LCĐT - Do những sai sót trong việc “chuẩn hóa” của cơ quan chuyên môn, nhiều diện tích rừng trồng sản xuất của người dân huyện Bảo Yên “bỗng dưng” bị quy hoạch thành rừng tự nhiên khiến người dân vướng mắc thủ tục khi khai thác.
Gia đình ông Triệu Văn Cầu, sống ở Bản Buôn, xã Cam Cọn đã hàng chục năm nay. Ngoài mấy sào lúa, kinh tế gia đình ông phụ thuộc phần lớn vào trồng rừng. Hơn 10 ha cây lâm nghiệp các loại là kết quả công lao động của gia đình ông nhiều năm qua. Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình, diện tích rừng trồng này còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng tại địa phương. Thế nhưng, việc khai thác rừng của ông bỗng dưng gặp khó.
“Tôi trồng rừng đã 7 - 8 năm, cây cũng đến tuổi khai thác, nhưng khi đi xin phép cơ quan kiểm lâm mới ngớ người vì được biết diện tích rừng này được xác định là rừng tự nhiên không được phép khai thác”, ông Cầu nói.
Sợ liên quan đến luật pháp nên gần 2 ha quế của gia đình đến tuổi khai thác nhưng ông chỉ dám chặt tỉa một số cây bị sâu bệnh, không dám khai thác trắng đồi để tiếp tục đầu tư lứa khác.
![]() |
Ông Triệu Văn Cầu lo lắng bởi diện tích rừng đến tuổi nhưng không dám khai thác. |
Giống như ông Cầu, toàn bộ diện tích rừng trồng của gia đình ông Lự Văn Sơ cùng bản cũng bị chuyển đổi từ diện tích rừng trồng sản xuất sang rừng tự nhiên mà gia đình không hề hay biết. “Nếu gia đình khai thác thì đương nhiên bị cho là phá rừng”, ông Hà Đức Hưng, cán bộ địa chính xã Cam Cọn khẳng định.
Ông Triệu Văn Cầu kể, trước đây, toàn bộ diện tích rừng trồng sản xuất của gia đình được Nhà nước cấp 1 quyển sổ chứng nhận quyền sử dụng và ghi rõ là rừng sản xuất. Năm 2007, Sở Tài nguyên và Môi trường đo đạc lại để chuẩn hóa dữ liệu thì 1 quyển sổ của gia đình được chuyển đổi thành 5 quyển sổ khác. Ông Cầu được cán bộ đo đạc giải thích là do diện tích của gia đình phân tán, không liền thổ nên phải tách sổ cho phù hợp. Tuy nhiên, điều đáng nói là cùng một loại rừng trước kia (tất cả đều là rừng trồng sản xuất) thì nay mỗi quyển sổ ghi một kiểu, có quyển vẫn ghi là rừng trồng sản xuất (RT.S), rừng tự nhiên sản xuất (RTn.S).
Mở 2 quyền sổ chứng nhận 2 triền đồi trồng quế gần như giáp ranh, chúng tôi ngạc nhiên khi 2 quyền sổ lại ghi mục đích sử dụng khác hẳn nhau. Chỉ tay về phía đồi quế ngay sau nhà, ông Cầu bức xúc: Các anh xem, chỉ nhìn là biết rừng trồng sản xuất mà họ lại ghi là rừng tự nhiên.
![]() |
Biển báo Rừng phòng hộ được cắm tại khu vực rừng sản xuất của người dân. |
Ông Hà Đức Hưng, cán bộ địa chính xã Cam Cọn trích lục bản đồ quy hoạch các loại rừng trên địa bàn xã cho chúng tôi xem và cho biết, không chỉ nhiều diện tích rừng trồng của người dân bị ghi thành rừng tự nhiên mà ngay cả một số diện tích đất ở, đất vườn của nhiều hộ ở Bản Bỗng, Bản Buôn và một số bản khác cũng biến thành đất rừng tự nhiên. Ông Hưng phỏng đoán, có lẽ trước đây cán bộ đo đạc không phối hợp với chính quyền và người dân địa phương khi đi thực địa và cũng không có thiết bị hiện đại như bây giờ để tác nghiệp nên dễ nhầm lẫn. “Rất nhiều người dân đến UBND xã hỏi về những vướng mắc liên quan đến nhầm lẫn trong sổ chứng nhận quyền sử dụng đất rừng nhưng chính quyền địa phương cũng chỉ biết đề nghị lên huyện và các cơ quan chuyên môn tạo thuận lợi cho người dân về thủ tục để phát triển kinh tế”, ông Hưng nói.
Ông Hà Quang Kim, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: Qua nắm tình hình ở một số xã, chúng tôi được phản ánh không chỉ ở Cam Cọn mà một số xã khác như Minh Tân, Yên Sơn, Lương Sơn, Tân Tiến… cũng có tình trạng tương tự. Sau khi họp bàn giải pháp với các cơ quan liên quan, chúng tôi đã thống nhất nếu đúng trường hợp đất sản xuất của người dân có xác nhận của trưởng bản và không có tranh chấp thì cơ quan kiểm lâm sẽ tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế rừng, không có chuyện làm khó nông dân.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sở đã nắm được vấn đề này và chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương căn cứ vào hiện trạng thực tế để giải quyết vướng mắc về thủ tục cho người dân khi khai thác rừng trồng.