LCĐT - Chợ vắng vẻ quá, cánh bán rau nhìn nhau đầy sốt ruột. Đã gần 8 giờ rồi. Ngần tính gửi bà 5 sọt rau cải và mấy củ măng mà về trước, nhưng nhìn sang, thấy hàng nào cũng còn nhiều, Ngần ngại.
Thấy Ngần nhấp nhổm, bà Năm hỏi:
- Nhà có việc gì à? Để đấy mà về đi!
- Dạ, nay họ hẹn đến xem ngan cô ạ!
- Đã được bán rồi đấy à? Thấy bảo độ này rẻ lắm. Nán lại nửa tháng nữa xem sao.
- Nhưng không còn tiền mua cám nữa bà. Bọn trẻ đi học rồi. Bao nhiêu là khoản...
Ngần nói đến đấy thì bà Năm giục:
- Ừ, về đi, sốt ruột!
Ngần khuất dạng trong khúc cua, mấy bà lại tiếp tục câu chuyện dang dở từ hôm qua. Loanh quanh vẫn chủ đề rau cỏ, cá mú. Bà Năm ngoắt cái chuyển chủ đề:
- Con Ngần vất phết đấy, ba vịt giời. Đứa út nay mới vào lớp một. Con chị thì lớp bốn cùng cháu ngoại tôi. Thấy bảo học dốt dốt là. Thằng bố đi xây độ này dịch bệnh cũng về rồi, ai mướn khoán gì nữa. Đàn ông mà ở nhà, nguyên tiền chè thuốc cũng chết.
Chị ngồi kế bà Năm góp lời:
- Chè thuốc đâu chả biết, chồng con Ngần may còn không nghiện rượu. Con bé lớn nhà nó thì ngoan, biết việc lắm, lớp chín rồi. Giống mẹ, mỏng mày hay hạt, nhanh miệng.
Bà Năm chặc lưỡi:
- Giống mẹ rồi cũng khổ thôi mà. Học dốt, hết cấp ba thì cũng đi công ty, thằng nào nhòm ngó thì gả béng. Nuôi con gái khổ trăm bề, nó ngại học còn đỡ, chứ nó hiếu học như cháu nhà này, đại học còn chưa thỏa mãn, phải cao học cơ. Bằng róc xương lột da cha mẹ chứ báu gì. Mày nhìn con Nhung nhà tao đấy, gầy đét đẹt, đi ngược tưởng đi xuôi. Lúc nào cũng sấp sấp ngửa ngửa, miếng cơm còn trong mồm thì tay đã thoăn thoắt.
Mọi người ngồi im. Bà đang nói đến thằng cháu nội đang học cao học tài chính tiền bạc gì đấy. Con em thì học trường chuyên bên tỉnh. Làng này thế, toàn nông dân một nắng hai sương, lam lũ, nhặt nhạnh từng đồng, chả dám mua đồng quà bỏ mồm bao giờ. Chỉ khi con cái phương trưởng thì mới yên thân. Còn đang nuôi người ăn học, nhà cấm có lọi ra đồng nào. Có bao nhiêu đắp vào chữ nghĩa hết, còn phải vay lãi cả ngân hàng ấy. Học xong đại học chưa chắc đã ông vương bà tướng gì, hay cũng lại đi làm thuê công ty ván ép, bao bì. Nhưng con bảo học, mẹ nào bảo không…
Ngần về đến nhà, con bé An lon ton chạy ra:
- Mẹ bán hết rồi à? Mẹ mua bút chì cho con không?
Ngần gạt mồ hôi trên trán, cáu:
- Bút sách gì. Mày viết như nhai bút. Vừa hôm nào mua, giờ đã kêu hết. Vứt cái cục tẩy đi. Cứ viết một chữ lại tẩy một chữ! Chưa gì đã phá!
Bé An thấy mẹ cáu thì ỉu xìu đi vào nhà. Nhác thấy bóng người ngoài khu chuồng trại, Ngần dựng gọn xe, cởi bỏ áo chống nắng, đi ra.
Bọn trẻ con nghe tiếng ngan kêu ngoài chuồng thì khấp khởi mừng, từ nay đỡ nghe tiếng om xòm, đỡ nghe tiếng mẹ than thở tiền cám bã. Cũng chỉ đỡ một khoảng thời gian ngắn ngủi thôi, chứ mai, cầm chắc mẹ lại đem tiền đi mua ngan con về. Lứa này nuôi đến tết là vừa.
Minh họa của Trung Hiếu (Bảo tàng tỉnh Yên Bái). |
Chiếc xe tải đỗ ngay cổng, những lồng ngan bằng nhựa màu vàng được xếp lên xe. Xe chạy rồi, thêm một tiếng bơm xịt nước, dọn dẹp chuồng trại. Sau đó thì chuẩn bị cơm nước. Nghĩ đến sọt rau gửi ngoài chợ, Ngần dí cái nồi cơm vo dở vào tay con gái lớn rồi dặn ở nhà nấu cơm, mẹ ra chợ. Ít nước thôi, bố mày ăn khô.
Bọn trẻ con lén nhìn bố rồi mủm mỉm cười với nhau. Cả nhà vì bố mà phải ăn cơm gạo khô tơi tả. Cứ bố đi làm vắng thì bốn mẹ con lại được ăn cơm gạo dẻo. Nhà nào ở đây cũng cấy hai loại lúa, một loại gạo dẻo và một loại gạo khô cơm.
Từ xa, Ngần đã nhìn thấy có người đang nhấc cây măng lên xem nên phóng dấn tới. Ngần dừng xe, đon đả:
- Chị lấy nốt đi! Em bán rẻ cho. Nay nhà có việc em gửi đây, đoảng về!
Bà Năm dài giọng:
- Đoảng về! Mày về gần ba tiếng. Đây tao bán cho cả nắm tiền, đem về mà khoe chồng!
Chị khách mua măng, trả tiền xong thì ngập ngừng:
- Chị là mẹ cháu Đỗ An lớp 1B phải không ạ?
Ngần dường như hốt hoảng, mặt đỏ bừng, lắp bắp:
- Vầng, vầng. Cô giáo mang khẩu trang em không nhận ra ạ. Em là mẹ cháu An. Cháu lại nghịch gì hả cô? Hay cháu viết xấu quá ạ?
Mấy bà hàng rau nhất tề hóng về phía cô giáo. Bà Năm đưa mắt nhìn mọi người, ngầm ý, tôi đã nói rồi mà.
Cũng may sao, cô giáo nhẹ nhàng lên tiếng:
- Không chị, cháu An rất ngoan, dù mới học được hơn tuần thôi nhưng em ngạc nhiên đấy. Cháu rất chăm viết bài và còn biết làm tính cộng trừ trong phạm vi hai mươi rồi. Chị về xem vở cháu nhé!
Ngân thở phào:
- Ôi, thế mà em tưởng cháu lại dốt nát như hai con chị. Chị em nó khắc bảo nhau, chứ em có biết gì đâu mà dạy dỗ. Mà cháu chăm học, viết suốt ngày, rồi lôi hết khoai, trứng của em ra đếm!
- Không chị! Hai cháu lớn nhà chị em cũng biết. Các cháu đều nhận thức được, chỉ là gia đình chưa quan tâm sát sao, nhắc nhở thôi...
Ngần mát lòng hởi dạ. Trên đường về, nhớ lời con bé dặn mua bút chì, Ngần ghé vào quán mua luôn một hộp bút chì rất đẹp và mường tượng ra nét mặt hớn hở mừng vui của con bé.
Nhà Ngần ở cuối làng, giáp với con mương thủy nông của xã, nhìn ra cánh đồng trồng ngô đang đồng loạt phất cờ. Năm nào, cứ độ tháng Bảy, tháng Tám là mọi chi tiêu trong nhà phải thắt lại để dành tiền cho con cái vào năm học mới. Năm nay nhà Ngần có thêm một thành viên nữa đi học, là bé An nên lại lo lắng nhiều hơn.
Hình như bọn trẻ con đều biết nên không đứa nào đả động việc mua sắm gì cả, chỉ bé An hồn nhiên chưa biết gì nên mới ra mặt đòi hỏi, dẫu chỉ là cái bút chì thôi.
Về đến nhà, cơm nước, giặt giũ rồi bao việc, Ngần quên béng cái hộp bút chì để trong làn nhựa. Bữa trưa xong, thấy con bé An đem cái đũa con ra buộc nối vào mẩu bút chì cụt lủn, Ngần giật mình:
- An đem cái làn nhựa treo ở xe ra đây cho mẹ!
Con bé vội vàng chạy đi, xách cái làn đến. Chị lấy ra hộp bút chì rồi hỏi:
- Mẹ đố con nhé, trong này có mấy bút chì?
Bé an mủm mỉm vài phút rồi bẽn lẽn:
- Con đoán là 12 bút chì mẹ ạ. Mẹ mua cho con ạ. Ôi thích quá!
Đang lúc cao hứng, Ngần bảo:
- Thế con gái đem vở ra đây mẹ xem chữ đẹp nào! Nay mẹ vừa gặp cô giáo con, cô khen con!
Bé An tung tăng lấy vở khoe mẹ. Ngần lật giở từng trang, mặt tái đi. Ôi trời đất, những nét chữ đầu đời của con gái chị đây ư? Sao nó thò thụt, xiêu vẹo và tẩy xóa lem nhem thế này. Đang định quát hai đứa chị là chúng mày dạy em thế này à thì Ngần nhìn dưới cuối trang vở, có dòng chữ của cô giáo. “Đề nghị gia đình quan tâm, cộng tác với nhà trường để cháu luyện viết tốt hơn”.
Thật sự là, chỉ đôn đáo kiếm tiền, Ngần đã không ngó gì đến vở của con bé cả tuần nay rồi. Con bé viết thế này mà tại sao cô giáo lại khen nó nhỉ, hay bọn trẻ con đều viết thế cả? Ngần thừ mặt ra, rồi tự hỏi. Giả như hôm nay cô giáo bảo “cháu An nhà chị cẩu thả, bẩn thỉu và chữ như gà bới” thì chị tìm đâu ra cái lỗ nẻ mà chui xuống giữa chợ?
Tự nhiên Ngần thấy ấm lòng và bớt lo lắng. Chị bảo con gái, từ hôm nay, buổi tối, hai mẹ con mình sẽ cùng học nhé. Cho mẹ mượn một cái bút chì, hai mẹ con mình cùng viết, thi xem ai viết đẹp hơn, ai sạch sẽ hơn.
Con bé An cười tít mắt, cầm vở đem lại bàn. Vừa đi nó vừa nói, mẹ người lớn, chắc là mẹ viết đẹp hơn con rồi, nhưng mà cô giáo sẽ không chấm điểm cho mẹ đâu…