
Theo liên danh tư vấn TRICC - TEDI, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có tổng chiều dài quy hoạch 461,5km. Điểm đầu tại cửa khẩu Lào Cai, kết nối với đường sắt Trung Quốc; điểm cuối tại ga Cái Lân (Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh).
Tuyến qua địa phận tỉnh Hưng Yên có chiều dài 16,87 km; qua địa phận tỉnh Hải Dương dài 40,97 km; qua thành phố Hải Phòng dài 83,97km. Trong đó, đường chính tuyến xuống cảng Lạch Huyện dài 48,92 km; tuyến nhánh xuống cảng Nam Đồ Sơn dài 12,7 km; tuyến nhánh xuống cảng Đình Vũ dài 7,45 km; tuyến đường sắt ven biển kết nối tỉnh Quảng Ninh dài 14,9 km.
Tuyến đường sắt ven biển trên địa phận tỉnh Quảng Ninh có chiều dài 35,54 km; trong đó tuyến xây dựng mới có chiều dài 24,87 km, tuyến đường sắt hiện tại có chiều dài 10,67 km.
Về công trình ga, tư vấn đề xuất quy hoạch 38 ga; trong đó, có 5 ga lập tàu gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Riêng ga Lào Cai còn đảm nhận là ga giao tiếp liên vận quốc tế; ga Hạ Long chỉ lập tàu khách và ga Cái Lân chỉ lập tàu hàng.
16 ga trung gian tác nghiệp hành khách và hàng hóa tập trung tại các trung tâm tỉnh, thành phố gồm: Bảo Thắng, Sa Pa, Văn Bàn, An Thịnh, Yên Bái, Hạ Hòa, Thanh Ba, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Phúc Yên, Bắc Hồng, Đông Anh, Đại Đồng, Bình Giang, Nam Hải Dương.
6 ga hàng chỉ thực hiện tác nghiệp hàng hóa, gồm: Lập Thạch, Bình Xuyên, Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.
11 ga kỹ thuật (nhường tránh) gồm: Châu Quế Thượng, Đông An, Y Can, Thạch Lỗi, Trung Màu, Kim Sơn, Tứ Kỳ, Tân Viên, Phong Hải, Quảng Yên, Minh Khai.

Về nhu cầu vốn, tổng mức đầu tư sơ bộ cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hơn 203.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả phân đoạn từ Hải Phòng đến Quảng Ninh thuộc tuyến ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2021- 2025 cần 128 tỷ đồng, đã được Chính phủ cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Giai đoạn 2026- 2030 cần hơn 177.000 tỷ đồng và giai đoạn 2031 - 2035 cần gần 26.000 tỷ đồng.
Riêng phân đoạn Hải Phòng - Quảng Ninh có tổng mức đầu tư ước tính hơn 38.000 tỷ đồng, sẽ được triển khai sau năm 2030, đồng bộ với tuyến đường sắt ven biển khu vực phía Bắc.