Khó thu tiền sử dụng nước sinh hoạt ở nông thôn

LCĐT - Ngày 18/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3253 về việc thu tiền sử dụng nước và quản lý, sử dụng tiền nước sinh hoạt từ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn.

Là một trong những địa phương có tỷ lệ thu tiền sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đạt thấp, huyện Mường Khương đang phải tìm lời giải cho “bài toán” khó này. Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết, huyện hiện có 198 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 28 công trình hoạt động bền vững, 81 công trình hoạt động hiệu quả, 57 công trình hoạt động kém hiệu quả và 32 công trình không hoạt động. Năm 2018, huyện được giao thu tiền sử dụng nước sinh hoạt 133 công trình, với hơn 1,8 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ thu được 245 triệu đồng của 34 công trình.

Một công trình cấp nước sinh hoạt xuống cấp do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng.
Một công trình cấp nước sinh hoạt xuống cấp do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng.

Thực hiện Quyết định số 363 ngày 12/2/2019 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch thu tiền sử dụng nước sinh hoạt năm 2019 đối với các huyện, thành phố, UBND huyện Mường Khương đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và thu tiền nước sinh hoạt đối với 126 công trình, tổng số thu được giao là hơn 500 triệu đồng. Đến nay, huyện mới thu được 155 triệu đồng của 40 công trình.

Năm 2018, huyện Văn Bàn có số công trình thu được tiền sử dụng nước sinh hoạt cao thứ 2 toàn tỉnh (đạt 55,4%). Năm 2019, huyện được giao thu tiền sử dụng nước sinh hoạt 50 công trình, với 550 triệu đồng, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2019 mới thu được hơn 100 triệu đồng. “Dự kiến năm 2019, huyện chỉ thu được hơn 200 triệu đồng tiền sử dụng nước sinh hoạt”, ông Triệu Quốc Chưởng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết.

Theo kết quả tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, toàn tỉnh được giao thu tiền sử dụng nước sinh hoạt đối với 708 công trình, số tiền là 9,8 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ thu được 153 công trình, với gần 2,1 tỷ đồng. Điều đáng nói, chỉ có 2 địa phương có số công trình thu được tiền sử dụng nước sinh hoạt hơn 50% là thành phố Lào Cai (69,2%) và huyện Văn Bàn (55,4%). Nhiều huyện có số công trình thu được tiền sử dụng nước sinh hoạt đạt rất thấp, như Si Ma Cai 4/51 công trình (7,8%), Bắc Hà 14/133 công trình (10,5%), Bát Xát 17/130 công trình (13,1%), Sa Pa 11/71 công trình (15,5%).

Trước tình hình đó, năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo rà soát, đánh giá lại tình trạng hoạt động của các công trình cấp nước trong toàn tỉnh và tham mưu để UBND tỉnh chỉ giao kế hoạch thu đối với các công trình hoạt động bền vững và ổn định. Tại Quyết định số 363 ngày 12/2/2019, UBND tỉnh đã giao kế hoạch thu tiền sử dụng nước đối với 551 công trình, tổng số tiền thu là 3,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù việc thu tiền sử dụng nước đã có chuyển biến nhưng kết quả vẫn đạt thấp: Có 168 công trình thu được tiền sử dụng nước, với gần 800 triệu đồng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đầu tiên phải nói đến thói quen sử dụng nước không phải trả tiền đã ăn sâu vào suy nghĩ của đa số người dân. Mặt khác, do thu nhập của đồng bào ở nông thôn, vùng cao còn thấp và không đồng đều, dẫn đến một số hộ không có khả năng đóng tiền sử dụng nước, gây ra mất công bằng, ảnh hưởng đến nguồn thu của cả hệ thống. Mức giá thu tiền nước theo khu vực (giá quy định tại Quyết định 3253 của UBND tỉnh là từ 2.000 đến 3.000 đồng/m3 nước) không đủ chi phí quản lý, vận hành cho tổ quản lý công trình và sửa chữa nhỏ, nếu thu cao hơn thì người dân không có khả năng đóng tiền sử dụng nước. Nhiều công trình được xây dựng từ lâu, không lắp đồng hồ đo nước, mặc dù tỉnh có quy định giá khoán song việc thu tiền rất khó khăn. Ngoài ra, nhiều hộ sử dụng song song 2 nguồn cấp nước (nước lần tự kéo và nguồn nước tập trung) nên rất khó thu tiền. Các lý do trên dẫn đến nhiều công trình cấp nước tập trung không có kinh phí duy tu, vận hành, nhanh bị xuống cấp. Một nguyên nhân nữa phải kể đến là cấp ủy đảng, chính quyền nhiều xã chưa quan tâm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thu tiền sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Một công trình cấp nước sinh hoạt xuống cấp do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng.
Một công trình cấp nước sinh hoạt xuống cấp do không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng.

Vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp đánh giá thực trạng quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn và kết quả thu tiền sử dụng nước sinh hoạt nông thôn. Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức sử dụng, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và tinh thần tự giác nộp tiền sử dụng nước để đóng góp kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình, đồng thời đưa chỉ tiêu thu tiền sử dụng nước sinh hoạt làm tiêu chí xét thi đua của các xã.

Còn theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, các địa phương cần tổ chức ký cam kết sử dụng và đóng tiền sử dụng nước, phải đảm bảo ít nhất 75% người dân cam kết thì mới đầu tư công trình, ngân sách nhà nước chỉ sửa chữa các công trình hết thời gian khấu hao hoặc hư hỏng do thiên tai, không sửa chữa các công trình có thời gian sử dụng ngắn hoặc hư hỏng do quản lý yếu kém. Cấp ủy đảng, chính quyền các xã phải quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân đóng góp tiền sử dụng nước sinh hoạt, giúp người dân hiểu rõ, đóng tiền sử dụng nước sinh hoạt chính là thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Mặt khác, trong thời gian tới sẽ giao một số công trình cấp nước cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện quản lý vận hành để công tác này dần đi vào chuyên nghiệp.

Làm tốt việc thu tiền sử dụng nước sinh hoạt ở nông thôn sẽ tăng thêm nguồn lực cho công tác tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, kéo dài tuổi thọ các công trình cấp nước tập trung ở nông thôn, từng bước nâng cao và ổn định đời sống người dân, góp phần tăng nhanh và bền vững chỉ tiêu 17.1 (tiêu chí 17 - môi trường) trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Toàn văn Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Toàn văn Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết sẽ tạo đòn bẩy giúp Khu vực kinh tế tư nhân phát triển, trở thành "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia".

Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản

Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản

Nhằm kịp thời cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường nước nuôi thủy sản và ngăn chặn hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ đạo về việc tăng cường triển khai, thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch bệnh, định hướng trong nuôi thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao

Việt Nam hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao

Bộ Tài chính nhấn mạnh việc Việt Nam đang chuẩn bị kỹ lưỡng để đón làn sóng đầu tư mới với chiến lược và giải pháp cụ thể. Đặc biệt, việc đón sóng này càng có cơ sở để thực hiện hiệu quả hơn với sự khởi sắc và bứt phá mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I/2025.

fb yt zl tw