Nguy hiểm rình rập
Những khu nhà này được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thời điểm ấy, đây là những căn hộ mơ ước giúp công nhân vùng mỏ vốn phần nhiều là từ các tỉnh miền xuôi lên công tác ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất.
Theo thiết kế ban đầu, Công ty Apatit chủ trương xây dựng 3 mẫu nhà tập thể, trong đó khu C là dãy nhà của cán bộ và chuyên gia, khu B dành cho những công nhân đã có gia đình, khu A là các dãy tập thể cho công nhân chưa có gia đình, đây cũng là khu có nhiều dãy nhà nhất với 13 dãy nhà 2 tầng, mỗi dãy có 20 phòng.
Qua bao năm tháng thăng trầm, vùng mỏ Cam Đường có nhiều đổi thay, những khu nhà tập thể vẫn còn đó nhưng thời gian đã khiến chúng không còn đủ vững chãi.
Những bức tường dù vẻ ngoài vẫn còn kiên cố nhưng đang phải gồng mình chịu đựng khi nhiều hộ cải tạo cho phù hợp với công năng sử dụng của cuộc sống hiện đại.
Nằm ở cuối đường nhỏ vòng ra phía sau trụ sở cũ của Công ty Apatit, dãy nhà tập thể 2A hiện ra với bức tường vá víu, một hàng ngói đã rơi xuống từ bao giờ để lại những viên ngói xô lệch có thể tiếp tục rơi khi mùa mưa đang tới.
Ông Đào Xuân Dung là một trong những công nhân mỏ Apatit đầu tiên đến sinh sống tại khu nhà sau chiến tranh biên giới. Khi ấy, Công ty Apatit chủ trương thanh lý các dãy nhà này cho cán bộ, công nhân đã có gia đình.
Ông Dung kể: Ngày ấy cuộc sống còn nhiều khó khăn, sau chiến tranh, dân còn thưa thớt, nhiều người còn dè dặt chưa muốn định cư lâu dài nên mời gọi mãi mới có vài hộ vào ở.
Các thế hệ công nhân như ông Dung nay đều đã nghỉ chế độ và hầu hết vẫn sống trong các dãy tập thể. Ngoài ra, trong các dãy nhà có một số gia đình trẻ vì chưa có điều kiện mua đất xây nhà nên mua lại của hộ công nhân. “Chung cư xuống cấp rồi nên giá cũng thấp thôi”, ông Dung bảo.
Khu nhà 2A được xây dựng từ lâu, để phù hợp với công năng sử dụng, người dân đã cải tạo, cơi nới để có diện tích rộng hơn. Những nhà ở tầng 1 hầu hết đã xây thêm cả đằng trước và đằng sau, nhà có điều kiện thì đổ mái bằng, nhà chưa có điều kiện thì làm khung sắt, lợp tôn nên nhìn dãy nhà càng lộn xộn.
Tại dãy nhà 12A, tình trạng cũng không khá hơn là bao. Căn nhà của gia đình ông Hoàng Quốc Khánh nằm ở cuối dãy nhà vốn được cải tạo lại từ khu nhà vệ sinh tập thể. Ông Khánh là công nhân mỏ đã về hưu nhiều năm nay, vợ làm nghề tự do, thu nhập thấp, căn nhà ẩm mốc, chằng chịt vết nứt nhưng nhiều năm nay gia đình ông đã quen với cảnh này.
Sống ở tầng 2 của dãy nhà 12A là gia đình chị Đinh Thị Hạnh. Căn phòng 16 m2, một chiếc giường được kê ngay cửa ra vào vừa để ngồi uống nước vừa để ngủ, khu bếp được cải tạo, cơi nới từ một góc của nhà vệ sinh chung nên nhỏ tin hin, lại lỉnh kỉnh đồ đạc, những ngày nóng nực càng trở nên bức bách.
Mới chuyển đến đây được hơn 3 năm, ngày đầu bước vào chị Hạnh đã rùng mình bởi thanh xà đỡ trước mái hiên đã mục nát chỉ chực rơi xuống. Chỉ cho chúng tôi xem những vết sụt trên mái nhà, chị Hạnh bảo, cứ sửa chỗ này lại bung chỗ kia.
Ông Hoàng Ngọc Chơng, Tổ trưởng tổ 8, phường Pom Hán cho biết: Riêng khu vực tổ 8 có 5 dãy nhà 2 tầng là khu nhà tập thể cũ của mỏ Apatit (từ 8A đến 12A).
Hầu hết các dãy đã xuống cấp, bất tiện nhất là các hộ ở tầng 2 vẫn sử dụng nhà vệ sinh tập thể, do là tài sản chung nên không ai bảo dưỡng sửa chữa ngày càng hỏng nặng. Hệ thống điện được thiết kế sử dụng chung cho các hộ nên không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Cần sớm di chuyển dân
Xuống cấp nặng nhất là dãy nhà 5A. Nằm ở địa thế đất dốc, móng nhà bị xói mòn qua các trận mưa lớn, nền đất bị sụt lún tạo ra nhiều vết nứt tường nhà. Đến nay, cơ bản các hộ đã sơ tán tạm thời, còn lại 4 hộ do hoàn cảnh khó khăn đã quay trở lại tiếp tục ở tại đây.
Việc bố trí di chuyển sắp xếp dân cư cho các hộ thuộc dãy nhà 5A, tổ 14, phường Pom Hán đã được cơ quan chức năng đánh giá là rất cần thiết và cấp bách để đảm bảo an toàn tránh thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
UBND thành phố đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động các hộ di chuyển người và tài sản, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng đề xuất giải pháp giải quyết từ năm 2017.
Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tổ 31, phường Pom Hán để sắp xếp di chuyển các hộ nhà 5A đã thực hiện xong (trong năm 2021), tuy nhiên quá trình triển khai di dời các hộ lại phát sinh vướng mắc.
Tại thời điểm có chủ trương và phê duyệt quy hoạch, phê duyệt dự án, phê duyệt phương án di dời khẩn cấp các hộ thuộc dãy nhà 5A tổ 14, phường Pom Hán thì khu vực này thuộc đối tượng thiên tai được hưởng cơ chế hỗ trợ tại Quyết định 1776 ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ (miễn tiền sử dụng đất khi thực hiện việc di chuyển đến khu tái định cư).
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường và UBND phường Pom Hán tổ chức giao đất cho các hộ đủ điều kiện và áp dụng theo cơ chế hỗ trợ hiện hành (không miễn tiền sử dụng đất khi thực hiện việc di chuyển đến khu tái định cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg) nên các hộ trên không nhất trí nhận quyết định giao đất.
Những năm gần đây, chính quyền địa phương siết chặt quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng nên không còn tình trạng tùy tiện cơi nới, sửa chữa các dãy nhà. Tuy nhiên, lại nảy sinh bất cập cho các hộ sống trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng, bởi sửa chữa thì vi phạm mà không sửa chữa thì không thể đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt.
Để sớm giải quyết dứt điểm việc bố trí ổn định dân cư cho 22 hộ thuộc dãy nhà 5A, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố: Tiếp tục di chuyển và hỗ trợ miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các hộ theo cơ chế, chính sách về đất đai quy định tại Quyết định 1776 ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Phương án của UBND thành phố Lào Cai đã phê duyệt.
Không chỉ tại dãy nhà 5A, người dân trong các dãy nhà tập thể đang chờ sập khác cũng đều có nguyện vọng được di chuyển để ổn định cuộc sống.
Ông Đào Xuân Dung, cư trú tại dãy nhà 2A cho biết, những năm gần đây, chính quyền địa phương siết chặt quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng nên không còn tình trạng tùy tiện cơi nới, sửa chữa các dãy nhà. Tuy nhiên, lại nảy sinh bất cập cho các hộ sống trong căn nhà xuống cấp nghiêm trọng, bởi sửa chữa thì vi phạm mà không sửa chữa thì không thể đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt.
Ông Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND phường Pom Hán cho biết: Các dãy nhà tập thể của Công ty Apatit được xây dựng từ cách đây hàng chục năm đến nay đều đã xuống cấp, quá niên hạn sử dụng.
Trong đó, đối với dãy tập thể 5A - dãy nhà xuống cấp nghiêm trọng nhất - thực hiện chỉ đạo của thành phố, phường đã thông báo để các hộ không tiếp tục sống trong khu nhà này. Trong thời gian chờ được giao mặt bằng tái định cư, một số hộ không có nơi ở đã được bố trí ở tạm trong nhà khách của Công ty Apatit. Phường cũng đã đề nghị thành phố có phương án tái định cư cho các hộ trong các dãy tập thể còn lại, bởi thực tế thì các khu nhà này hiện không đảm bảo an toàn cho các hộ sinh sống.