Thanh Hường – Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội chia sẻ: “Sau 10 năm UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng là Di sản văn hóa phi vật thể (2012-2022), chương trình khởi động dự án “Đường vào vương quốc các vua Hùng” sẽ được tạo ra trên không gian ảo với công nghệ tiên tiến nhất. Cho tới giờ hiếm có di sản nào trên thế giới nào có sự kết hợp đột phá như thế. Các di sản muốn bảo tồn cần có sự chung sức của cộng đồng. Với sự phát triển của công nghệ, sự đầu tư của doanh nghiệp, sự vào cuộc của các đơn vị uy tín, của Giáo hôi Phật gáo Việt Nam… tôi tin rằng dự án “Đường vào vương quốc các Vua Hùng” sẽ giúp không chỉ người dân Việt Nam mà du khách quốc tế muốn tìm hiểu về Di sản thờ cúng vua Hùng có thể tiếp cận các giá trị truyền thống, thông qua không gian ảo, cảm nhận bằng các giác quan”.
Theo Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, thông thường, các di sản truyền thống chủ yếu đưa thông tin trên Internet để người xem tìm hiểm theo cách lướt qua hoặc không cảm nhận hết giá trị của di sản bằng các giác quan. “Do đó, có thể nói đây là dự án đầu tiên của Việt Nam tại thời điểm hiện tại, có sáng kiến đưa công nghệ tiên tiến nhất trong kỷ nguyên chuyển đổi số vào trải nghiệm di sản UNESCO. Với tư cách là đại diện Văn phòng UNESCO, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ sáng kiến, hỗ trợ truyền thông trên các nền tảng thông tin của UNESCO” – bà Hường cho biết.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan đánh giá cao sáng kiến thực hiện dự án. Ông cho rằng các chương trình sẽ góp phần đưa hình ảnh đền Hùng, một biểu tượng văn hóa đặc biệt Việt Nam đến với bạn bè khắp năm châu, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết của người Việt trong và ngoài nước, giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ.
Họp báo công bố dự án "Đường vào vương quốc các vua Hùng trên không gian thực tế ảo". |
Bà Nguyễn Thị Kim Đức – Đại diện Laicity chia sẻ: “Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là một người dân Việt Nam tôi luôn tự hào về nguồn cội. Tôi luôn mong muốn được đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước. Chúng tôi hướng mục tiêu là các dự án liên quan đến bảo tồn và phát huy các giá trị của thiên nhiên và đề cao tính văn hoá. Thông qua nền tảng kỹ thuật số, chúng tôi sẽ xây dựng các dự án từ đó lan toả tính ảnh hưởng của văn hoá và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Dự án “Đường vào vương quốc các vua Hùng” là dự án đầu tiên để hiện thực hoá điều đó...".
Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh vai trò của công nghệ số trong các hoạt động của Phật giáo đã phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của không chỉ Phật tử mà của tất cả mọi người khắp năm châu. Từ năm 2020 đến na, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thông qua mạng xã hội Butta, các kênh truyền thông chính thức của Giáo hội Phật giáo đã phát huy hiệu quả động viên mọi người chung tay chống dịch, bù đắp tinh thần để mọi người vượt qua đại dịch.
Dự án này nhằm tiếp tục giữ gìn truyền thống cội nguồn của dân tộc, giữ gìn nền văn hoá không chỉ là tín ngưỡng thờ cúng mà còn tạo ra một không gian văn hóa Hùng Vương trên không gian số, để người Việt dù ở quốc gia nào cũng vẫn có thể tìm hiểu về cội nguồn.