LCĐT - Huyện Bắc Hà là vùng đất sản sinh ra nhiều kỵ sĩ xuất sắc, cũng vì vậy, giải đua ngựa truyền thống mở rộng trên “cao nguyên trắng” đã nức tiếng khắp nơi. Tuy nhiên, không phải người Bắc Hà nào cũng là một tay đua ngựa tài ba. Để có được một con ngựa đua là cả nghệ thuật tuyển chọn gắt gao.
Nghệ thuật tuyển ngựa đua
Anh Vàng Văn Huỳnh, ở thôn Na Áng B, xã Na Hối là tay đua ngựa nổi tiếng khắp đất Bắc Hà với 3 năm liên tiếp là nhà vô địch của giải đua ngựa trên “Cao nguyên trắng”, nên chắc chắn là người sành nhất về quy trình tuyển ngựa.
Anh Huỳnh cho hay: Con ngựa đua của tôi “khó tính” nhất ở Bắc Hà, có lần cho nó ăn, suýt bị cắn đứt tay. Nói rồi, anh Huỳnh dẫn chúng tôi ra sau nhà để “mục sở thị” chú ngựa khó tính này. Ngựa nặng đến 250 kg, khối cơ bắp cuồn cuộn, bộ lông óng ả với dải bờm dựng đứng, chạy dài trên gáy, khiến con ngựa của Huỳnh trở nên oai phong, người yêu ngựa ở khắp nơi ao ước được một lần sở hữu nó. Nhưng ít ai ngờ, nó lại là con ngựa bất kham, một ngày không được thoả thuê tung vó là phá nát mọi thứ.

Ngựa đua phải dũng mãnh, phi nước đại tốt, bền sức và không sợ hãi trước đám đông.
Cách đây mấy năm, nghe tin người Mông ở xã Tả Ngải Chồ (Mường Khương) có con ngựa tuyệt đẹp, có thể vượt đèo, lội suối với hàng tạ ngô trên lưng, nên tôi đã tìm đến xem và ngỏ lời mua. Tuy nhiên, khi gặp thì tôi mới biết là con ngựa bất kham, tính cách bướng bỉnh, dữ dằn, ai đến gần là nó sẵn sàng tung vó. Nhưng bù lại, nó có sức lực “vô biên”, có thể đánh bại bất kỳ con ngựa nào. Mặc dù sợ và được mọi người can ngăn, nhưng anh Huỳnh vẫn quyết đưa con ngựa về huấn luyện và nó đã không phụ lòng anh khi 3 năm liên tiếp về nhất tại giải đua ngựa truyền thống mở rộng huyện Bắc Hà. Anh Huỳnh bật mí: Nếu muốn có tuấn mã tốt, thì nhìn tướng phải cao lớn, hùng hổ và mạnh mẽ. Đặc biệt, ngựa đua phải dũng mãnh, phi nước đại tốt, bền sức và vững vàng trước đám đông. Nếu ngựa có khoáy phản chủ thì loại ngay. Điều đặc biệt, ngựa càng đẹp càng khó nuôi và hay có khoáy phản chủ.
Ông Vàng Văn Hoảng, cha của anh Huỳnh là người tuyển ngựa có tiếng ở Na Hối. Ông Hoảng cho biết: Để tuyển được con ngựa tốt, người ta thường xem tướng ngựa bằng cách nhìn khoang, khoáy xem có phải là khoáy phản chủ hay không. Nếu ngựa tốt đến cỡ nào mà có khoáy phản chủ thì chỉ có thể đem mổ thịt, nấu thắng cố. Ở Bắc Hà, dù là người Mông, người Tày hay người Nùng, ai cũng mong có được một con tuấn mã để giành giải cao trong cuộc đua ngựa truyền thống. Vì vậy, việc tuyển chọn ngựa đua cũng rất gắt gao và tốn kém. Có khi phải đi cả năm mới tìm được một vài con ngựa ưng ý.
Tài sản vô giá
Hầu hết người nuôi ngựa ở Bắc Hà đều là nông dân và những con ngựa dù đẹp đến mấy cũng chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Cụ Vàng A Cáy ở xã Tà Chải cho biết: Ở Bắc Hà, con ngựa mới là đầu cơ nghiệp, chứ không phải con trâu. Ngựa có thể kéo cày, thồ hàng, kéo xe, chở người và phi nước đại trên đường đua để mang vinh quang về cho chủ.
Bên cạnh đó, việc tham gia giải đua ngựa truyền thống mở rộng hằng năm giúp các kỵ sĩ có thêm khoản thu nhập khá nếu đứng ở các vị trí cao. Ngoài ra, khi giành chiến thắng, con ngựa sẽ không bị xả thịt như chọi trâu, nên người nuôi ngựa có thể yên tâm, tiếp tục nuôi và huấn luyện chúng hoặc có thể bán cho dân chơi ngựa muốn sở hữu.

Dân chơi ngựa ở Bắc Hà cho rằng, nếu sở hữu những con ngựa đặc biệt như ngựa của Vàng Văn Huỳnh, hay con ngựa bạch của ông Hoàng Đức Chú, thôn Na Hối Nùng, coi như phát tài và vô giá. Con ngựa bạch của ông Chú trở thành tâm điểm trong các cuộc đua, bởi nó có tướng đẹp và tốc độ. Nhiều người đến đặt tiền nài nỉ để có được con bạch mã này nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ phía ông Chú. “Có người đến hỏi mua với giá 120 triệu đồng cho con bạch mã này, nhưng tôi không bán. Con ngựa này là tất cả những gì mà gia đình tôi có, nó có thể giúp tôi kiếm tiền nhờ thồ hàng, kéo xe và băng băng trên đường đua. Như thế đối với tôi là quá đủ”, ông Chú chia sẻ.
Tuyển ngựa không chỉ là công việc hằng ngày của người Bắc Hà, mà trở thành truyền thống. Việc tuyển ngựa ở đây cũng giống như dân chơi xe, chơi chim cảnh ở dưới thành phố. Vì vậy, người Bắc Hà “sành” ngựa hơn ai hết.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu