Vườn chè giống thành bãi thả trâu
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 31/10/2001, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số: 2353 về việc phê duyệt Phương án xây dựng vườn ươm chè giống của Lâm trường Bát Xát, tại thôn Mà Mù Sử 1 (nay là thôn Làng Mới), xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát. Để triển khai xây dựng vườn ươm, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Dự án Phát triển vùng chè nguyên liệu huyện Bát Xát và các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND xã Sàng Ma Sáo giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của 8 hộ dân, với diện tích trên 1,3 ha. Hiện toàn bộ hồ sơ giải phóng mặt bằng và thu hồi đất vẫn đang lưu trữ tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bát Xát.

Sau hơn 10 năm hoạt động, đến năm 2013, khu vườn ươm đã được Lâm trường Bát Xát bàn giao cho Phòng NN và PTNT quản lý. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ đó đến năm 2018, khu vườn ươm gần như ngừng hoạt động, trong thời gian này, Phòng NN và PTNT huyện đã đề nghị UBND xã Sàng Ma Sáo hỗ trợ quản lý, bảo vệ. Cũng từ đây, vườn chè giống không được chăm sóc theo yêu cầu kỹ thuật, nên nhiều cây chè kém phát triển. Khi thấy vườn chè giống bị bỏ hoang, một số hộ dân đã yêu cầu UBND xã trả lại đất để canh tác.
Đến năm 2022, để tổ chức hoạt động bay dù lượn trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu, UBND huyện Bát Xát đã yêu cầu chính quyền xã Sàng Ma Sáo và phòng chức năng di chuyển một số cây chè giống ở ven đồi - khu vực hướng ra cánh đồng thôn Làng Mới đến vị trí khác để làm bãi đáp dù cho vận động viên. Sau đó, khu vực bãi đáp dù lượn ở vườn ươm chè giống bị bỏ hoang khiến dư luận bức xúc. Trong các đợt tiếp xúc cử tri của HĐND huyện Bát Xát, đã có nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng huyện Bát Xát vào cuộc giải quyết dứt điểm, không để khu vườn chè giống bị chết, gây lãng phí hoặc trả lại đất để người dân canh tác.

Có mặt tại khu vườn ươm chè giống ở xã Sàng Ma Sáo, chúng tôi thấy hầu hết diện tích chè giống đã bị bỏ hoang, cỏ dại mọc xâm lấn, nhiều cây chè cằn cỗi có nguy cơ chết khô do bị gia súc phá hoại. Đặc biệt, khu vực chè giống được di chuyển để làm bãi đáp dù lượn, có hộ dân đã rào lấn chiếm để trồng quế. Cùng với đó các hạng mục liên quan trong thiết kế của vườn ươm chè giống cũng không còn dấu tích.
Nên giữ hay nên bỏ?
Làm việc với phóng viên, ông Sùng A Chứ, Phó Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo cho biết: Từ năm 2018, trước tình hình vườn chè giống bị bỏ hoang lãng phí và bị xâm lấn, đồng thời nguy cơ xảy ra tranh chấp đất đai gây mất an ninh trật tự xã hội, UBND xã Sàng Ma Sáo đã mời các hộ dân liên quan và các phòng, ban chuyên môn của huyện họp bàn giải quyết; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không xâm lấn đất, phá hoại vườn chè giống. Tuy nhiên, các hộ dân không đồng thuận và tiếp tục đề nghị trả lại đất.
“Đến tháng 8/2022, vườn chè giống tiếp tục bị xâm lấn nghiêm trọng, trong đó hộ ông Tráng A Khứ đã đến phát quang, lấn chiếm một số diện tích đất để trồng quế và cây hoa màu. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã có văn bản yêu cầu hộ ông Tráng A Khứ phá bỏ hàng rào dựng trái phép, trả lại diện tích đất vườn chè đã lấn chiếm nhưng không thành công. Vì vậy, ngày 25/4/2024, UBND xã Sàng Ma Sáo tiếp tục mời các phòng, ban chuyên môn của huyện và các hộ dân liên quan đến họp giải quyết. Tại cuộc họp này, đại diện UBND xã và Phòng NN&PTNT huyện đã cung cấp cho các hộ dân hồ sơ pháp lý liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, chứng nhận quyền sử dụng đất… và khẳng định diện tích đất trong khu vực vườn ươm đã được nhà nước thu hồi đúng quy định của pháp luật. Việc các hộ dân kiến nghị trả lại đất đã thu hồi là không có căn cứ giải quyết; đồng thời nêu rõ hộ dân nào xâm chiếm, sử dụng đất vườn ươm chè sai mục đích là vi phạm pháp luật…”, ông Sùng A Chứ cho biết thêm.

Để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến công tác quản lý và phương án giải quyết tranh chấp đất trong khu vực vườn ươm chè giống ở xã Sàng Ma Sáo, phóng viên đã trao đổi với ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bát Xát. Ông Lâm thông tin, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và chính quyền địa phương giải quyết theo trình tự pháp luật. Còn đối với một số hộ dân có ý kiến đề nghị được trả lại đất ở khu vực vườn ươm thì đây là yêu cầu không có căn cứ, bởi trước đây Nhà nước đã đền bù, giải phóng mặt bằng và có quyết định thu hồi đất nên hiện tại họ không còn quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, thực tế toàn bộ vườn chè giống hiện đã cằn cỗi, khó có thể khôi phục trở lại được, nên thời gian tới chúng tôi sẽ đề nghị trả lại đất để chính quyền địa phương quản lý, sử dụng - ông Lý Khánh Lâm cho biết thêm.
Xung quanh việc vườn ươm chè giống ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát bị bỏ hoang suốt nhiều năm, nhiều người dân địa phương đặt câu hỏi vì sao một vườn chè giống quý nhiều năm tuổi lại bị cơ quan chủ quản lãng quên, còn chính quyền địa phương thì không có phương án quản lý đất đai để người dân lấn chiếm canh tác và chăn thả gia súc phá hoại.
Trước những ý kiến của chính quyền địa phương và đại diện Phòng NN&PTNT huyện Bát Xát cho rằng, vườn chè giống tại xã Sàng Ma Sáo đã quá già cỗi, không còn khả năng phục hồi, phóng viên đã làm việc với đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) để có thêm thông tin.

Trao đổi với phóng viên, kỹ sư Ngô Quyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Số chè giống tại vườn ươm ở trung tâm xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát đều là chè Kim Tuyên và Bát Tiên giống gốc nhập khẩu để nhân giống phục vụ phát triển vùng chè trên địa bàn huyện Bát Xát và các địa phương trong tỉnh. Năm 2023, theo đề nghị của UBND huyện Bát Xát về việc đề nghị khôi phục hoạt động của vườn ươm và công nhận đây là vườn chè giống gốc để tiếp tục nhân giống, cán bộ của Chi cục đã vào khảo sát trực tiếp. Tuy nhiên, hiện trạng cho thấy sau nhiều năm bị bỏ hoang không được chăm sóc, toàn bộ cây chè đã cằn cỗi, mật độ thưa, chất lượng không đảm bảo để làm chè giống. Nếu muốn khôi phục lại vườn chè này để làm nguồn giống đầu dòng phục vụ phát triển vùng chè của địa phương thì cần khoanh nuôi, bảo vệ và có giải pháp kỹ thuật để chăm sóc phục hồi.
Có thể thấy, toàn bộ số cây chè trong vườn ươm ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát đều là giống chè Kim Tuyên, Bát Tiên nhiều năm tuổi, chất lượng tốt, trong khi hiện nay nhu cầu cây giống chè này ở các địa phương vùng cao của huyện Bát Xát và Mường Khương, Bắc Hà vẫn đang rất cần. Thiết nghĩ, chính quyền huyện Bát Xát và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần nghiên cứu giải pháp phục hồi và duy trì vườn ươm giống chè này hoặc có phương án giải quyết khác để tránh gây lãng phí tài sản và tài nguyên đất đai.