LCĐT - Nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm gạo lứt Séng cù tốt cho sức khỏe, tiếp cận thị trường cao cấp là hướng đi của Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi, huyện Bát Xát.
Gạo Séng cù Mường Vi từ lâu được biết đến là sản phẩm truyền thống của huyện Bát Xát, được thị trường ưa chuộng. Cuối năm 2018, Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi đã nghiên cứu, sản xuất thành công và đưa ra thị trường sản phẩm gạo lứt Séng cù. Gạo lứt Séng cù chứa nhiều dưỡng chất quan trọng, tốt cho sức khỏe, đồng thời với lượng chất xơ dồi dào, gạo lứt giúp chống lại bệnh xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường… Nắm được xu thế tiêu dùng đối với loại gạo này, Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm gạo lứt Séng cù có nhiều ưu điểm vượt trội so với các sản phẩm cùng loại.
Sản phẩm được trưng bày tại các hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh. |
Để có nguồn nguyên liệu tốt, hợp tác xã chú trọng từ khâu canh tác lúa. Hợp tác xã đã liên kết với người dân xã Mường Vi xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo Séng cù. Đơn vị ký liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với hơn 70 hộ, diện tích lúa hơn 65 ha. Các hộ được hợp tác xã ứng trước tiền giống, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, người dân phải tuân thủ chặt chẽ việc trồng và chăm sóc, sản phẩm làm ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thóc nguyên liệu sau khi thu mua về được đưa vào dây chuyền sấy thóc tươi, sau đó cho vào kho bảo quản. Dựa vào nhu cầu của thị trường, thóc được mang ra xay xát tùy số lượng. So với sản phẩm gạo tẻ Séng cù thì việc sản xuất gạo lứt giảm khoảng 1/2 công đoạn, tuy nhiên đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều. Sản xuất gạo lứt khó nhất ở công đoạn tách màu nhằm giúp phân loại những hạt gạo khác màu, hạt lỗi. Đây được coi là khâu quan trọng quyết định đến mẫu mã, chất lượng gạo. Ở công đoạn này đòi hỏi công nhân lành nghề phải trực tại máy quan sát, điều chỉnh tốc độ máy chạy thật chính xác.
Bà Lê Thị Minh (phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) cho biết: Tôi bị bệnh tiểu đường type 2 nên phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, trong đó sử dụng gạo lứt để thay thế gạo trắng. Trước đây, tôi thường nhờ người nhà mua gạo lứt ở siêu thị dưới Hà Nội. Từ ngày biết đến và sử dụng sản phẩm gạo lứt Séng cù của Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi, tôi thấy sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói đẹp nên rất yên tâm và trở thành khách hàng thường xuyên của hợp tác xã.
Anh Cao Xuân Diễn, Giám đốc Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi cho biết: Sản phẩm gạo lứt Séng cù được hợp tác xã đưa ra thị trường lần đầu tiên vào cuối năm 2018. Do áp dụng công nghệ hiện đại và quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên giá thành sản phẩm cao gần gấp đôi so với gạo lứt thông thường. Thời gian đầu sản phẩm rất khó bán vì giá cao (30.000 đồng/kg), chúng tôi phải tiếp cận thị trường tại các thành phố lớn, đưa vào các cửa hàng, siêu thị, kết hợp tăng cường quảng bá tại các hội chợ nông sản. Đến nay, sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận.
Năm 2019, sản phẩm gạo lứt Séng cù của Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi đã được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hiện sản phẩm đã tiếp cận được thị trường Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… với lượng tiêu thụ khá và giá bán ổn định. Sản phẩm cũng được một số đối tác phân phối tại thị trường các tỉnh phía Nam.
Huyện Bát Xát có gần 200 ha lúa Séng cù, sản lượng bình quân khoảng 1.600 -1.800 tấn/năm. Hợp tác xã Tiên Phong Mường Vi bình quân tiêu thụ hơn 500 tấn thóc/năm, trong đó 1/4 lượng thóc được dùng để sản xuất gạo lứt Séng cù. Việc đưa ra những sản phẩm mới có chất lượng ngày càng cao, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng là hướng đi đúng giúp nông sản của tỉnh ngày càng vươn xa ra thị trường cả nước.