Cây quế đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá, giúp nâng cao đời sống, giảm nghèo và làm giàu cho người dân. Tuy vậy, ngành quế đang đứng trước một số khó khăn, thách thức và cần giải pháp tháo gỡ, phát triển bền vững.
Huyện Bảo Yên hiện có gần 30.000 ha quế, chiếm 50% diện tích quế của tỉnh. Hằng năm, sản lượng vỏ quế khai thác đạt khoảng 4.530 tấn; cành và lá quế hơn 105.000 tấn; gỗ quế tận thu sau khai thác vỏ đạt 25.000 m3. Tổng doanh thu từ quế hơn 1.200 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn huyện có 8 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quế, trong đó có 6 đơn vị sản xuất, chế biến tinh dầu và 2 đơn vị chế biến vỏ quế.
Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Việt Bắc là đơn vị sản xuất, kinh doanh vỏ quế lớn tại huyện Bảo Yên. Mỗi năm đơn vị thu mua khoảng 2.500 - 4.000 tấn vỏ quế tươi của người dân trong và ngoài huyện. Vỏ quế được công ty sản xuất thành các sản phẩm quế ống sáo, quế ống điếu, quế C, quế vuông… để xuất khẩu sang các thị trường Ấn Độ, Trung Đông. Ngoài ra, đơn vị liên kết với người dân xã Xuân Hòa phát triển vùng quế hữu cơ hơn 500 ha. Sản phẩm quế hữu cơ được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc với giá bán tăng 20 - 30% so với quế thông thường.
Toàn tỉnh hiện có hơn 58.000 ha quế, trong đó diện tích quế trong tuổi khai thác chiếm 40%. Hằng năm, người dân trong tỉnh đưa ra thị trường hơn 9.000 tấn vỏ quế, gần 120.000 tấn cành, lá, gần 500 tấn tinh dầu và nhiều sản phẩm liên quan đến quế. Quế đã trở thành cây lâm nghiệp chủ lực của tỉnh, đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế và cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Tuy nhiên, diện tích quế được cấp chứng nhận hữu cơ mới đạt hơn 4.200 ha (chiếm 7,2% tổng diện tích), trong khi giá bán vỏ quế hữu cơ cao hơn 20 - 30% so với vỏ quế thường. Sản phẩm vỏ quế chủ yếu là sơ chế để xuất thô sang các thị trường Ấn Độ, Trung Quốc với giá trị kinh tế khá, vẫn còn nhiều dư địa để tăng hơn nữa giá trị sản phẩm khi xuất khẩu sang thị trường cao cấp.
Để hỗ trợ người dân phát triển bền vững ngành hàng quế, các địa phương, ngành liên quan cần thực hiện đầy đủ chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp; hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, bền vững và phát triển vùng quế hữu cơ có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” xác định hình thành vùng trồng quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của tỉnh.
Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng, bởi doanh nghiệp nắm rõ thông tin thị trường, tạo mối liên kết tiêu thụ, hỗ trợ người dân và hợp tác xã trồng quế về quy trình sản xuất quế theo tiêu chuẩn hữu cơ. Theo đó, tỉnh cần có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp lớn đến đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm quế tại địa phương, từ đó từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm quế phục vụ xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, phát triển bền vững ngành hàng quế.
Nội dung: Kim Thoa
Trình bày: Khánh Ly