Đây là thời kỳ cây lúa xuân rất mẫn cảm với sinh vật gây hại như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn.
Để bảo vệ an toàn cho sản xuất, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ điều tra định kỳ, kết hợp điều tra bổ sung, khẩn trương khoanh vùng các diện tích nhiễm, các diện tích có nguy cơ nhiễm sinh vật hại nhằm phát hiện sâu, bệnh sớm; thống kê diện tích nhiễm và hướng dẫn nông dân phun thuốc phòng, trừ kịp thời, hiệu quả, không để sinh vật hại phát triển và lây lan ra diện rộng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng, trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên cây lúa; tăng cường kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích, phân bố gieo cấy các giống lúa mẫn cảm với bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, rầy, sâu đục thân; hướng dẫn, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng, trừ sâu, bệnh hại kịp thời, hiệu quả.
Theo đó, đối với bệnh đạo ôn, khi ruộng chớm nhiễm bệnh cần dừng ngay việc bón thúc phân, giữ đủ nước ruộng và sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị để phun trừ bệnh; đối với những diện tích bị nhiễm bệnh nặng cần vơ bỏ lá bệnh tiêu hủy, đồng thời sử dụng thuốc đặc trị bệnh đạo ôn phun kép 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày. Có thể lựa chọn một số loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn hại lúa, như Fu-Army 40EC, Fuji- one 40EC, BanKan 600WP, Katana 20SC, Filia 525SE ...
Riêng đối với một số diện tích lúa trà sớm cấy các giống nhiễm như Séng cù, BC15... đang giai đoạn đòng - trỗ, cần thường xuyên theo dõi đồng ruộng; khi lúa bắt đầu trỗ cần chủ động phun thuốc phòng ngừa bệnh hại trên cổ bông 2 lần: Lần 1 phun khi lúa bắt đầu trỗ thấp khoảng 5%; phun nhắc lại lần 2 sau khi lúa đã trỗ đều (sau lần 1 từ 7 - 10 ngày).
Đối với bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, cần chủ động phòng bệnh trước hoặc ngay sau các trận dông, mưa to, gió lớn trên các giống nhiễm Hương Thơm số 1, TBR 225, Bắc Thơm 7, Séng cù... bằng một trong các thuốc như Xanthomix 20 WP, Sasa 25 WP, Totan 200WP, Ychatot 900SP, Sieu sieu 250WP,… để phun phòng trừ.
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng kiểm tra, khoanh vùng diện tích nhiễm, phun thuốc phòng trừ khi mật độ rầy từ 3 con/dảnh trở lên và khi rầy còn tuổi nhỏ bằng các loại thuốc đặc trị rầy, như: Butyl 10WP, Actara 25 WG, Sutin 5EC; Vithoxam 350SC; Cheestar 50WG, Bassa 50EC, ViBassa 50 EC, Nibas 50EC... không phun thuốc tràn lan hoặc phun thuốc khi mật độ rầy thấp.
Đối với sâu đục thân, thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện thấy trưởng thành (bướm) sâu đục thân trên đồng ruộng với mật độ trung bình từ 0,5 con/m2 thì sau 5 - 7 ngày, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ (có thể sử dụng một số loại thuốc trừ sâu lưu dẫn và nội hấp như Silsau 10WP, Padan 95SP, Virtako 40WG, Angun 5WG, 5ME...).
Theo khuyến cáo, nông dân tuyệt đối không phun kèm phân bón lá hoặc thuốc kích thích sinh trưởng đối với thuốc trừ bệnh; khi sử dụng thuốc phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”. Nếu sau khi phun chưa được 4 giờ gặp mưa cần phun lại để đảm bảo hiệu quả phòng trừ.