Lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc theo các chương trình thực tập kỹ năng; lao động đặc định; đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA); lao động là kỹ thuật viên, phiên dịch viên.
Thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.
Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chỉ tính riêng Chương trình thực tập sinh kỹ năng: Kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đến nay, hơn 30 năm qua, đã có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản. Từ năm 2013, số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản tăng mạnh, từ 10.200 thực tập sinh năm 2013, lên 68.700 vào năm 2022. Hiện có khoảng 520.000 lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua.
Lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Ông Ishii Chikahisa - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định: "Nguồn nhân lực của Việt Nam đang là một trong những yếu tố rất quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản. Trong số 520.000 người này thì thấy rằng nhiều nhất là thực tập sinh, chiếm khoảng 40%. Xu hướng gần đây, những người lao động theo dạng kỹ năng đặc định (tức là kỹ sư) của Việt Nam bắt đầu có xu hướng gia tăng tại Nhật Bản. Đến tháng 12/2023, số lao động kỹ năng đặc định là khoảng hơn 110.000 người, chiếm khoảng hơn 53% tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Như vậy, theo quốc gia và vùng lãnh thổ thì Việt Nam hiện nay đứng số 1 tại Nhật Bản".
Lao động Việt Nam tại Nhật Bản.
Riêng chương trình kỹ năng đặc định (kỹ sư), lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong 12 ngành nghề bao gồm: Điều dưỡng, vệ sinh tòa nhà, vật liệu, chế tạo máy, điện, điện tử; xây dựng; công nghiệp đóng tàu; bảo dưỡng ô tô; hàng không; dịch vụ lưu trú; nông nghiệp; ngư nghiệp; sản xuất thực phẩm, đồ uống và phục vụ ăn uống. Trong đó, dẫn đầu là ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống với hơn 41.800 người, tiếp đến là ngành chế tạo máy công nghiệp, điện, điện tử với hơn 24.800 người, xây dựng hơn 16.500 người. Tháng 3 vừa qua, hai bên đã tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam.
Ông Ishii Chikahisa - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông tin thêm: "Kỳ thi đặc định được tổ chức tại Việt Nam từ mùng 4 -5/3 vừa rồi. Chúng tôi đã tổ chức kỳ thi kỹ năng đặc định trong 2 lĩnh vực: Chăm sóc, điều dưỡng và đã có 300 người tham gia kỳ thi này. Từ tháng 4 trở đi, chúng tôi bổ sung thêm cả lĩnh vực về nông nghiệp và chăm sóc, điều dưỡng. Tiếp theo nữa là bên cạnh lĩnh vực về nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe thì chúng tôi sẽ có thể bổ sung thêm các lĩnh vực như bảo dưỡng ô tô, dịch vụ lưu trú và tiếng Nhật".
Kể từ khi bắt đầu thiết lập mối quan hệ chính thức vào năm 1973, đến nay, quan hệ giao lưu, hợp tác giữa Việt Nam- Nhật Bản đã phát triển sâu rộng và ngày càng hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa 2 nước ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH cho biết: "Các cơ quan chức năng hai nước đã tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng, lao động đặc định Việt Nam sang Nhật Bản. Về phía Việt Nam, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…".
Nhằm thiết lập khung hợp tác trong lĩnh vực lao động và xã hội, thời gian qua, Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam và nhiều Bộ, ngành của Nhật Bản cũng đã ký các Thỏa thuận hợp tác về giáo dục nghề nghiệp, an toàn lao động, đưa thực tập sinh và lao động sang Nhật Bản học tập và làm việc, giáo dục nghề nghiệp, an sinh xã hội. Đến nay, kết quả hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng tốt đẹp và không ngừng phát triển, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân và doanh nghiệp cả hai nước.