Gia đình chị Nguyễn Thúy Liên quê ở huyện Văn Bàn chuyển đến thị xã Sa Pa lập nghiệp hơn 3 năm nay. Gia đình với 3 thành viên hiện sống trong một phòng trọ khoảng 50 m2. Mỗi tháng, chị Liên phải chi hơn 3 triệu đồng thuê nhà và chi phí điện, nước. Có một ngôi nhà để ổn định cuộc sống tại Sa Pa là mong muốn lớn nhất của chị.
Chị Liên tâm sự: "Giá cả ở Sa Pa rất đắt đỏ. Tiền nhà cứ 6 tháng lại tăng 1 lần. Đất ở Sa Pa thì đắt vô cùng nên việc mua đất, xây nhà với công chức như tôi là bất khả thi".
Cũng như chị Liên, nhiều người lao động tại thị xã Sa Pa có chung mong muốn sở hữu một căn nhà. Nắm nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, cuối năm 2021, dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại khu dự phòng Tây Bắc, tổ 3, phường Phan Xi Păng được khởi công. Với diện tích hơn 2,5 ha, dự án gồm 5 tòa nhà với 917 căn hộ, đi kèm là các tiện tích như trường mầm non, sân chơi thể thao, nhà văn hóa, công viên cây xanh... Hiện tiến độ thi công của dự án đã đạt hơn 70%, đơn vị thi công và nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án hoàn thành trong quý I/2024.
Tại nhiều địa phương, đặc biệt là trung tâm các khu đô thị, khu vực đông dân cư, giá nhà đất đều ở mức cao. Đây cũng là những khu vực tập trung nhiều người lao động đến tìm kiếm việc làm. Có một ngôi nhà để “an cư, lạc nghiệp” là mơ ước của nhiều người lao động, đặc biệt là lao động thu nhập thấp. Hiện nay, nhu cầu về nhà ở, nhất là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp là rất lớn. Lào Cai đang nỗ lực quan tâm, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội.
Tỉnh cũng đã quy hoạch các vị trí, quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn gồm 20 vị trí với diện tích 84,05 ha; đang triển khai các thủ tục chấp thuận chủ trương 2 dự án với tổng diện tích 6,9 ha với 2.937 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 8.810 người.
Thế nhưng, việc xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Theo quy định tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP, Chính phủ bãi bỏ việc chủ đầu tư “được dành 20% tổng diện tích đất ở của dự án nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư”. Như vậy, giá thành xây dựng các căn hộ nhà ở xã hội sẽ tăng, khó thu hút được người dân mua hoặc thuê mua…
Ngoài ra, theo quy định, trường hợp bán nhà ở xã hội thì lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư; trường hợp cho thuê nhà ở xã hội thì lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 15% tổng chi phí đầu tư. Do lợi nhuận bị khống chế nên việc thu hút nhà đầu tư vào dự án nhà ở xã hội đang gặp khó.
Theo ông Nguyễn Thế Tài, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Lào Cai đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư nhà ở xã hội đảm bảo yêu cầu được giao tại đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp” (Quyết định số 338 ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ ).
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì triển khai chương trình, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp.
Hy vọng với các giải pháp trên sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và người lao động có cơ hội mua nhà.