Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Lỗ hổng “de minimis”

Nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa nhập khẩu, nhiều quốc gia đã đặt ra các ngưỡng “de minimis” (ngưỡng chịu thuế), cho phép hàng hóa nhập khẩu giá rẻ vào thị trường mà không phải chịu thuế và đơn giản hóa thủ tục hải quan. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia, lượng hàng hóa giá rẻ tăng “chóng mặt”, khiến ngưỡng “de minimis” đang trở thành “lỗ hổng” và làm thất thoát một lượng thuế không hề nhỏ.

Đạo luật Thuế quan của Mỹ năm 1930 đã thiết lập ngưỡng “de minimis” (ngưỡng chịu thuế), cho phép hàng hóa nhập khẩu giá rẻ vào nước này mà không phải chịu thuế, giúp tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa từ nước ngoài. Theo thống kê, tổng giá trị hàng hóa vào nước này trong năm 2014 thỏa mãn “de minimus” vẫn dưới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử đã tạo ra sự bùng nổ trong các lô hàng “de minimis”, với hơn 40 tỷ USD hàng nhập khẩu “de minimis” vào nước này mỗi năm kể từ năm 2019.

Sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia khiến lượng hàng hóa giá rẻ tăng “chóng mặt”. Ảnh minh họa

Sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia khiến lượng hàng hóa giá rẻ tăng “chóng mặt”. Ảnh minh họa

Tính đến tháng 5-2024, hơn 700 triệu gói hàng “de minimis” đã vào Mỹ, với tổng giá trị khoảng 33 tỷ USD. Nếu xu hướng tiếp tục trong thời gian còn lại của năm, có thể có tới 1,6 tỷ gói hàng vào Mỹ trong năm 2024 với giá trị 78 tỷ USD.

Từ năm 2016, Mỹ quy định, những lô hàng dưới 800 USD được phép nhập khẩu vào Mỹ mà không phải chịu thuế và các phí liên quan. Truyền thông Mỹ cho biết, “de minimis” được đưa ra nhằm tạo điều kiện cho việc nhập khẩu hàng hóa, nhưng Mỹ đã chứng kiến số lượng bưu kiện nhập thông qua miễn trừ này tăng lên mức kỷ lục là hơn 1 tỷ mỗi năm. Lý do là các công ty thương mại điện tử “lợi dụng” điều khoản này bằng cách xé lẻ các đơn hàng để chuyển đến người tiêu dùng Mỹ. Điều đó có nghĩa là những gói hàng đó có thể hợp pháp bỏ qua thuế nhập khẩu. Theo thống kê, lỗ hổng “de minimis” khiến Chính phủ Mỹ mất 400 triệu USD tiền thuế.

Nhà Trắng cảnh báo, quy mô các sản phẩm lọt qua kẽ hở này làm suy yếu người lao động, nhà bán lẻ và nhà sản xuất của Mỹ, đồng thời khiến các quan chức chính phủ khó đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm và tuân thủ mọi quy tắc về sức khỏe, an toàn, sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Tại Indonesia, thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, vào năm 2017-2018, chính phủ nước này quy định, hàng hóa nhập khẩu dưới 100 USD sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu và thuế liên quan đến nhập khẩu. Vào năm 2018-2019, ngưỡng này đã giảm xuống còn 75 USD. Tại Việt Nam, ngưỡng này đang là 1 triệu đồng.

Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cũng đặt ra ngưỡng “de minimis” đối với các hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, các gói hàng dưới 150 Euro (tương đương 157 USD) nhập khẩu từ nước ngoài sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế nhập khẩu nào. Theo báo cáo đăng trên tờ Financial Times, trong năm 2023, có tới 2,3 tỷ mặt hàng có giá dưới ngưỡng miễn thuế đã được nhập khẩu vào EU.

Ở Vương quốc Anh, ngưỡng miễn thuế là khoảng 170 USD. Hàn Quốc quy định ngưỡng miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là 150 USD (các lô hàng từ Mỹ được miễn thuế lên đến 200 USD). Hàng hóa nhập khẩu vào Nhật Bản có giá trị dưới 70 USD sẽ được miễn thuế.

Tăng thuế, bịt “lỗ hổng” thuế nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới là một xu hướng không thể tránh khỏi. Không thể phủ nhận rằng, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang tạo ra làn sóng mới cho người tiêu dùng khi cung cấp nhiều lựa chọn sản phẩm hơn từ hàng tiêu dùng, thời trang, đến công nghệ với giá cả phải chăng. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đang tạo ra áp lực không hề nhỏ. Đứng trước tình trạng nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có nguy cơ bị “xóa sổ” do không thể cạnh tranh với các mặt hàng giá rẻ nhập khẩu từ nước ngoài qua các sàn thương mại điện tử, một số quốc gia đã bắt đầu xem xét và cân nhắc điều chỉnh hoặc xóa ngưỡng “de minimis”.

Là quốc gia mạnh về thương mại điện tử với giá trị doanh số trong năm ngoái đạt 77 tỷ USD, Indonesia đứng trước lo ngại các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, vốn chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước và sử dụng khoảng 120 triệu lao động, không còn chỗ đứng, Chính phủ Indonesia mới đây cho biết đang có kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với nhiều loại hàng hóa bao gồm hàng dệt may, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử.

Hiện nay, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Indonesia đang được hưởng mức thuế thấp hoặc bằng 0 theo các hiệp định thương mại khu vực. Nhưng khi doanh số bán quần áo, giày dép và đồ điện tử giá rẻ nhập khẩu trực tuyến tăng vọt, chính phủ đã vào cuộc để bảo vệ các doanh nghiệp địa phương. Quốc gia này đã áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất đối với hoạt động bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực. Theo đó, Indonesia đã hạ ngưỡng mà hàng hóa không phải chịu thuế nhập khẩu từ mức 100 USD xuống 75 USD và hiện nay là 3 USD. Theo quy định này, hàng hóa có giá trị từ 3 USD trở lên sẽ phải chịu thuế nhập khẩu tiêu chuẩn là 7,5% và thuế giá trị gia tăng là 10%. Hàng hóa có giá trị dưới 3 USD Mỹ sẽ chỉ phải chịu thuế VAT là 10%.

Các quốc gia cân nhắc điều chỉnh ngưỡng “de minimis” nhằm ngăn chặn thất thoát thuế. Ảnh minh họa: haiquanonline

Các quốc gia cân nhắc điều chỉnh ngưỡng “de minimis” nhằm ngăn chặn thất thoát thuế. Ảnh minh họa: haiquanonline

Giới chức Indonesia cho rằng, áp thuế cao hơn sẽ giúp ích cho các ngành công nghiệp địa phương, đồng thời ngăn chặn hàng kém chất lượng tràn qua biên giới. Phó chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia Wisnu Wahyudin Pettalolo nhấn mạnh, việc áp thuế cao không phải là chống hàng nhập khẩu, mà để “phân loại rõ ràng các mặt hàng nên hoặc không nên nhập khẩu. Bởi vì dù muốn hay không, chúng tôi vẫn đang phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ nước ngoài và một số sản phẩm không thể sản xuất trong nước”.

Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đang siết chặt quản lý thương mại điện tử thông qua việc tăng thuế nhập khẩu và cấm một số mặt hàng Cụ thể, Malaysia áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá dưới 500 ringgit (khoảng 106 USD), trong khi Philippines đã áp dụng thuế khấu trừ 1% đối với các thương nhân trực tuyến. Tại Thái Lan, sự xuất hiện của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã dấy lên những yêu cầu tăng thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, nước này áp thuế giá trị gia tăng 7% đối với tất cả gói hàng nhập khẩu có giá dưới 1.500 baht (42 USD).

Sau khi cân nhắn, Chính phủ Australia đã đi đến quyết định không loại bỏ ngưỡng “de minimis” (khoảng 700 USD). Thay vào đó, nước này đã xóa bỏ miễn trừ thuế hàng hóa và dịch vụ.

Kế hoạch áp thuế hải quan đối với hàng hóa giá rẻ nhập khẩu thông qua các sàn thương mại cũng đang được tiến hành tại các quốc gia châu Âu. Động thái được đưa ra trong bối cảnh các nhà bán lẻ có trụ sở tại châu Âu, Vương quốc Anh và Mỹ ngày càng lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Shein và Temu. Vào tháng 7, EU đã đề xuất không miễn trừ thuế đối với các gói hàng có giá trị dưới 150 Euro.

Ở Vương quốc Anh, các nhà bán lẻ đã kêu gọi chính phủ xem xét “lỗ hổng” thuế quan trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Shein và Temu. Simon Roberts, ông chủ của Sainsbury's và Argos, đã kêu gọi chính phủ xem xét các loại thuế không công bằng bao gồm thuế suất kinh doanh và thuế nhập khẩu.

Chính quyền Mỹ mới đây cũng tuyên bố sẽ trấn áp “lỗ hổng” nhằm ngăn chặn sự gia tăng thương mại theo cái gọi là miễn trừ “de minimis”. Theo đó, các bưu kiện chứa hàng hóa chịu thuế theo nhiều mục khác nhau của luật thương mại sẽ không đủ điều kiện để được áp dụng “de minimis”. Theo đề xuất mới này, khoảng 70% lô hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế mà trước đây họ đã tránh được.

Daleep Singh, Phó cố vấn an ninh quốc gia phụ trách kinh tế quốc tế của Mỹ, đánh giá, sự gia tăng mạnh mẽ các lô hàng “de minimis” khiến việc chặn các lô hàng bất hợp pháp hoặc không an toàn vào Mỹ ngày càng khó khăn. Ông cũng nhấn mạnh mong muốn rằng, những “lỗ hổng” hiện đang tồn tại sẽ được khắc phục nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo Báo Quân đội nhân dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Doanh nhân trẻ Lào Cai: Tiên phong đổi mới, kiến tạo giá trị

Doanh nhân trẻ Lào Cai: Tiên phong đổi mới, kiến tạo giá trị

Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai thành lập năm 2002, hiện có hơn 80 hội viên, đến nay đã qua 4 kỳ đại hội. Những năm qua, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai đã làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, doanh nhân trên địa bàn. Các hội viên tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đồng thời tích cực tham gia hoạt động an sinh, nhất là hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, hộ bị ảnh hưởng thiên tai, tai nạn, rủi ro.

[Ảnh] Đồng Tuyển: Nông thôn mới kiểu mẫu vùng ven đô

[Ảnh] Đồng Tuyển: Nông thôn mới kiểu mẫu vùng ven đô

Nằm ở cửa ngõ phía Tây bắc của thành phố Lào Cai, xã Đồng Tuyển đã cán đích nông thôn mới năm 2015, hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2024. Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm chỉ đạo linh hoạt của các cấp còn là sự quyết tâm, đồng lòng của người dân.

Sau thiên tai, Lào Cai tập trung cứu những cánh rừng

Sau thiên tai, Lào Cai tập trung cứu những cánh rừng

Sau trận mưa lũ vừa qua, rừng ở Lào Cai bị tàn phá do sạt lở, gió lốc, trong đó nhiều diện tích rừng bị thiệt hại nằm ở  khu vực địa hình hiểm trở, núi cao. Vì vậy, việc khắc phục diện tích rừng đã mất gặp nhiều khó khăn do địa hình dốc, lớp đất mặt không còn.

fbytzltw