Chính sách mới cơ hội mới
Đại diện nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho biết, số lượt tìm kiếm thông tin chính sách đổi mới về thị thực của Việt Nam từ du khách quốc tế tăng 33% trong 2 tuần ngay sau khi có hiệu lực.
Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần truyền thông Du lịch Việt cho rằng, việc nới lỏng visa giúp doanh nghiệp sẽ có nhiều không gian để chào bán sản phẩm, tăng thêm dịch vụ linh hoạt cho du khách: "Về phía góc độ công ty lữ hành sẽ tác động tích cực đến hoạt động của chúng tôi. Việc nâng thời hạn lưu trú của visa tại Việt Nam là một điều kiện rất cạnh tranh trong bối cảnh du lịch hiện tại. Sẽ khiến du khách khi lựa chọn điểm đến ở Việt Nam thì sẽ có nhiều thời gian để tham gia các chương trình du lịch không chỉ ở Việt Nam cũng như các nước lân cận".
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp xây dựng lại sản phẩm du lịch dài ngày, thu hút những thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao: "Chúng ta nâng thời gian 30 ngày lên 90 ngày tạo cơ hội người muốn vào Việt Nam đầu tư, muốn vào Việt Nam du lịch rồi sang nước khác, hoàn toàn phù hợp xu thế cạnh tranh du lịch. Thậm chí chúng ta còn tính tới đầu tư vào một số thị trường trọng điểm khác, họ có khả năng chi trả cao hơn".
Các doanh nghiệp lữ hành và đối tác vẫn đang "nghe ngóng" chính sách thị thực và quy trình nhập cảnh để bắt đầu chào bán những sản phẩm mới phù hợp. Chính sách mới mở rộng điều kiện và thông thoáng hơn có hiệu lực ngay trước mùa cao điểm của khách quốc tế, hứa hẹn góp phần phát triển kinh tế du lịch những tháng cuối năm.
Khách quốc tế được chào đón tại Đà Nẵng.
Chính sách visa mới, làm sao tạo ra cú hích cho ngành du lịch?
Kỷ niệm không thể quên trong chuyến du lịch cùng mẹ tới Việt Nam của Lynn, người Hàn Quốc đó là chị phải trả 20 triệu đồng cho chuyến đi một ngày một đêm tại Hải Phòng. Bởi chưa có kinh nghiệm nên Lynn chọn một công ty du lịch trên Hồ Gươm để đặt tour, nhưng không nghĩ phải trả giá cao như vậy cho một chuyến đi ngắn: "Tôi tìm thấy công ty du lịch này trong rất nhiều địa chỉ ở gần hồ Hoàn Kiếm. Không nghĩ rằng công ty này có giá riêng cho người nước ngoài. Tôi muốn tìm chỗ ngủ tốt cho mẹ mình và hướng dẫn viên nói với tôi rằng chỉ có duy nhất một chỗ như vậy ở Hải Phòng nên phải chấp nhận giá cao".
Visa du lịch không phải là băn khoăn lớn nhất với nhiều du khách quốc tế. Ông Robert và vợ mình bà Karo, người Áo chỉ sắp xếp một chuyến đi 2 tuần tại Việt Nam sau khi đã dành một tháng vòng quanh châu Âu. Ông nói nếu ở dài hơn mình sẽ không biết phải làm gì: "Nếu ở dài hơn chúng tôi không biết phải làm gì. Chúng tôi chỉ đi dạo. Chúng tôi ở Hà Nội sau đó đi Sa Pa, rồi vào Hội An chỉ trong 14 ngày thôi. Thực ra chúng tôi đã du lịch ở châu Âu trong 4 tuần sau đó qua Việt Nam và chỉ 2 tuần là đủ".
Du khách quốc tế tại Hà Nội.
Mặc dù chính sách visa mới mở rộng cửa đón khách nhưng khâu thực thi như thế nào để giữ chân họ cũng là mối bận tâm của các doanh nghiệp. Sau dịch Covid-19 các công ty lữ hành trong nước đối mặt với thực tế những dịch vụ cung cấp ít lựa chọn hơn, khiến giá sản phẩm cao hơn, ảnh hưởng cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Theo ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, giá cả và dịch vụ là hai yếu tố quan trọng tác động đến sức cạnh tranh giữa các điểm đến: "Về mặt nghiên cứu, mức phí là một trong những yếu tố tác động cạnh tranh giữa các điểm đến, doanh nghiệp có cùng sản phẩm. Giá và dịch vụ là 2 yếu tố luôn tác động. Giá tăng cao thì sức cạnh tranh đi xuống. Từ lâu chúng tôi đặt ra câu hỏi tại sao giá tour Thái Lan lại cạnh tranh đến thế.
Du lịch Việt thiếu nhạc trưởng liên kết các dịch vụ. Cạnh tranh điểm đến thiếu vai trò này thì mạnh ai nấy làm thì không có giá cạnh tranh. Để hấp dẫn khách đến, có chọn lọc phù hợp tránh quá tải ở câu chuyện chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch. Nếu chúng ta làm tốt thì khách sẽ đến".
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng chung nhận định về vấn đề cần nâng cấp ở thị trường du lịch Việt là chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, tạo sản phẩm mới lạ, riêng biệt: "Chính sách visa đóng vai trò quan trọng nhưng phải dựa trên các nền tảng khác trong việc phát triển du lịch đó là chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ. Từ đón tiếp cửa khẩu đến cơ sở dịch vụ cần quan tâm đến thái độ, kỹ năng của người làm du lịch có chất lượng cao hơn. Rõ ràng Thái Lan họ làm tốt hệ thống sản phẩm dịch vụ du lịch. Để giữ chi tiêu của khách, cần tập trung vào sản phẩm mới lạ vì đây là nhu cầu của khách, đáp ứng thị trường khách khác nhau, hướng đến từng đối tượng khách cụ thể".