
Các thành viên của nhóm sinh viên thực hiện dự án “GenZ Mental Health”.
Từ 2 người ban đầu, nhóm đã phát triển thành 12 thành viên ở nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, tài chính kế toán, thiết kế, ngôn ngữ Anh và mỹ thuật thương mại.
Sự đa dạng về chuyên môn đã khiến mỗi thành viên tận dụng được tối đa thế mạnh của mình, không chỉ để hoàn thiện sản phẩm, mà còn để cùng nhau lan tỏa thông điệp: "Trong thế giới số hóa đầy áp lực, mỗi bạn trẻ đều cần có một không gian để được lắng nghe, thấu hiểu và chữa lành".
Việc xây dựng một nền tảng mạng xã hội cho sức khỏe tinh thần đặt ra một bài toán khó: Làm sao cân bằng giữa tính "mở" - tự do kết nối và tính "riêng tư" - đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối cho người dùng.
Ngay từ những ngày đầu thiết kế hệ thống, nhóm đã xác định, sức khỏe tinh thần là lĩnh vực cần sự tôn trọng và bảo vệ tối đa, vì vậy mọi tính năng phát triển đều lấy "an toàn - thấu cảm" làm kim chỉ nam.
Trưởng nhóm Nguyễn Lê Hữu Duy chia sẻ: Chúng tôi tin rằng, mạng xã hội không nhất thiết phải đánh đổi sự riêng tư để có kết nối. "GenZ Mental Health" chọn một lối đi khác- nơi kết nối vẫn đong đầy yêu thương, còn tính riêng tư được bảo vệ như một phần không thể thiếu của sự chữa lành.
Dù chưa có sự đồng hành chính thức của chuyên gia, nhóm đã xây dựng mọi nội dung trên nền tảng theo nguyên tắc xuyên suốt: Luôn hướng đến sự tích cực, an toàn và đồng cảm.
Các tính năng như "Tâm an", "Gửi phiền muộn" hay "Sound Chill" được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ người dùng cải thiện cảm xúc, giảm căng thẳng, chứ không thay thế công việc chẩn đoán hay điều trị chuyên sâu.
Nhóm cũng tin rằng, việc lắng nghe, chia sẻ tích cực đều có thể là một bước nhỏ nhưng ý nghĩa trên hành trình chữa lành của người trẻ. Và điểm khác biệt của "GenZ Mental Health" so với các ứng dụng hỗ trợ tâm lý hiện có chính là cách các thành viên kết hợp mạng xã hội và sức khỏe tinh thần trong cùng một nền tảng, thay vì chỉ tập trung vào một chiều.
Các thành viên của nhóm muốn gửi một thông điệp giản dị: Hãy lắng nghe Gen Z bằng sự thấu hiểu, chứ không chỉ bằng kỳ vọng. Thế hệ trẻ lớn lên giữa những thay đổi nhanh chóng: công nghệ, mạng xã hội, áp lực thành công.
Bên ngoài, nhìn các thành viên trông năng động nhưng bên trong, không ít bạn trẻ đang âm thầm chiến đấu với lo âu, áp lực và cảm giác cô đơn.
Nhóm hy vọng, xã hội sẽ nhìn nhận vấn đề sức khỏe tinh thần với sự cởi mở hơn, kiên nhẫn hơn, để mỗi người trẻ đều có thể an tâm khi chia sẻ nỗi lòng, tìm kiếm sự hỗ trợ và lớn lên trong sự đồng hành, chứ không phải trong nỗi sợ bị phán xét.