Những luống cây giống có chiều cao từ 30 cm đến 40 cm đang sinh trưởng, phát triển xanh tốt trong nhà lưới của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, ít ai biết đây là thành quả của sự cố gắng không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ cán bộ, nhà nghiên cứu khoa học trong hàng chục năm qua.
Vân sam Fansipan được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 1996, đây là loài thực vật đặc hữu chỉ có ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai. Cây được xếp vào nhóm IA, nhóm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Những cá thể vân sam phân bố tự nhiên không nhiều, trên diện tích hẹp và đang có nguy cơ tuyệt chủng do nhiều mối đe dọa vì khả năng tái sinh rất kém.
Khó khăn lớn nhất trong công tác bảo tồn loài cây này là gần như không tái sinh trong tự nhiên. Qua theo dõi, nghiên cứu trong khoảng 20 năm trở lại đây chưa phát hiện được cây con tái sinh trong tự nhiên. Những cây hiện có đều là cây trưởng thành có tuổi đời từ vài trăm năm tuổi, cây nhỏ nhất cũng hơn 50 - 70 tuổi. Làm thế nào để nhân giống, tái sinh loài cây này là câu hỏi đau đáu của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ nghiên cứu của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Kiểm tra những cây vân sam Fansipan giống tán lá xanh mơn mởn, anh Trần Văn Tú, Phó Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế chia sẻ: Để thu được hạt giống phục vụ quá trình gieo ươm, chúng tôi đã mất nhiều năm quan sát từng cây trưởng thành. Rất buồn khi có nhiều cây thoái hóa không ra nón, không có hạt. May mắn là vẫn còn một số cây ra nón, có hạt theo chu kỳ 4 - 5 năm 1 lần. Tuy nhiên, hạt rụng xuống không tự tái sinh ngay trong quần thể tự nhiên được. Chúng gần như không nảy mầm hoặc nếu có nảy mầm thì cũng sẽ chết ngay trong năm đầu.
Sáng sớm, kỹ sư Nguyễn Văn Sang và các đồng nghiệp công tác tại Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế đã có mặt ở khu vườn ươm để kiểm tra cây giống có bị ảnh hưởng bởi trận mưa đêm qua hay không, sau đó nhặt cỏ và bón phân tăng cường sức đề kháng cho cây. Anh Sang bảo: "Chúng tôi đã nhiều năm thử nghiệm gieo ươm vân sam Fansipan, để cây nảy mầm đã khó, nhưng chăm sóc cho cây sống qua 1 năm tuổi còn khó hơn gấp nhiều lần. Khi mới nảy mầm, cây con rất dễ bị nấm hoặc tác động bởi các yếu tố thời tiết mà chết.
Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi thấy nguyên nhân khiến cây con khó tái sinh là bởi thường bị nấm và khả năng thích nghi với thời tiết kém. Có lẽ biến đổi khí hậu đã khiến môi trường sống hiện nay thay đổi so với vài trăm năm trước và riêng loài cây này không thích nghi được. Vì vậy, lúc nào tại vườn ươm cũng có người theo dõi và chăm sóc cây giống, chỉ cần lơ là thì bao công sức có thể đổ xuống sông, xuống biển".
Việc gieo ươm cây giống cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ. Giá thể sử dụng phải thu gom mùn đất trên núi cao nơi cây bố mẹ đang sinh trưởng là tốt nhất, nếu không thì phải thu gom mùn đất có chất lượng tương tự. Đặc biệt, không sử dụng phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc cây. Độ ẩm vườn ươm, tỷ lệ ánh sáng phải điều chỉnh theo chu kỳ và diễn biến sinh trưởng của cây. Do điều kiện khí hậu thuận lợi cho cây vân sam Fansipan là ở độ cao từ 2.600 m trở lên, thế nhưng khu vực vườn ươm chỉ ở độ cao 1.600 m nên phải áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong quá trình nhân giống.
Với quyết tâm và việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, các cán bộ của Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã nhân giống thành công với tỷ lệ nảy mầm đạt 50 - 60%. Hiện tại, một số cây giống đạt tiêu chuẩn về kích thước đang được trồng thử nghiệm trong khuôn viên của vườn và một số điểm của các trạm kiểm lâm để thuận tiện chăm sóc, theo dõi sự sinh trưởng trong môi trường tự nhiên. Hy vọng tương lai không xa, giống cây quý này sẽ được trồng đại trà tại những nơi khí hậu phù hợp, không chỉ góp phần bảo tồn một nguồn gen quý mà còn tạo vẻ đẹp cảnh quan cho khu du lịch thị xã Sa Pa.
Vân sam Fansipan thuộc họ thông, là loài thực vật đặc hữu, không những quý, hiếm và độc đáo ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Đây là loài thực vật được nói tới nhiều không chỉ về mặt khoa học, mà còn về giá trị kinh tế như là loài cây gỗ lớn có thể đóng đồ dùng trong xây dựng và chiết xuất tanin từ vỏ cây… Cây vân sam cao to, tán đẹp có thể dùng làm cây cảnh và trồng rừng cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái. Năm 2014, loài cây này được công nhận là Cây di sản Việt Nam và được ví như “Quốc bảo” bởi chỉ được phát hiện ở đỉnh Fansipan, thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, thị xã Sa Pa.
Việc nhân giống bảo tồn loài vân sam Fansipan cho kết quả bước đầu, tuy nhiên việc trồng cây tại môi trường tự nhiên đang gặp nhiều khó khăn và cần có kinh phí lớn. Thời gian tới, Vườn Quốc gia Hoàng Liên tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đề xuất đề tài bảo tồn loài vân sam Fansipan.