Tận dụng lượng nhiệt dư thừa tỏa ra khi sử dụng điều hòa, Nguyễn Văn Thành - học sinh lớp 11B4, Trường THPT thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã chế tạo lò sấy đồ đa năng để phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Hành trình đến chung kết cuộc thi sáng tạo
Có hứng thú với sáng tạo khoa học từ lúc còn nhỏ nên khi cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu - Youth for Climate Innovation Contest” được khởi xướng, Thành đã không bỏ lỡ cơ hội tham gia. Dù chỉ học lớp 11 nhưng mô hình “Lò sấy đa năng tận dụng năng lượng dư thừa từ hộp nóng điều hòa” của Thành đã vượt qua hàng nghìn thí sinh trên toàn quốc. Sản phẩm của em lọt tốp 10 sản phẩm xuất sắc nhất và đoạt giải Khuyến khích.
Thành bên cạnh mô hình lò sấy đa năng. |
Nói về lựa chọn ý tưởng tham dự cuộc thi của mình, Thành chia sẻ: “Nhà em đặt hộp nóng điều hòa ở ban công chứ không lắp ngoài tường như các gia đình khác. Mỗi khi đang sử dụng mà bước lên thấy rất nóng, đứng một lúc sẽ khó chịu. Vì thế khi lên ý tưởng sáng tạo em đã nghĩ ngay đến việc tận dụng lượng khí ấy, vừa giải quyết bất cập của gia đình, vừa góp phần bảo vệ môi trường”.
Để ý tưởng của mình có tính khả thi, Thành tiếp tục theo dõi và nhận thấy với điều kiện khí hậu đặc thù ở nước ta, nhu cầu sấy khô hoa quả, thực phẩm của người dân rất lớn. Phương pháp sấy khô truyền thống là phơi trực tiếp dưới ánh nắng Mặt trời nhưng cần một số điều kiện nhất định như:
Không gian phơi rộng lớn, cần lúc trời nắng to, thời gian phơi sấy lâu, sản phẩm thu được dễ bị mất màu. Ở nông thôn, có điều kiện về không gian hơn. Tuy nhiên, đại đa số người dân phơi trực tiếp sản phẩm dưới lòng đường vừa ảnh hưởng đến giao thông, vừa khiến sản phẩm thu được không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Với lò sấy truyền thống sử dụng than thải ra nhiều khí thải như CO2, SO2, CO, NOx... có hại cho sức khỏe và môi trường.
Với lò sấy bằng điện thì chi phí đầu tư lớn, khi vận hành: Sản phẩm tiêu thụ một lượng điện năng lớn gây tốn kém về mặt kinh tế. Còn ở thành phố điều kiện về không gian, các hộ gia đình thường treo cục nóng lên tường, tại chung cư chỉ có một ban công nhỏ để phơi quần áo và để hộp nóng điều hòa. Nhiều nhà đã tận dụng khí nóng này để hong khô quần áo. Từ thực tế trên, Thành nghĩ đến tạo ra sản phẩm để mọi nhà có thể tận dụng khí nóng của điều hòa.
Khí nóng chỉ có thể dùng để làm khô đồ nên Thành đã vẽ ngay ra cho mình một bản thiết kế về chiếc lò sấy đa năng tận dụng gió và nhiệt từ hộp nóng của điều hòa, mà vốn dĩ từ trước đến nay không sử dụng đến. Để có thể hoàn thiện ý tưởng, Thành chủ động gặp và nhờ sự giúp đỡ từ cô Hỏ Phượng Hoài - giáo viên dạy Vật lý của mình năm lớp 10. Hai cô trò đã cùng nhau bàn bạc, nghiên cứu để cho ra mô hình lò sấy theo hướng tối ưu nhất.
Vì không có nhiều kinh phí thực hiện nên Thành đã tận dụng lại những phế liệu từ khung biển quảng cáo để làm. Mô hình đơn giản chú trọng tính hiệu quả, không ứng dụng nhiều công nghệ. Khi vận hành chỉ cần đưa vào khu vực được bố trí cạnh hộp nóng của điều hòa, để tận dụng khí nóng thoát ra làm khô sản phẩm. Những chiếc lò sấy đầu tiên ra đời được Thành đem thử nghiệm tại gia đình và một số hộ xung quanh. Tất cả đều nhận được phản hồi tốt. Đó là động lực để cậu học trò tiếp tục hoàn thiện sản phẩm.
Chàng trai đam mê kĩ thuật nhưng cũng thích Văn học. |
Đam mê kĩ thuật và thích Văn học
Ám ảnh khi xem hình ảnh Trái đất trong khủng hoảng biến đổi khí hậu nên Thành đam mê theo đuổi và tìm kiếm giải pháp để đem lại lợi ích cho cộng đồng, giảm thiểu tác nhân gây hại cho môi trường. Vì thế từ những năm học THCS, mỗi khi có cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật, Thành đều nhiệt tình tham gia và đoạt giải. Năm 2021, Thành còn giành giải Nhì trong Liên hoan sáng tạo cụm Tây Bắc Bộ và được Thành đoàn thành phố Điện Biên Phủ tặng Giấy khen.
Cô giáo Hồ Phượng Hoài nhận xét: “Tôi chỉ dạy Thành trong 1 năm học nhưng có nhiều ấn tượng. Lớp của Thành thuộc ban xã hội nên tôi rất ngạc nhiên khi có học sinh hứng thú với Vật lý và say mê tìm hiểu khoa học kĩ thuật. Đây là học trò đầu tiên tôi thấy đam mê đến thế”.
Điều bất ngờ nhất là chàng trai đam mê các cuộc thi khoa học kĩ thuật như Thành ở trường lại là học sinh của đội tuyển Văn. Đinh Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 11B4 chia sẻ về cậu bạn thân của mình: “Em học chung với Thành từ cấp 2. Bạn rất thích tìm tòi sáng tạo những thứ liên quan đến công nghệ nên năm nào cũng tham gia cuộc thi sáng tạo. Khác với vẻ khô khan của dân kĩ thuật, Thành mê đọc sách và là học sinh giỏi văn. Bạn cũng là lớp trưởng gương mẫu, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Thành tâm sự: “Trong tương lai, em mong muốn nhân rộng các ý tưởng của mình vào thực tiễn, góp một phần công sức nhỏ bé vào việc giảm thiểu những tác nhân gây hại môi trường và biến đổi khí hậu. Nếu không làm một nhà khoa học nghiên cứu sản phẩm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn thì em sẽ làm nhà báo hay ngành nghề gì đó để có thể lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới cộng đồng, xã hội, đặc biệt là các em học sinh”.
“Mỗi ngày người dân sử dụng điều hòa, hộp nóng tỏa ra một lượng nhiệt rất lãng phí, lại gây ảnh hưởng đến môi trường, liên quan đến sự ấm lên của Trái đất. Sản phẩm của em không cần đến không gian rộng lớn hay trời nắng to, rất phù hợp với hộ gia đình để sấy khô thực phẩm, quần áo... Hoặc tại các nhà máy, bệnh viện hoàn toàn có thể tận dụng để làm dịch vụ phơi thuốc, giặt là mà không cần chi phí đầu tư cao; khi vận hành không tiêu thụ một lượng điện năng lớn gây tốn kém về mặt kinh tế như lò sấy điện”, Thành chia sẻ thêm.