Dựa trên sự kiện 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị, Mưa đỏ phục dựng một trong những trận đánh khốc liệt nhất của lịch sử chiến tranh Việt Nam. Đây là bộ phim được đầu tư lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây của Điện ảnh Quân đội, thời gian bấm máy gói gọn trong 81 ngày, bằng với thời gian thực của cuộc chiến.
Chạm đến trái tim
“Không lời lẽ nào chuyển tải được hết sự bi tráng của 81 ngày đêm ấy”, nhà văn Chu Lai, tác giả kịch bản, chia sẻ trong lễ ra mắt báo chí bộ phim điện ảnh Mưa đỏ chiều 23/7.
Những con số nhà văn Chu Lai đưa ra khiến nhiều khán giả gen Z không hình dung nổi: trong 81 ngày đêm, 380.000 tấn bom đã dội xuống Thành cổ, trung bình mỗi chiến sĩ gánh 10 tấn bom. Có người lính một ngày “hi sinh đến 7 lần”, mỗi lần pháo giật tung là một phần cơ thể “chia năm xẻ bảy”.
“Sa mạc chiến nắng gay gắt, quần áo rách tươm. Thủy chiến ngâm mình cả ngày trong nước. Có người cháy đen nửa thân trên vì nắng, nửa còn lại trắng nhợt vì nước. Không lời lẽ, giai điệu nào chuyển tải hết được sự khốc liệt đến tận cùng ấy. Phải là điện ảnh”, Chu Lai nói.

Trong đoạn giới thiệu phim, người xem choáng ngợp trước sự đối lập giữa những người lính Giải phóng lấm lem máu và bùn đất với lính Sài Gòn trang bị vũ khí tối tân. Câu nói của bác sĩ quân y (do Hứa Vĩ Văn thủ vai): “Mỗi ngày mất đi hàng trăm người” như một nhát chém vào tâm thức. Nó chất vấn người xem, buộc họ suy ngẫm về những mất mát, về sự đánh đổi vô giá của một thế hệ.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi bật khóc khi xem một trích đoạn phim. “Tiểu đoàn K3 Tam Đảo có 325 người, về sau chỉ còn 39 người”, ông nói. Ông Đào Văn Khê, một cựu binh khác, lặng người: “Vào Quảng Trị xác định trước sau cũng hi sinh. Đa số chưa biết yêu là gì. Cho nên, ở cái khoảnh khắc chới với trên sông Thạch Hãn, đối diện với cái chết, các chiến sĩ chỉ có thể kêu “mẹ ơi”, “chị ơi”, chứ không phải “em ơi”. Còn với ông Trần Trọng Can, bộ phim gợi lại những ký ức “rất sâu sắc”. Ông đánh giá cao sự công phu của đoàn làm phim.

Đã nhiều năm, điện ảnh Việt về chiến tranh cách mạng được xem là “vùng trầm tích”, khó khai phá. Một phần đề tài quá lớn, phần khác vì nỗi sợ vô hình: làm không tới hóa phô diễn, làm quá tay thành hô khẩu hiệu. Mưa đỏ công phu cả về nội dung lẫn bối cảnh. Phiên bản Thành cổ được phục dựng tại Quảng Trị, hệ thống chiến hào, đường hầm, sân bay dã chiến “như thật”, được cố vấn bởi chính các cựu chiến binh từng trải qua chiến trận.
Đạo diễn NSƯT Đặng Thái Huyền nói: “Tôi mong muốn khán giả không chỉ nhìn thấy cuộc chiến bằng mắt, mà còn cảm nhận được bằng tim”.
Ðối thoại quá khứ

Diễn viên Đỗ Nhật Hoàng (vai Cường) xúc động: “Đây có lẽ là dự án lớn nhất đời tôi”. Phim chiến tranh, trận địa nổi tiếng khốc liệt, những gì ê-kíp trải qua vượt ngoài phạm vi diễn xuất, trở thành những điểm chạm lớn lao hơn, khơi dậy lòng yêu nước, cảm giác kết nối với lịch sử.
Lê Hà Anh (vai Hồng), ngất ngay sau cảnh quay nhận di vật của người yêu vì quá xúc động. Cô chia sẻ, dù chưa bao giờ gặp ông ngoại, một người lính từng chiến đấu tại Quảng Trị, nhưng qua bộ phim này, cô cảm thấy như “kết nối được với ông”.
Với Steven Nguyễn, thủ vai Quang, ban đầu anh khá thất vọng khi không được đóng vai chiến sĩ Giải phóng. Nhưng càng đào sâu vào nhân vật người lính phía bên kia, anh càng hiểu rõ: “Những người như Quang cũng là một phần tổn thương của dân tộc. Tôi nhìn nhận Quang ở một khía cạnh con người hơn, không ta hay địch”.
Đây cũng là điều Đặng Thái Huyền trăn trở: “Phim chiến tranh ngày nay có tính đối thoại. Nó không còn là vùng cấm, không còn đơn tuyến nữa mà có thể chạm vào góc nhìn của cả đối phương, chạm vào những góc khuất chưa đề cập, giải mã những điều chưa được kể, từ đó mở ra đối thoại mới với quá khứ”.
Giữa bối cảnh điện ảnh Việt còn “nợ” dân tộc nhiều bộ phim chiến tranh, vì khó, vì tốn kém, vì kén khán giả, thì Mưa đỏ được cho là phần nào phá vỡ thế bế tắc ấy bằng một công thức mới: ngoài tưởng niệm những mất mát đã qua còn mở ra cơ hội để con người đối thoại với quá khứ. Bộ phim không khép lại vì bản thân trận chiến ấy chưa từng “kết thúc”.
Nó sống trong ký ức của người như ông Hợi, ông Khê, ông Can. Nó chảy trong ánh mắt của Hứa Vĩ Văn khi nói: “Mỗi cảnh quay như một hành trình trở về cội nguồn”. Nó đọng lại trong cảm xúc dồn nén của Lê Hà Anh, trong sự thay đổi nhận thức của Steven Nguyễn, và trong triệu triệu khán giả vì bộ phim mà rơi nước mắt.
Mùa hè 1972, Thành cổ Quảng Trị hơn 180 năm tuổi, bỗng trở thành tâm điểm giao tranh giữa quân Giải phóng và quân đội Sài Gòn do Mỹ hậu thuẫn. Suốt 81 ngày đêm, nơi đây trở thành chiến trường đẫm máu. Quân ta kiên cường trụ vững, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở đường cho Hiệp định Paris 1973. Mưa đỏ, dự kiến khởi chiếu 22/8/2025, như tâm nhang tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống bên dòng Thạch Hãn.