Bánh chưng - chiếc bánh mang hồn Tết Việt

Bánh chưng có lịch sử lâu đời và vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bánh chưng không đơn thuần là một món ăn, mà là nguồn cội, là văn hóa, là sự tổng hòa của trời, đất với những tinh túy mà thiên nhiên ban tặng người Việt. Có lẽ vì thế mà người ta nhớ bánh chưng như nhớ Tết và nhớ Tết là nhớ về món bánh của Tổ tiên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các thành viên trong gia đình lại quây quần gói bánh chưng xanh.

Bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt

Theo truyền thuyết, sau khi dẹp yên giặc Ân, Vua Hùng thứ 6 muốn tìm người để truyền ngôi báu nên lệnh cho các con tìm lễ vật đặc biệt dâng lên để chọn lựa. Lang Liêu là con thứ 18, tính tình thuận hậu, chí hiếu, được một vị thần chỉ dẫn cách làm ra bánh chưng, bánh dày để dâng vua. Lang Liêu dùng những nguyên liệu từ đồng ruộng và cuộc sống hằng ngày để làm nên bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất, bánh dày hình tròn tượng trưng cho trời. Nhờ đó, Lang Liêu được truyền ngôi báu và lễ vật của Lang Liêu trở thành món bánh truyền thống của dân tộc, được lưu truyền đến ngày nay.

Song hành cùng lịch sử dân tộc, bánh chưng đã trở thành linh hồn của ngày Tết ở Bắc Bộ, cũng như món bánh Tét ở miền Nam. Nhìn chung, hai loại bánh này là như nhau, chỉ khác nhau về hình thức bên ngoài và một chút nguyên liệu tùy theo khẩu vị vùng miền. Trong cả ngàn năm đồng hóa, người Việt vẫn giữ trọn nếp nhà. Bánh chưng vẫn đi qua những mùa Tết để gắn bó tình cảm gia đình, làng xóm bền chặt hơn.

Đôi bàn tay khéo léo gói những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền.

Bánh chưng tượng trưng cho quan niệm của người Việt xưa về vũ trụ và hội tụ những tinh hoa của đất Việt trong một món ăn giản dị, thân thuộc. Bánh được làm từ các nguyên liệu đơn giản như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong... Gạo nếp chọn loại gạo ngon, to tròn, trắng phau, vo sạch để ráo nước, từng hạt chắc mẩy thơm ngát. Thịt lợn đầy đủ nạc, mỡ, bì cùng với đỗ xanh bỏ vỏ. Tất cả đều là những sản phẩm có được từ công việc trồng trọt và chăn nuôi truyền thống của dân tộc ta từ ngàn xưa. Đơn giản như thế, nhưng chiếc bánh thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa, từ trong ra ngoài thể hiện triết lý: Âm dương, Tam tài và Ngũ hành.

Cắt chiếc bánh chưng, một tổng thể màu sắc hiện lên tượng trưng cho Ngũ hành trong triết lý phương Đông, tương sinh - tương khắc hài hòa, bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức: Vàng ngà hạt đỗ (Thổ), bùi bùi thoảng hương, đỏ thịt lợn chín (Hỏa), trắng màu nếp mới (Kim), xanh mát lá dong (Mộc); ngoài cùng là những chiếc lạt được nhuộm đen bởi lá dong luộc chín (Thủy). Hạt đỗ màu vàng ứng với hành Thổ trong thế đất vuông, được bao bọc nằm ở trung tâm, tượng trưng cho con người ở vị trí quan trọng nhất, là trung tâm của trời đất trong Ngũ hành.

Bên cạnh biểu tượng về Ngũ hành, hai cặp phạm trù âm dương cũng được thể hiện hòa quyện trong gói bánh, như: hạt đỗ - thịt lợn; động vật - thực vật; tĩnh - động… cùng bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển. Bao bọc quanh đó là màu trắng của nếp tạo thành Tam tài: Nếp - hạt đỗ - thịt lợn là âm - dương - âm, hay thực vật - động vật - thực vật… Tam tài với ba cặp phạm trù âm dương (nếp - thịt lợn, hạt đỗ - thịt lợn, nếp - hạt đỗ) hòa quyện và bổ trợ cho nhau trong tổng thể phức hợp. Và từ âm dương, Tam tài đã phát triển lên Ngũ hành.

Thành viên CLB Đình làng Việt trong trang phục áo dài truyền thống cùng gói bánh chưng Tết.

Ngay cả quá trình luộc chín bánh cũng thể hiện triết lý Ngũ hành của người xưa: Người ta dùng nước để luộc bánh (Thủy), lửa (Hỏa) được đốt từ củi (Mộc) và tất nhiên dùng nồi lớn (Kim) đặt lên ba ông đầu rau (Thổ). Năm thứ đó bổ trợ cho nhau, hài hòa bên nhau để cùng tạo nên chiếc bánh hoàn hảo cuối cùng.

Một điều cũng hết sức đặc biệt của bánh chưng là thời gian luộc bánh lên tới 10 - 12 tiếng đồng hồ, đủ lâu để tất cả nguyên liệu trong bánh hòa quyện vào nhau thành một thể thống nhất. Chưa hết. Sau rất nhiều thời gian, công sức để nấu bánh, khi lấy bánh ra còn nóng hổi, người ta phải rửa sạch nhớt và nén chặt lại trong vài tiếng để bánh được ráo nước, rền bánh và phẳng đều. Để ngay đêm giao thừa, những cặp bánh đẹp nhất, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành để bày bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà. Có chiếc bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

Trên mâm cỗ, nhìn thấy bánh chưng, mỗi người đều bồi hồi như thấy lại những vất vả của cha ông làm nên hạt lúa hạt gạo, thấy niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ và thấm thía cái tinh túy giản dị của hồn Việt mỗi độ Tết đến, xuân về.

Trông nồi bánh chưng là thú vui của trẻ nhỏ mỗi lần Tết đến.

Trường tồn mãi với thời gian

Ngày nay, ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn, tục nấu bánh chưng ngày Tết dường như chỉ còn là một nghi thức. Không khí ngày Tết bây giờ không còn thấy cảnh các bà, các chị tất bật những ngày giáp Tết, nào rửa lá dong, nào ngâm gạo, đãi đỗ, cảnh trẻ con mặt mũi háo hức ngồi xem bố mẹ gói bánh, cảnh già trẻ lớn bé ngồi trông nồi bánh chưng qua đêm, ngoài trời sương lạnh, buốt giá không át được không khí ấm nồng quanh bếp lửa hồng. Giờ đây, bánh chưng được bày bán quanh năm tại các siêu thị, cửa hàng, trở thành món ăn dễ có. Mỗi nhà có thể đặt làm hay mua sẵn dăm cặp bánh chưng là đã sẵn sàng cho mâm cỗ Tết.

Bánh chưng là thức ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

Nhưng dù thời gian có biến chuyển, cuộc sống có đổi thay, thói quen sinh hoạt có khác, thì chiếc bánh chưng vẫn thế, vẫn vẹn nguyên từ dáng hình cho đến nguyên liệu. Chiếc bánh không chỉ nhắc nhớ mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hoá của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào hơn, trân quý hơn một sản vật linh thiêng của ngày Tết sum họp. Không chỉ những người con sống trên đất Việt mới nhớ bánh chưng, mà những người con nơi xứ người xa xôi cũng nhớ bánh chưng da diết. Có lẽ vì thế mà người ta nhớ bánh chưng như nhớ Tết. Người ta nhớ Tết như nhớ về màu bánh Tổ tiên. Bánh chưng ấy, thứ bánh dân tộc giản dị mà yêu thương của tết Việt, nó không chỉ là món ẩm thực ngày tết mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh, được ví như là một món quà của Tổ tiên người Việt truyền lại, trở thành linh hồn của ngày Tết Việt trường tồn mãi với thời gian.

TTXVN/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Văn hóa dân gian - tài sản phát triển du lịch

Văn hóa dân gian - tài sản phát triển du lịch

Hiện nay du lịch đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế quan trọng ở nước ta. Các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… đang nở rộ ở nhiều địa phương. Ở các vùng quê, vùng đô thị có dịch vụ du lịch phát triển, văn hóa dân gian ứng dụng đang đóng vai trò quan trọng trong vấn đề quy hoạch, tạo nên sản phẩm du lịch.

Hợp tác du lịch, văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc

Hợp tác du lịch, văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc

Ngày 1/7/2024 tại Seoul, Hàn Quốc sẽ diễn ra Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác Văn hoá Việt Nam - Hàn Quốc. Đây là một trong các sự kiện trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 30/6 - 3/7.

Phụ nữ góp sức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Phụ nữ góp sức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Sau 4 năm ra đời, Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đã ghi dấu ấn với nhiều ý tưởng độc đáo và hoạt động thiết thực từ sự chung tay của hàng trăm hội viên trên toàn quốc, góp phần tôn vinh, lan tỏa giá trị nhiều di sản trong đời sống.

Tết Jé Khù Chà: Nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì

Tết Jé Khù Chà: Nét văn hóa độc đáo của người Hà Nhì

Khi bắt đầu vào mùa Hè, mưa giăng khắp lối, là lúc cộng đồng người Hà Nhì ở vùng cao biên giới Tây Bắc của Tổ quốc chuẩn bị Tết Jé Khù Chà (Tết mùa mưa). Tết được người Hà Nhì thực hiện theo nghi thức truyền thống, mang nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây.

Trải nghiệm làng nghề thêu ren Văn Lâm

Trải nghiệm làng nghề thêu ren Văn Lâm

Trải qua hàng trăm năm, người dân thôn Văn Lâm vẫn gìn giữ và phát triển nghề thêu ren truyền thống với những sản phẩm thêu tay độc đáo, có độ tinh xảo cao, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Những người trẻ đam mê văn hóa dân tộc

Những người trẻ đam mê văn hóa dân tộc

Mang tinh thần trẻ trung, sáng tạo, những bạn trẻ đam mê tìm hiểu văn hóa và nghệ thuật dân tộc là sinh viên Trường đại học FPT Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng công nghệ, số hóa các hoa văn zèng trên thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). Việc tích hợp hoa văn zèng với đồ họa kỹ thuật số vừa lan tỏa nét đẹp truyền thống, vừa góp phần bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống thổ cẩm zèng bằng các phương tiện hiện đại.

Không gian nhà của người Hà Nhì

Không gian nhà của người Hà Nhì

Nhà ở nói chung và nhà của người Hà Nhì nói riêng đều phản ánh đặc trưng văn hóa tộc người, phản ánh mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa thành viên gia đình với môi trường tự nhiên. Trong đó, cấu trúc không gian là đặc trưng quan trọng, phản ánh mối quan hệ xã hội trong ngôi nhà người Hà Nhì.

Xây dựng gia đình văn hóa ở vùng cao

Xây dựng gia đình văn hóa ở vùng cao

Xây dựng gia đình văn hóa là nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở vùng cao Lào Cai luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm.

Lan tỏa văn hóa và ẩm thực Việt tại thủ đô Malaysia

Lan tỏa văn hóa và ẩm thực Việt tại thủ đô Malaysia

Từ ngày 28 - 30/6, Hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam tham dự triển lãm Hội chợ thực phẩm IFOOD EXPO 2024 tại Malaysia. Đây là hội chợ thực phẩm, đồ uống và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng có quy mô lớn tại Malaysia, nơi gặp gỡ của các doanh nghiệp và tìm kiếm nhà phân phối ở trong và ngoài nước.

“Sông Hồng – Mạch nguồn cảm xúc" - nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ

“Sông Hồng – Mạch nguồn cảm xúc" - nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ

Ngay sau lễ phát động Cuộc vận động sáng tác âm nhạc "Sông Hồng - Mạch nguồn cảm xúc" nằm trong khuôn khổ đề án Festival sông Hồng, Đoàn các nhạc sĩ gồm hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai đã lên đường tham gia đợt điền dã sáng tác.

Độc đáo nghệ thuật thêu thổ cẩm của người Mông Tả Ngài Chồ

Độc đáo nghệ thuật thêu thổ cẩm của người Mông Tả Ngài Chồ

Nghề thêu thổ cẩm được trao truyền qua nhiều thế hệ người Mông ở Tả Ngài Chồ, Mường Khương và được phụ nữ chú trọng gìn giữ. Điều đặc biệt ở nghệ thuật thêu của người Mông Tả Ngài Chồ là các hoa văn, họa tiết không hề được vẽ hay lên khuôn trước mà đều do người thêu tưởng tượng, phối màu chỉ nhưng đường nét rất tinh xảo dưới câu chuyện của sắc màu.

fb yt zl tw