Tại tọa đàm "Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội" sáng 31/5, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - khẳng định, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là chủ trương lớn của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng xác định ưu tiên dành nguồn vốn cho vay cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng chính sách cũng như tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện và đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào NƠXH, dành cho người thu nhập thấp.
Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai cho vay mua NƠXH theo Nghị định 100 và Nghị định 49, có chính sách về vốn cả người mua nhà và chủ đầu tư. Nhưng trên thực tế, ngân sách mới bố trí được nguồn lực để triển khai cho người mua nhà. Đến quý 1/2023, chương trình này đạt gần 11.000 tỷ đồng, trong đó hơn 4.000 tỷ đồng được bổ sung theo chương trình phục hồi kinh tế của Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11.
Với các ngân hàng chỉ định, Nghị định 100 quy định rõ nguồn cho vay phát triển NƠXH thông qua các ngân hàng thương mại chỉ định và ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho vay. Tuy nhiên, đến nay các ngân hàng thương mại chưa bố trí được vốn để cho vay chủ đầu tư.
Chương trình thứ hai là tín dụng cho vay đối với hộ nghèo để hỗ trợ. Toàn bộ chương trình này là do Bộ Xây dựng chủ trì.
Gần đây nhất, khi thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai cho vay gói 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư, người mua nhà, đầu tư cải tạo nhà mới với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% lãi suất ngân hàng thương mại và được triển khai từ 1/4.
Bà Giang khẳng định, ngành ngân hàng, cụ thể là 4 ngân hàng nhà nước đã sẵn sàng nguồn lực triển khai chương trình. Tuy nhiên, đến nay chưa phát sinh kết quả.
Ông Hà Quang Hưng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cũng thừa nhận, khi theo dõi triển khai Luật Nhà ở năm 2014 và các nghị định, thông tư hướng dẫn, có một số nhóm chính sách khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi đầu tư NƠXH.
Theo ông Hưng, khó khăn đầu tiên là việc dành và bố trí quỹ đất để phát triển NƠXH. Theo Luật Đầu tư quy định, chủ đầu tư các dự án nhà thương mại, khu đô thị phải dành 20% diện tích đất trong dự án để phát triển NƠXH nhưng đây là quy định khá cứng nhắc.
"Trong các dự án có suất đầu tư cao, vị trí đất vàng, hoặc đặc thù như resort, nghỉ dưỡng trên triền núi cao…. việc bố trí quỹ đất để phát triển NƠXH là không phù hợp. Với các dự án chung cư có suất đầu tư siêu cao, 60 - 80 triệu/m2, bản thân việc bố trí suất đầu tư cho người thu nhập thấp cũng gây khó khăn cho họ. Hiện chúng ta mới đáp ứng khoảng 35% diện tích quỹ đất yêu cầu về NƠXH", ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, vướng mắc nữa là các các thủ tục đầu tư, hiện pháp luật quy định trình tự làm NƠXH không khác gì nhà ở thương mại, thậm chí có bước còn nhiều thủ tục hơn và vẫn thiếu các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư.
"Luật có quy định miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp khoảng 50%, được ưu đãi tiếp cận vốn… Nhưng chúng tôi thấy, các chính sách chưa thực chất, bởi mấu chốt quy định là dù có ưu đãi nhưng chủ đầu tư khi áp dụng ưu đãi lại không được tính vào giá bán, như vậy bản chất là chủ đầu tư không được hưởng, dẫn đến không thu hút được chủ đầu tư", ông Hưng nói.
Theo số liệu Bộ Xây dựng cập nhật đến 19/5, cả nước đã hoàn thành 307 dự án NƠXH với quy mô 157.000 căn, tổng diện tích 8 triệu m2 và đang tiếp tục triển khai 418 dự án NƠXH, kể cả loại dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, 100/418 dự án đã được cấp phép và triển khai đầu tư xây dựng.