LCĐT - Sau một thời gian triển khai mô hình tái chế rác thải nhựa tại Xí nghiệp Xử lý rác, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra hướng mới cho việc xử lý rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Rác thải nhựa hoặc túi nilon là loại khó xử lý nhất, nếu mang chôn lấp thì khó phân hủy, mà thu gom tái chế lại rất khó khăn. Tuy nhiên, tại Lào Cai, 1 mô hình tái chế rác thải nhựa, trong đó chủ yếu là túi nilon đang được các kỹ sư của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai thử nghiệm hoạt động hiệu quả.
Vận hành máy tái chế rác thải nhựa, túi nilon của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai. |
Đến tham quan mô hình tái chế rác thải nhựa tại Xí nghiệp Xử lý rác thành phố Lào Cai, chúng tôi thấy được ý nghĩa thiết thực của mô hình khi việc tái chế phần lớn là các loại túi nilon có lẫn trong rác thải được thu gom từ thành phố, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát chuyển về. Mặc dù không phải một dây chuyền đồng bộ với hệ thống xử lý rác thải được quy hoạch từ đầu, mà chỉ là sáng kiến xây dựng thêm của công ty, nhưng mô hình lại tương thích với hệ thống để hoạt động.
Dây chuyền được thiết kế khá gọn trên diện tích khoảng 100 m2 với sự điều khiển của 2 công nhân, nhưng công suất tái chế lượng rác thải nhựa có thể đạt 1,2 tấn/ngày. Ông Hoàng Minh Ngân, Giám đốc Xí nghiệp Xử lý rác thành phố Lào Cai cho biết: Mô hình đang hoạt động tái chế ra sản phẩm là hạt nhựa, công suất mỗi ngày nếu chỉ làm 1 ca đạt 300 - 400 kg hạt nhựa, một tháng chạy được 10 - 15 ngày. Nguyên nhân chưa thể chạy hết công suất là do lượng nguyên liệu đầu vào chưa ổn định. Nguyên liệu chủ yếu là túi nilon và rác nhựa được thu gom lẫn trong rác hữu cơ đưa về xí nghiệp được công nhân phân loại và chuyển xử lý tái chế. Sau một thời gian thử nghiệm, mô hình hoạt động rất hiệu quả, thay vì số lượng rác nilon phải phân loại và mang chôn lấp như trước kia thì nay được xử lý hữu ích hơn. Đặc biệt, sản phẩm hạt nhựa sản xuất ra rất dễ tiêu thụ, xí nghiệp mới thử nghiệm nhưng làm ra đến đâu bán hết đến đó, giá dao động từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị, hiện nay mỗi ngày có 130 tấn rác thải được đưa về xí nghiệp xử lý, trong đó có khoảng 75 tấn rác hữu cơ có lẫn 3 tấn rác thải nhựa có thể tái chế. Hiện xí nghiệp mới tận thu lượng rác được đưa vào nhà máy, còn chưa thể thu rác nhựa trong 55 tấn rác vô cơ đưa đi chôn lấp, do vậy nguồn nguyên liệu hiện nay được đưa về khá ít so với công suất của 1 máy tái chế thử nghiệm.
Sản phẩm hạt nhựa tái chế từ rác thải nhựa. |
Mô hình tái chế rác thải nhựa của công ty do chính Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty tự phối hợp nghiên cứu thiết kế cùng với một số máy móc được mua về. Ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai cho biết: Bước đầu chúng tôi mới làm ra hạt nhựa nhưng trong tương lai công ty sẽ nghiên cứu đầu tư thêm máy móc để có thể sản xuất được các loại vật dụng bằng nhựa như xô, chậu, thùng nhựa, ống thoát nước nhựa và nhiều sản phẩm phục vụ trồng cây cảnh, rau… Để tiếp tục hoàn thiện mô hình tái chế hiệu quả, chúng tôi mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện và có cơ chế giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho mô hình từ các cơ quan chức năng trong tỉnh. Cụ thể trong đó là định hướng giải pháp xử lý nước thải, khói trong quá trình tái chế để bảo vệ môi trường.
Công ty cũng đang xây dựng phương án, đề xuất với tỉnh về vấn đề lọc, thu gom lượng rác thải nhựa lẫn trong rác vô cơ về xí nghiệp phục vụ việc tái chế và đáp ứng được công suất sản xuất nhựa tái chế.
Việc triển khai thành công dây chuyền tái chế rác thải túi nilon, nhựa của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Lào Cai đã bước đầu mở ra hướng xử lý chất thải nhựa nguy hại mà lâu nay các cơ quan quản lý chưa có giải pháp hiệu quả. Hy vọng thời gian tới, mô hình sẽ được quan tâm mở rộng không chỉ ở thành phố Lào Cai mà còn ở nhiều địa phương trong tỉnh để có thể xử lý triệt để lượng rác thải nhựa nguy hại đang thải ra môi trường mỗi ngày.