LCĐT - Dưới chân núi Phìn Chư, thôn Cốc Cáng, xã Dìn Chin (Mường Khương) có một rừng cây lát hoa, “tài sản” tự nhiên vô giá còn sót lại sau bao biến động của thời gian. Rừng lát hoa còn là một biểu tượng sống của người dân địa phương, nếu rừng cây lớn lên nhờ chắt chiu những giọt nước của đất, của trời thì người dân Cốc Cáng cũng luôn cần cù vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Ngày ngày, trẻ em thôn Cốc Cáng học tập, vui chơi dưới tán rừng lát hoa. |
Cơn mưa rừng mới dội xuống khiến con đường rải cấp phối vào thôn Cốc Cáng trở nên lầy lội hơn bao giờ hết. Anh cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tên là Hoàng Xuân Long vẫn đưa tôi an toàn đi qua 3 km đường lầy trơn mà không phải “vồ ếch” lần nào. Chỉ còn cách một đoạn đường vòng qua núi, từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy thôn Cốc Cáng yên bình với những ngôi nhà trình tường, lợp ngói fibro xi măng và lợp gianh ẩn hiện dưới tán cây xanh ngát đẹp như tranh vẽ.
Đến đầu thôn Cốc Cáng, con đường rải bê tông nhỏ uốn lượn theo những gốc cây lát hoa tạo nên cung đường tuyệt đẹp. Anh Hoàng Xuân Long cho chúng tôi biết, thôn Cốc Cáng hiện có 57 hộ là người Nùng Dín, Mông, Pa Dí đoàn kết sinh sống ngay bên cạnh rừng. Đối với người dân ở đây, cánh rừng này chính là “linh hồn” của họ, cũng bởi thế mà khi làm đường, làm nhà, xây trường học, họ không bao giờ làm ảnh hưởng đến sự sống của bất kỳ thân lát hoa nào. Cán bộ kiểm lâm Hoàng Xuân Long xoa xoa lớp vỏ xù xì của cây lát hoa cổ thụ to nhất rừng, người ôm không xuể và tâm sự: “Tôi phụ trách địa bàn này đã được 4 năm rồi. Hiện Cốc Cáng, Dìn Chin vẫn còn nhiều cây cổ thụ, nhưng việc bảo vệ rừng ở đây không vất vả lắm, bởi người dân địa phương coi rừng như tài sản của mình. Mỗi thân cây là một cột cái, rừng lát hoa này là mái nhà của cả cộng đồng, giống như mái nhà rông ở vùng Tây Nguyên vậy”.
Tôi tự hỏi vì sao người Cốc Cáng yêu rừng lát hoa này đến vậy? Để trả lời cho câu hỏi ấy, chúng tôi tìm gặp ông Nùng Si Hòa. Năm nay, ông Hòa đã gần 70 tuổi nhưng ánh mắt vẫn tinh tường, thông tuệ lắm. Trong cuộc sống, ông Hòa được dân bản kính trọng, tin yêu, họ ví ông như cây lát hoa cổ thụ của bản Nùng. Theo hiểu biết của người dân địa phương, rừng lát hoa này đã có vài trăm năm tuổi. Rừng cứ tồn tại theo thời gian và chứng kiến bao thăng trầm của vùng đất này, che chở cho thôn Cốc Cáng được bình yên, cho những mái nhà của người dân nơi đây luôn ấm áp, tránh được mưa dội, đá trùm. Trong tâm linh, rừng lát hoa có thần rừng cai quản rất linh thiêng, giúp người Cốc Cáng cầu mùa được mùa, cầu sức khỏe được sức khỏe, cầu bình an được bình an...
Rừng cây cổ thụ là biểu tượng sống của người dân địa phương. |
Ngày nay, ven rừng có Trường Tiểu học Lồ Sử Thàng, nơi hơn 200 con em Cốc Cáng và những thôn, bản lân cận học tập. Thôn hiện chưa có nhà văn hóa nên nhiều khi, các cuộc họp được tổ chức ngay bên cạnh những gốc lát hoa cổ thụ. Việc giữ rừng là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, được đưa vào hương ước của thôn, trong đó ghi rõ nếu ai lấy dù chỉ một bó củi sẽ bị phạt 300 nghìn đồng và gạo, rượu để thôn làm lễ tế thần rừng. Nhờ có những quy định chặt chẽ mà trong nhiều năm qua, không có người dân nào vi phạm. Khi phát hiện người lạ vào thôn là người dân cảnh giác, theo dõi, rồi báo với trưởng thôn, khiến những kẻ nhăm nhe khai thác rừng trái phép phải dè chừng. Nói về việc bảo vệ rừng, giọng Trưởng thôn Hảng Seo Hòa nghiêm nghị, vang vang: “Lâm tặc xẻ thịt cây trong rừng lát khác nào cứa lên cơ thể người dân Cốc Cáng, đau lắm. Bao thế hệ ông cha đã có công giữ gìn cánh rừng này, ngày nay, con cháu cũng phải tiếp nối truyền thống đó, để cánh rừng này mãi là tài sản chung che chở cho các thế hệ người dân Cốc Cáng”.
Những cây lát non theo đó vươn lên từng ngày, là hình ảnh chân thực nhất về sự sinh sôi, trưởng thành, cũng giống như người dân nơi đây ngày càng ý thức hơn trong việc chăm sóc con em mình để thế hệ trẻ luôn mạnh khỏe lớn lên, học tập tốt và trở thành người có ích. Tôi nghe giữa không gian bạt ngàn màu xanh, lẫn trong tiếng gió reo có tiếng hát trong trẻo của trẻ thơ: “Trường của em be bé/Nằm lặng giữa rừng cây…ớ…ơ/Cô giáo em tre trẻ/Dạy em hát rất hay/Hương rừng thơm đồi vắng…”. Cứ men theo con đường nhỏ, đến cuối cánh rừng lát hoa, tôi được chiêm ngưỡng bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Ngôi trường Tiểu học Lồ Sử Thàng với mái ngói đỏ tươi nổi bật dưới tán cây xanh, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới; ánh nắng xuân lấp lánh, len lỏi xuyên qua tán lá trải xuống sân trường vàng óng; từng nhóm học sinh vui đùa hồn nhiên gợi cảm giác thật bình yên và ấm áp. Từ một mái trường làng vách đất, tường gỗ quanh năm gió lùa, nay Trường Tiểu học Lồ Sử Thàng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Cách đây 17 năm, cô giáo Dương Thị Anh, quê ở Hưng Yên, đã tự nguyện lên Lào Cai dạy học và cũng chừng ấy năm, cô gắn bó với vùng cao Cốc Cáng. “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”, cô coi nơi này như quê hương thứ hai của mình và còn học được tiếng của đồng bào Nùng. Cô Dương Thị Anh chia sẻ: “Người dân ở đây luôn coi tôi như người thân ruột thịt, vì thế, có việc gì buồn vui, tôi cũng sẻ chia với bà con. Chính nhờ điều đó mà tôi và đồng nghiệp luôn nỗ lực vượt khó khăn để tận tâm dạy dỗ học sinh nơi vùng cao này”.
Tháng 9/2017, điện lưới quốc gia đã bừng sáng ở Cốc Cáng. Những ngày giá buốt, mờ mịt sương mù, các em học sinh không còn phải học tập tù mù dưới ánh đèn dầu, điện máy nổ chập chờn. Những thầy cô giáo không còn phải soạn bài trong ánh nến. Trong những mái nhà, ánh sáng cũng mang lại nhiều đổi thay, người dân đi mua ti vi, chảo thu sóng về để cập nhật thông tin kinh tế, xã hội. Chiếc loa phát thanh thôn vang vang đọc tin tức hằng ngày cho người dân nghe... Những tấm giấy khen của em Ma Ngọc Mai, Vùi Thị Hà Linh, Ma Đức Thắng... có được từ những cuộc thi tài năng Toán - Tiếng Việt cấp huyện rạng rỡ nổi bật trong góc học tập nhỏ dưới mái nhà trình tường tạo niềm tin cho các em học sinh thôn Cốc Cáng cùng nhau tiến bước, học tập xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Núi Phìn Chư sừng sững minh chứng câu chuyện được viết tiếp ngàn đời, nơi đây, rừng gỗ lát hoa sẽ mãi sinh sôi để cuộc sống đồng bào Cốc Cáng ngày càng ấm no, hạnh phúc.