Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 11,6 tỷ USD, tăng 11,7%; xuất khẩu lâm sản 5,56 tỷ USD, tăng 11,2%; xuất khẩu thuỷ sản 3,09 tỷ USD, tăng 13,7%; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 178 triệu USD, tăng 16,8%...
Trong 4 tháng đầu năm, có 6 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 2 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,2 tỷ USD, tăng 5,8%; xuất khẩu cà phê 3,78 tỷ USD, tăng 51,1%; xuất khẩu cao su 862 triệu USD, tăng 18,9%; xuất khẩu tôm đạt 1,24 tỷ USD, tăng 28,4%. Riêng xuất khẩu gạo đạt 1,75 tỷ USD, giảm 14,3% và xuất khẩu rau quả đạt 1,62 tỷ USD, giảm 14,2%.
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản tăng trên 2 con số. Cụ thể, giá cà phê đạt 5.698 USD/tấn, tăng 67,5%; giá cao su 1.935 USD/tấn, tăng 30,2%; giá hạt tiêu 6.893 USD/tấn, tăng 62,5%; giá hạt điều đạt 6.808 USD/tấn, tăng 27%. Riêng giá gạo đạt 514 USD/tấn, giảm 20%; giá chè đạt 1.608 USD/tấn, giảm 2,2%...

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,5%, tăng 10,2%; Trung Quốc chiếm 17,1%, giảm 1,1% và Nhật Bản chiếm 7,5%, tăng 23,3%.
Về thị trường, 4 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sang một số châu lục và thị trường tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 4,83 tỷ USD, tăng 12,6%; châu Âu 3,48 tỷ USD, tăng 37,7%; châu Phi 648 triệu USD, tăng 78,4%; riêng châu Á đạt 8,82 tỷ USD, giảm 1,3% và châu Đại Dương đạt 263 triệu USD, giảm 2,6%.
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Gia Long cho biết, để đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm sản từ 65 tỷ USD trở lên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tập trung triển khai 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ tăng trưởng ngành và xuất khẩu nông lâm thủy sản; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp và thủy sản.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường chuyển đổi số, thực hiện đột phá trong ứng dụng chuyển giao khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thứ năm, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với nhiệm vụ này, Bộ sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại, mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống và các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mở cửa các thị trường nhiều tiềm năng (thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi...) với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc. Nâng cao hiệu quả công tác đàm phán, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xử lý các vấn đề trong thương mại còn vướng mắc…
Đối với thị trường trong nước, Bộ sẽ có lộ trình, phương án rõ ràng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đối với những sản phẩm có tính thời vụ cao, như rau, hoa, quả dễ bị tác động của điều kiện tự nhiên, thời tiết, làm giảm phẩm cấp, chất lượng; có giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Thứ sáu, Bộ thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Thứ bảy, Bộ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường.