Giải ngân vốn đầu tư công bắt đầu 'tăng tốc'

So với 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công tháng 4/2025 đã bắt đầu có sự tăng tốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được hóa giải để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ đưa dòng vốn này vào nền kinh tế.

Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của cả nước đến hết tháng 4/2025 là 128.512,9 tỷ đồng.
Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của cả nước đến hết tháng 4/2025 là 128.512,9 tỷ đồng.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của cả nước đến hết tháng 4/2025 là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 14,32% kế hoạch, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ này thấp hơn cùng kỳ năm 2024 khi đạt 15,64% kế hoạch và đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, so với tỷ lệ giải ngân cả nước trong 3 tháng đầu năm (tháng 1 giải ngân đạt 1,26%; tháng 2 đạt 5,43%, tháng 3 đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), tiến độ giải ngân tháng 4 đã bắt đầu có sự tăng tốc.

Cũng theo Bộ Tài chính, 4 tháng năm 2025, có 10/47 Bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân trên 20% như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (86,43%); Đài Tiếng nói Việt Nam (73,82%); Ngân hàng Chính sách xã hội (41,16%); Bộ Công an (27,24%); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20,66%).

Các địa phương giải ngân trên 30% như: Phú Thọ (44,39%); Lào Cai (43,45%); Thanh Hóa (39,147%); Hà Nam (38,44%); Bắc Kạn (32,61%); Hà Tĩnh (31,88%); Tuyên Quang (31,08%), Hà Giang (30,64%), Lâm Đồng (30,08%).

Bên cạnh đó, vẫn còn 9 bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân. 15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 5% như: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại học quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh… và 12 địa phương giải ngân dưới 10% như: Khánh Hòa; Cao Bằng; Bình Dương; Đồng Nai; An Giang; Sóc Trăng; Quảng Trị…

Hiện nay, quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Để phù hợp với cơ cấu bộ máy sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn, các cơ quan trung ương và địa phương phải tạm dừng khởi công mới một số dự án hoặc đang trong quá trình rà soát để điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư dự án, dẫn đến không tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án để tránh lãng phí.

Ngoài ra, việc thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình quản lý dự án tại địa phương do không duy trì cấp huyện và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, sáp nhập cũng là nguyên nhân làm cho công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; công tác thanh, quyết toán phải kéo dài thời gian xử lý. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án của trung ương và địa phương do các đơn vị cấp huyện là tổ chức chủ chốt triển khai.

Đối với các dự án ODA, một số dự án chậm giải ngân do đang điều chỉnh chủ trương đầu tư do vượt tổng mức đầu tư, tăng chi phí đền bù. Việc thực hiện điều chỉnh dự án ODA (tổng mức đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, phạm vi dự án, thiết kế chi tiết các hạng mục xây lắp...); gia hạn, điều chỉnh Hiệp định vay phải tuân theo quy định của các Nghị định liên quan đến vay vốn, sửa đổi Hiệp định vay vốn của Chính phủ. Quy trình sửa đổi Hiệp định vay đối với các dự án cụ thể trải qua nhiều khâu, báo cáo nhiều cơ quan… làm kéo dài thời gian giải ngân.

Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án còn chậm; nguồn cung một số nguyên vật liệu hạn chế (đất, cát đắp...); giá nhiều nguyên vật liệu tăng đột biến so với thời điểm mời thầu làm tăng chi phí dự án; một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh toán để giải ngân... cũng là những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân còn chậm.

Gỡ khó với từng dự án, nhiệm vụ

Để triển khai đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đề xuất các bộ, ngành, địa phương báo cáo cụ thể những vấn đề vướng mắc, khó khăn gắn với từng dự án, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện. Đối với vướng mắc về thể chế, cần nêu rõ vướng mắc tại điểm, khoản, điều của luật, nghị định, thông tư…

Trong tổ chức thực hiện, cần nêu rõ vướng mắc trong các khâu cụ thể như: đề xuất chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thanh quyết toán… Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, thẩm quyền xử lý vướng mắc.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo chủ đầu tư ngay sau khi ký hợp đồng, phối hợp với nhà thầu để triển khai các thủ tục tạm ứng theo quy định để các nhà thầu có vốn chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết, vật tư, vật liệu phục vụ công tác thi công thực hiện dự án. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình nghiệm thu và hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo đến hết thời hạn thanh toán theo quy định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch giải ngân và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân theo từng tháng, quý. Từ đó làm cơ sở để rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược…

Tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính thống kê danh sách các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh không hoàn thành chỉ tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, quyết liệt triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 ngay từ những tháng đầu năm, đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu giải ngân Thủ tướng Chính phủ giao.

tapchitaichinh.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khí thế thi công trên các công trình trọng điểm

Khí thế thi công trên các công trình trọng điểm

Những ngày này, hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), trên các công trường, dự án trọng điểm của tỉnh, khí thế lao động, thi đua đang lan tỏa mạnh. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân tập trung triển khai với quyết tâm cao độ, vì mục tiêu vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Tiểu thương chợ du lịch Sa Pa đảm bảo hàng hóa phục vụ du khách

Tiểu thương chợ du lịch Sa Pa đảm bảo hàng hóa phục vụ du khách

Theo dự kiến của cơ quan chuyên môn, trong dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 năm nay, Khu du lịch quốc gia Sa Pa sẽ đón khoảng 180 nghìn lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và hàng tiêu dùng, tiểu thương buôn bán tại chợ du lịch Sa Pa đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng.

Bản giàu ở vùng đất “trâu lăn”

Bản giàu ở vùng đất “trâu lăn”

Đứng ở sân trụ sở, Bí thư Đảng ủy xã Tân An (huyện Văn Bàn) Vũ Xuân Thủy đưa tay chỉ về phía đỉnh núi mờ xa: “Sau những tầng mây kia là thôn Khe Bàn, ở khu vực núi cao nhất xã, với gần 100% dân số là người Dao sinh sống…”. Trong câu chuyện về vùng đất mới, anh Thủy còn giới thiệu thêm, đây là thôn người Dao làm kinh tế rừng giỏi, có nhiều hộ khá và giàu, với những ngôi nhà xây kiểu nhà vườn xinh đẹp...

[Ảnh] Bộ đội làm việc xuyên lễ, giúp người dân dựng nhà ở Sàng Ma Sáo

[Ảnh] Bộ đội làm việc xuyên lễ, giúp người dân dựng nhà ở Sàng Ma Sáo

Với tinh thần “Vượt nắng thắng mưa trên công trường”, ngay trong những ngày nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, những người lính thợ thuộc Tổng Công ty 789 (Bộ Quốc phòng) và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 vẫn miệt mài bám trụ, ngày đêm khẩn trương xây dựng khu tái định cư để giúp đồng bào ổn định cuộc sống.

fb yt zl tw