LCĐT - Năm nay là 59 năm kể từ khi những người Mông đầu tiên từ Bắc Hà, Si Ma Cai di cư về Ải Nam, thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng) lập thôn. Trải qua nhiều thăng trầm, cuộc sống của người dân Ải Nam hôm nay tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đã đủ đầy hơn trước.
Từ thành phố Lào Cai, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 70 chừng 21 km, tìm đường đến thôn Ải Nam để chứng kiến cuộc sống phía sau “cổng trời” và nghe người dân nơi đây kể chuyện từ thuở lập thôn. Chặng đường từ Quốc lộ 70 tới thôn Ải Nam 1, Ải Nam 2 không quá xa, chỉ khoảng 5 km, nhưng phải trải qua 2 km đường cấp phối mới đến đoạn đường bê tông. Đặc biệt, để đến thôn, bắt buộc phải vượt qua dốc cao như đi lên trời, mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là dốc “cổng trời” Ải Nam. Một đồng nghiệp đi cùng thốt lên: Trong đời làm phóng viên, chưa từng đi qua dốc nào khủng khiếp như thế!
![]() |
Một góc thôn Ải Nam 1,2. |
Vượt hết con dốc, cả một thung lũng rộng hiện ra trước mắt với nếp nhà xen lẫn những nương chè, ruộng bậc thang và rừng núi xanh ngát tầm mắt. Mùa này, chè đang vào vụ thu hái; trên những thửa ruộng, người dân tấp nập vào vụ sản xuất, nhiều người có điều kiện còn thuê cả máy xúc để san ruộng bậc thang thành những thửa lớn, thuận lợi cho việc canh tác và thu hoạch lúa…
Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Sùng Chểnh Sèng, một trong những người Mông đầu tiên từ Tả Van Chư (Bắc Hà) theo bố mẹ về đây khai hoang, lập thôn năm 1959. Ông Sèng làm Trưởng thôn Ải Nam gần 25 năm. Đã gần 60 năm sống ở Ải Nam, cũng chừng đó năm ông chứng kiến những khó khăn, vất vả thuở ban đầu và sự đổi thay ở mảnh đất bên kia “cổng trời”. Ông Sèng kể: “Ngày trước, nhà tôi ở thôn Làng Cù - Sín Chải, xã Tả Van Chư, nơi ấy đất đai khô cằn, trồng ngô, cấy lúa gần như không cho thu hoạch. Đất khô cằn đến nỗi, muốn thu hoạch được 1 bao thóc, phải bón cho lúa 2 bao phân. Vì vậy, các hộ muốn đi tìm vùng đất đai màu mỡ hơn để canh tác. Cùng đi trong đoàn có 17 hộ, có cả người từ xã Lử Thẩn, xã Cán Cấu (Si Ma Cai). Cả đoàn người đi ròng rã nhiều ngày trong rừng mới ra tới sông Chảy, thuộc địa phận xã Cốc Ly (Bắc Hà), rồi vượt núi Sín Thèn và tìm được 2 thung lũng hoang vu, đất đai màu mỡ để khai hoang, sinh sống, lập nên thôn Sín Thèn và Ải Nam 1, Ải Nam 2 của thị trấn Phong Hải ngày nay…”.
Những ngày đầu đến đây, rừng còn nhiều, gần như chưa có dấu chân người. Bà con phải phát quang để lấy đất đai canh tác và dựng nhà, nên đến nay rừng không còn nhiều. Khi được hỏi: “Nếu bây giờ được chọn lại, ông có phá rừng để lấy đất canh tác không?”. Ông Sèng buồn bã: “Ngày trước, vì khó khăn, thiếu ăn nên đã phá không ít rừng để lấy đất đai canh tác, bây giờ thấm thía rồi. Chúng tôi đang tích cực trồng cây để trả lại màu xanh cho rừng, không ai dám phá nữa”.
Ải Nam vốn là một thôn, về sau có nhiều người Mông và Nùng ở nơi khác chuyển về sinh sống, nên đến năm 2006, chia tách thành hai thôn là Ải Nam 1 và Ải Nam 2. Đã có thời nơi đây giống như một xã thu nhỏ, có trường học, trạm y tế, hợp tác xã… nhưng về sau, do hợp tác xã giải thể, trạm y tế bị phá bỏ, nên cuộc sống của người dân khó khăn hơn. Mặc dù chuyển đến nơi ở mới gần 60 năm, do sản xuất nông nghiệp là chính, nên cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn, khác xa với sự nhộn nhịp dọc Quốc lộ 70 - phía bên kia dốc “cổng trời”.
Trưởng thôn Ải Nam 2 Giàng Seo Bình chia sẻ: Cuộc sống người dân trong thôn chỉ bắt đầu thay đổi vài năm nay, khi Nhà nước quan tâm mở đường, làm đường bê tông (năm 2013) và kéo điện lưới quốc gia (năm 2015). Kể từ đó, nhiều nhà đã mua xe máy, ti vi, học chữ và học làm giàu... Đến nay, hầu như nhà nào cũng có xe máy và ti vi, cuộc sống dù khấm khá, tiện nghi hơn, nhưng vẫn khó khăn. Thôn Ải Nam 2 có 62 hộ thì đến 54 hộ nghèo, đó cũng là tình cảnh của thôn Ải Nam 1 với 70/95 hộ nghèo.
Anh Cư Seo Mười, Trưởng thôn Ải Nam 1 chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, người dân hai thôn đã có đường đi lại thuận lợi và được sử dụng điện lưới. Các hộ hiện nay tích cực lao động, sản xuất. Đấy anh xem, trên những thửa ruộng, người dân đang tất bật cày cấy mùa vụ mới. Nhiều hộ còn thuê hẳn máy xúc để san ruộng cho dễ canh tác. Ngoài cây lúa, cây ngô, thôn đã trồng được gần 8 ha chè, nhiều hộ ở 2 thôn cũng trồng rừng sản xuất với gần 15 ha, chủ yếu là mỡ và quế. Có lẽ, trồng chè và trồng rừng sẽ là hướng đi mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế cho người dân nơi đây”.
Rời Ải Nam, mảnh đất bình yên bên kia “cổng trời”, qua tuyến đường bê tông len lỏi giữa những thửa ruộng bậc thang đang vụ sản xuất; đường cày thẳng tắp như xới lên hy vọng về vụ ngô, lúa bội thu. Sẽ không lâu nữa, mảnh đất bên kia “cổng trời” sẽ được nhiều người biết đến.