Thông tin trên được ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế nêu trong tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sáng ngày 8/1.
Theo đó, trong đợt dịch thứ 4, tính đến ngày 29/12/2021, TP.HCM có 501.990 người nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Đến nay, TP vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Đáng chú ý, ông Thượng cho biết, ngành Y tế TP đã ghi nhận nhiều vấn đề sức khỏe của người dân sau khi mắc Covid-19. "Tại các bệnh viện, người dân TP đến khám chuyên khoa sau mắc Covid-19 không ít. Các tình trạng bệnh lý được ghi nhận rất đa dạng, như cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu Covid”.
Trên thực tế, tình trạng người dân gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần hậu Covid-19 đã được các chuyên gia trong nước cảnh báo. Trên thế giới, ghi nhận về triệu chứng hậu Covid-19 cũng vô cùng phức tạp. Với trẻ em, các bệnh viện TP.HCM đã ghi nhận nhiều trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C có thể gây trụy tim mạch và tác động lên nhiều cơ quan. Nhiều người lớn bị lo âu, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, khó thở sau khi khỏi Covid-19.
Trước tình hình trên,TP sẽ tổ chức tổng đài tư vấn sức khỏe tâm thần do các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần thành phố phụ trách. Đồng thời, khôi phục hoạt động điều trị các bệnh thông thường, chủ động phát hiện các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19; tăng cường phối hợp đông tây y, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân…
“Những vấn đề sức khỏe hậu Covid cũng được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Ngành y tế thành phố xem đây là vấn đề sức khỏe cần được đặc biệt quan tâm và là một hoạt động trọng tâm trong năm 2022", Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023. Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc.
TP.HCM hiện đã chuyển đổi sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, ngày 6/1, số tử vong vì Covid-19 là 20 ca, đạt mức thấp nhất trong 175 ngày qua,
"Với quyết tâm tăng độ bao phủ vắc xin đến người dân, nhất là nhóm người có nguy cơ, cùng với những tín hiệu lạc quan về thuốc kháng virus Molnupiravir, TP có cơ sở và niềm tin để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", lãnh đạo Sở Y tế chia sẻ.
Tính đến ngày 7/1, TP đang điều trị 5.061 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, có 89 trẻ em dưới 16 tuổi, 319 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 6/1 có 391 bệnh nhân nhập viện, 417 bệnh nhân xuất viện.
Sở Y tế TP.HCM cũng xác định triển khai 6 chiến lược y tế trong thời gian tới. Bao gồm: Chiến lược bao phủ vắc xin phòng Covid-19 đến từng người dân;Chiến lược kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; Chiến lược về công tác chăm sóc và quản lý F0 tại nhà; Chiến lược về công tác thu dung điều trị F0 tại các bệnh viện; Chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Chiến lược nâng cao năng lực phòng, chống dịch.