Khát vọng làm giàu

LCĐT - Năm nay 30 tuổi, Trương Văn Hướng, dân tộc Giáy ở xã Mường Hum, huyện Bát Xát mạnh dạn khởi nghiệp bằng việc thành lập Hợp tác xã Chè Hướng Tâm với khát vọng làm giàu bền vững từ cây chè Bát Tiên và chè Shan tuyết đặc sản.

Thu nhập cao từ cây chè

Nhiều lần đến xã Mường Hum, tôi luôn bị thu hút bởi màu xanh của những đồi chè bát ngát. Cây chè được trồng ở vùng đất này từ lâu, giờ đây tạo thành những đồi chè rộng thênh thang nhìn thẳng xuống cánh đồng Piềng Láo. Quang cảnh đẹp nhất là từ mùa xuân đến mùa hè, khi chè mọc xanh mơn mởn và bà con người Giáy, người Mông, người Dao nô nức lên đồi thu hoạch chè xuân. Lần này lên Mường Hum, tôi được anh Sí Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Mường Hum giới thiệu về cây chè đặc sản của xã và mô hình trồng và sản xuất chè của chàng trai trẻ người Giáy Trương Văn Hướng, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã. “Chú Hướng còn trẻ nhưng tâm huyết, năng nổ, nhiệt tình, luôn có khát vọng làm giàu từ cây chè. Xã đang kỳ vọng vào mô hình khởi nghiệp của Hướng để phát triển sản phẩm chè đặc sản nâng cao thu nhập cho người dân ” - anh Kiên cho biết.

Trương Văn Hướng mong muốn nâng cao chất lượng và giá trị chè Mường Hum phục vụ thị trường.
Trương Văn Hướng mong muốn nâng cao chất lượng và giá trị chè Mường Hum phục vụ thị trường.

Tôi gặp Trương Văn Hướng trên đồi chè xanh mơn mởn đang vào vụ thu hoạch. Màu áo thiên thanh quen thuộc của đoàn viên hòa với màu xanh mơn mởn của đồi chè đang vào vụ mới. Chỉ tay ra vùng chè xanh bát ngát phía trước, Hướng bảo cây chè không khó trồng nhưng để có được loại chè thơm ngon thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước. Xã Mường Hum nằm dưới chân núi Ky Quan San quanh năm mây phủ, lại có suối Mường Hum trong xanh bốn mùa, không khí mát mẻ, trong lành, xung quanh là những mỏm đồi như bát úp, rất thuận lợi cho việc trồng và thu hoạch chè.

Nhanh tay hái chè, Trương Văn Hướng cho biết, đồi chè này gia đình anh trồng từ năm 2002, ban đầu chỉ có 1 ha, đến giờ đã được mở rộng khoảng 3 ha, với 2 giống chè là Shan tuyết và Bát Tiên. Trước đây, khi mới đầu tư trồng chè, gia đình anh được một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhưng chỉ được 2 năm, doanh nghiệp không thu mua nữa khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Nhiều hộ trồng chè khác chán nản, bỏ cây chè không chăm sóc hoặc chặt bỏ, nhìn mà xót xa. Mất bao công sức với đồi chè, không đành lòng bỏ chè mọc hoang, gia đình anh mua máy sao chè, vò chè về tự chế biến chè khô để bán.

Sau khi học xong THPT, Trương Văn Hướng đi làm thuê xa nhà nhưng luôn trăn trở vì bố mẹ vất vả với đồi chè thu nhập cũng không cao. Trở về Mường Hum, chàng thanh niên người Giáy nung nấu quyết tâm phát triển cây chè. Nhận thấy nguồn nguyên liệu chè nhiều, trong khi gia đình anh chỉ có 2 máy sao chè, Hướng mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng mua thêm 2 máy sao chè, 3 máy vò chè để sản xuất chè với số lượng lớn phục vụ nhu cầu thị trường. Cùng với chè của gia đình, Hướng còn thu mua búp chè tươi của các hộ trong vùng để chế biến thành chè khô. Mỗi năm, gia đình anh thu mua khoảng 30 tấn búp tươi chè Shan tuyết và 5 tấn búp chè Bát Tiên. Trừ chi phí, thu nhập của gia đình Trương Văn Hướng từ cây chè luôn ổn định ở mức 150 - 200 triệu đồng/năm.

Hướng tới sản phẩm OCOP

Dẫn tôi đi tham quan đồi chè của gia đình, Trương Văn Hướng chia sẻ bí quyết cho ra loại chè hảo hạng để khách hàng chỉ dùng một lần là nhớ mãi. Theo anh, chè Bát Tiên, Shan Tuyết trồng trên đất Mường Hum hợp khí hậu, thổ nhưỡng, vốn đã rất thơm ngon, nhưng để sản phẩm chinh phục được những khách hàng sành chè nhất, luôn phải quan tâm tới kỹ thuật chế biến chè. Chè ngon nhất khi hái vào ngày trời nắng, trong khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng, sau đó được phơi héo khoảng 2 tiếng trước khi sao. Quá trình sao chè cũng có bí quyết riêng, trong đó giai đoạn sao luộc, lửa thật to thì chè mới xanh, còn sao lần 2 lửa vừa phải và thật đều, khi sao lần 3 đánh mốc thì cần giữ lửa nhỏ thì chè mới thơm và từng cánh chè đều, đẹp, không bị gãy.

Những năm gần đây, đầu ra cho sản phẩm chè ở Mường Hum gặp khó khăn do doanh nghiệp không thu mua nữa, nên gia đình phải tự xoay sở tìm mối bán lẻ. Sau nhiều năm trồng chè, bán chè, sản phẩm chè Shan Tuyết, Bát Tiên của gia đình Trương Văn Hướng đã được nhiều người ưa chuộng và tin dùng. Tuy nhiên, để xuất bán chè số lượng lớn vẫn là bài toán khó. Từ tháng 4/2021, được UBND xã Mường Hum ủng hộ, Trương Văn Hướng thành lập Hợp tác xã Chè Hướng Tâm với 7 thành viên, tổng diện tích chè của hợp tác xã hơn 10 ha.

“Nếu chỉ dừng ở việc sao chè rồi đóng túi đơn giản để bán lẻ thì sản phẩm chè Mường Hum dù thơm ngon đến mấy cũng khó cạnh tranh trên thị trường. Vì thế, cần phải sản xuất theo hướng hàng hóa và xây dựng thương hiệu chè riêng. Tôi mong việc thành lập hợp tác xã sẽ là cơ sở để xây dựng thương hiệu chè Bát Tiên, chè Shan Tuyết Mường Hum, nâng tầm chè Mường Hum trở thành sản phẩm OCOP. Ngoài sản phẩm chè khô như hiện nay, chúng tôi cũng đã nghĩ tới đa dạng hóa các sản phẩm từ chè phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian tới”, Trương Văn Hướng cho biết.

Khi hỏi về các hoạt động cụ thể của Hợp tác xã Hướng Tâm, Trương Văn Hướng cho biết, hợp tác xã mới thành lập, còn non trẻ, đang trong giai đoạn tìm tòi, thử nghiệm nên chưa có nhiều hoạt động nổi bật, bản thân anh cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên đang tích cực đi học tập các mô hình khác để vận dụng và có hướng đi hợp lý. Cũng dể hiểu thôi, bởi “vạn sự khởi đầu nan”. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, với quyết tâm và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, bằng những bước đi chắc chắn, sáng tạo, chàng thanh niên người Giáy Trương Văn Hướng đang gieo niềm tin cho người trồng chè Mường Hum vào những thành công trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản tăng 8 lần trong 10 năm

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản tăng 8 lần trong 10 năm

Trong những năm qua, lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản không ngừng gia tăng. Trong số 15 nước phái cử thực tập sinh đến Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào quốc gia này. Hiện có khoảng 520.000 lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua.

Quan tâm công tác lao động, việc làm trong thời kỳ dân số “vàng”

Nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5): Quan tâm công tác lao động, việc làm trong thời kỳ dân số “vàng”

Lực lượng lao động của Lào Cai hiện nay là hơn 488 nghìn người, đây được coi là thời kỳ dân số “vàng” khi người lao động chiếm 62,1% dân số toàn tỉnh. Hằng năm, tỉnh sẽ có khoảng hơn 8 nghìn lao động mới, đòi hỏi các cấp, các ngành phải thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt công tác lao động - việc làm.

Hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động”

Hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động”

Hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và tổ chức theo hình thức thi trực tuyến trên Tạp chí điện tử Lao động và Công đoàn (địa chỉ truy cập http:// laodongcongdoan.vn), Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành công văn hướng dẫn các công đoàn cấp trên cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia cuộc thi.

Căng sức chữa cháy, cứu quần thể pơ mu lớn nhất huyện Văn Bàn

Căng sức chữa cháy, cứu quần thể pơ mu lớn nhất huyện Văn Bàn

10 giờ 30 phút ngày 30/4, lực lượng kiểm lâm huyện Văn Bàn nhận được thông tin xuất hiện điểm cháy tại Tiểu khu 513 thuộc xã Khánh Yên Trung. Ngay sau đó, các lực lượng của 3 đơn vị: Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn chia thành 3 mũi để tiếp cận điểm cháy.

Em yêu Tổ quốc

Em yêu Tổ quốc

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), các trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường công tác giáo dục truyền thống, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Tiệm nước "0 đồng"

Tiệm nước "0 đồng"

Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều người tham gia giao thông trên tuyến đường Trần Phú (thành phố Lào Cai) đã quen thuộc với một tiệm nước nhỏ miễn phí ở số nhà 1446, tổ 10, phường Nam Cường. “Nước lạnh miễn phí”, “Hãy đến khi bạn cần, mỗi người 1 chai”, “Xin cảm ơn”, đó là những lời giới thiệu, lời mời dễ thương, thân thiện đến từ tiệm nước “0 đồng” của anh Nguyễn Thành Chiến và chị Lý Thu Hằng.

Năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường

Năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước năm 2023 có diễn biến cực đoan, dị thường và không theo quy luật. Điển hình như nhiệt độ trung bình toàn cầu là năm nóng nhất trong 174 năm qua, cao hơn khoảng 1,45°C so với mức nhiệt độ trung bình nhiều năm thời kỳ tiền công nghiệp. Đặc biệt, mùa bão năm 2023 không có cơn bão nào đổ bộ vào nước ta.

fb yt zl tw