115 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân: Người suốt đời đi tìm và sáng tạo cái đẹp

Có những con người mà năm tháng càng trôi qua, tên tuổi họ càng sáng rõ như một phần di sản tinh thần của dân tộc. Nguyễn Tuân - nhà văn, nhà văn hóa, một tài hoa bậc thầy của nền văn học Việt Nam hiện đại - là một trong số đó.

Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh ông (10/7/1910-10/7/2025), độc giả lại có dịp trở về với Vang bóng một thời, Sông Đà hay những trang tùy bút thấm đẫm hồn dân tộc, để cảm nhận rõ hơn một Nguyễn Tuân luôn hiện diện trong vẻ đẹp của ngôn ngữ, trong sự chuẩn mực của nghề viết và trong niềm say mê cái đẹp đến tận cùng. Như nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận định: “Nguyễn Tuân là một người suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật”.

Nguyễn Tuân với mùa xuân Hà Nội.
Nguyễn Tuân với mùa xuân Hà Nội.

Nguyễn Tuân sinh ngày 10/7/1910. Ông đến với nghề văn như đến với một cuộc viễn du của tâm hồn, nơi cái đẹp là chân trời không bao giờ ngừng vẫy gọi. Theo GS Phong Lê, đam mê và sống chết với nghề - đó là nét chung của rất nhiều người chọn nghề viết, chứ không riêng Nguyễn Tuân. Nhưng với Nguyễn Tuân, đây mới thật là riêng, sáng tạo văn chương phải là một nghề sang trọng. Một ngôn ngữ rất Việt Nam và rất Nguyễn Tuân, đó là cái đích cao nhất mà Nguyễn Tuân đã đến được, ngay từ những tác phẩm đầu tay cho đến trang viết cuối cùng.

Nguyễn Tuân đã chọn cho mình một lối đi riêng. Ông không chọn lối viết phê phán hay luận giải, mà dùng ngòi bút để gìn giữ và tôn vinh. Giữa dòng văn học thiên về phê phán, ông lặng lẽ đi tìm cái đẹp đã và đang mất, nâng niu những giá trị văn hóa, nhân cách tài tử và biến chúng thành nghệ thuật sống động trong từng trang văn.

Người lưu giữ tinh hoa dân tộc trong dòng chảy hiện đại

Trong đó, Vang bóng một thời - tác phẩm đưa tên tuổi ông tỏa sáng - là một di cảo tinh thần, một bản trường ca văn hóa. Những thú vui xưa cũ như uống trà, thả thơ, chơi đèn kéo quân hay thư pháp, dưới ngòi bút ông, trở thành những nghi lễ sống mang hồn dân tộc. Nguyễn Tuân không luyến tiếc quá khứ bằng nước mắt, ông níu giữ nó bằng ngôn ngữ. Ẩn trong từng câu chữ là cái nhìn u hoài nhưng không sầu thảm, trang trọng nhưng không sáo mòn. Nguyễn Tuân đã dựng nên một thế giới mà ở đó, cái đẹp được ngợi ca như một tín ngưỡng. Bằng ngòi bút tài hoa và một tấm lòng trân trọng di sản, Nguyễn Tuân đã gìn giữ những vẻ đẹp truyền thống như một cách lưu giữ tinh hoa dân tộc trong dòng chảy hiện đại.

Nguyễn Tuân đã khẳng định tên tuổi với phong cách viết “Vang bóng một thời"
Nguyễn Tuân đã khẳng định tên tuổi với phong cách viết “Vang bóng một thời"

Ngoài Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân còn có rất nhiều tác phẩm viết về cảnh sắc Việt Nam, hương vị đất nước, linh hồn dân tộc, như: Phở, Cây Hà Nội, Cốm, Giò lụa, Tờ hoa, Tình rừng… Những áng văn đẹp đẽ, độc đáo và tài hoa mà ngoài Nguyễn Tuân, sẽ khó có ngòi bút thứ hai nào viết được.

"Ông vua tùy bút"

Trong lời đề dẫn Nguyễn Tuân là người đã “đến được với cái đẹp và cái thật”, GS Phong Lê nhấn mạnh: Xuất hiện trên đàn văn vào cuối thập niên 30 và đầu 40 thế kỷ 20, Nguyễn Tuân đã khẳng định ngay lập tức tên tuổi của mình ở một văn phẩm gần như thâu tóm và kết tinh mọi tinh hoa làm nên sự hoàn thiện và hoàn mỹ của một phong cách viết: Vang bóng một thời". Với khởi đầu rất ấn tượng là Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân đến với Cách mạng tháng Tám bằng sự tận lực sống với thời cuộc, với sự sống đương đại, nhãn tiền.

Nếu ở giai đoạn trước, Nguyễn Tuân say mê khắc họa cái đẹp trong truyền thống, thì sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã lựa chọn gác lại cái tôi tài tử, hòa mình vào cái ta của cộng đồng. Từ một Nguyễn Tuân từng viết văn như một cách khẳng định bản ngã giữa thời cuộc rối ren, ông đã bước sang lối đi mới - sống và viết cùng dân tộc, để tài năng cá nhân tỏa sáng trong dòng chảy lớn của cách mạng và đời sống nhân dân. Các tác phẩm như Người lái đò sông Đà, Tình chiến dịch, Đường vui, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi... chính là những dấu mốc thể hiện một Nguyễn Tuân vẫn tài hoa, nhưng sâu sắc hơn, gắn bó hơn, gần nhân dân hơn bao giờ hết.

Trong số đó, tùy bút Người lái đò sông Đà là một minh chứng tiêu biểu cho sự thăng hoa của phong cách Nguyễn Tuân thời kỳ mới. Dòng sông Đà dưới ngòi bút ông không chỉ là một thực thể địa lý, mà trở thành một nhân vật sống động. Lúc thì “oán trách”, “van xin”, lúc lại “khiêu khích”, “chế nhạo”, rồi đột ngột “rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre, nứa nổ lửa”. Nhưng cũng có khi, nó lại “tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc”. Hiếm có nhà văn nào lại có thể truyền vào sông nước, đá núi... những sắc thái và cảm xúc sâu đến vậy.

Với Nguyễn Tuân, tùy bút không chỉ là một thể loại. Nó là lãnh địa để ông vẫy vùng, là nơi ông đặt cái tôi cá nhân ngang hàng với cảm xúc dân tộc, là nơi mọi giới hạn đều có thể được vượt qua bằng tưởng tượng và văn hóa. Người đời gọi ông là “ông vua tùy bút” không phải vì số lượng, mà vì phẩm chất: ông biến cái ngẫu hứng thành nghệ thuật, biến dòng chảy cảm xúc thành kết cấu chặt chẽ, biến tri thức sâu rộng thành những trang viết mang sức lay động lòng người.

Nguyễn Tuân (giữa) cùng Bùi Xuân Phái và Văn Cao.
Nguyễn Tuân (giữa) cùng Bùi Xuân Phái và Văn Cao.

“Mỗi chữ đều như có dấu ấn riêng”

Sinh thời, Nguyễn Tuân luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm và tình yêu sâu đậm với những gì liên quan đến “tiếng ta” – nơi kết tinh linh hồn văn hóa dân tộc.

Vốn từ của ông vừa phong phú vừa tinh luyện, vừa cổ điển vừa hiện đại, đầy ắp cảm xúc nhưng cũng rất kỷ luật. Một câu văn Nguyễn Tuân có thể dài như một bản nhạc, nhưng nhịp điệu chuẩn xác, tiết tấu rõ ràng.

Ở ông “mỗi chữ đều như có dấu ấn riêng”. Ông có thể mô tả màu nước biển Cô Tô bằng cách gọi đến “màu áo” Kim Trọng trong tiết Thanh Minh - một liên tưởng táo bạo mà sâu lắng, vừa gợi hình, vừa gợi hồn.

Giới nghiên cứu ca tụng những “bữa tiệc” ngôn từ trên trang văn Nguyễn Tuân và đề cập đến việc soạn một từ điển ngôn ngữ Nguyễn Tuân – với những “phố Phái”, “huyện đảo”… mà ông đã góp vào kho từ vựng chung của tiếng Việt. Người ta hiểu rằng cả một vùng trời lung linh ngôn ngữ ấy là tinh kết của một cuộc sống từng trải, si mê góp nhặt từng mảy vàng tiếng mẹ đẻ…

Không ít nhà ngôn ngữ học sau này vẫn nhắc đến Nguyễn Tuân như một người làm giàu kho từ vựng tiếng Việt bằng chính sự nghiêm cẩn và bản lĩnh sáng tạo của mình..

Gần nửa thế kỷ cầm bút là gần nửa thế kỷ Nguyễn Tuân sống như một người nghệ sĩ giữ lửa. Không dễ để có một nhà văn mà tác phẩm lẫn đời sống đều toát lên sự dấn thân nghệ thuật như thế. Ông từng nói: “Muốn viết văn như hoa thì phải miệt mài như ong làm mật”. Cả đời ông là sự cần mẫn của một con ong lang thang giữa vườn hoa chữ, lặng lẽ hút lấy cái đẹp để chắt thành mật ngọt cho văn chương.

Nguyễn Tuân mất năm 1987, nhưng dấu ấn của ông vẫn hiện diện trong từng trang sách, từng tiết giảng văn, như một lời nhắc rằng: cái đẹp, nếu được nâng niu đến tận cùng, sẽ luôn có chỗ đứng xứng đáng trong tâm hồn con người.

Trở lại với Nguyễn Tuân là trở lại với một tâm hồn suốt đời rong ruổi đi tìm cái đẹp, không phải cái đẹp hào nhoáng, mà là vẻ đẹp thẳm sâu trong văn hóa, trong ngôn ngữ, trong cách sống và cách viết. Chính sự tài hoa nghiêm cẩn ấy đã làm nên một di sản mà mỗi thế hệ, khi đọc lại, đều thấy mình cần sống chậm hơn, sâu hơn và tinh tế hơn.

thethaovanhoa.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã chính thức đi vào đời sống với nhiều điểm mới, thể hiện rõ tính ưu việt, mở ra những kỳ vọng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả trong kỷ nguyên mới.

Bản sắc và hội nhập

Bản sắc và hội nhập

Lào Cai và Yên Bái - hai vùng đất ở thượng nguồn sông Hồng, chung một mái nhà dưới dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đã chính thức hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới theo Nghị quyết 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội khóa XV. Tỉnh Lào Cai mới không chỉ mở rộng về không gian địa lý, tăng quy mô dân số mà còn là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa của vùng Tây Bắc, mở ra nhiều cơ hội hội nhập và phát triển từ việc phát huy giá trị các di sản văn hóa, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Viết giữa gian bếp nhỏ

Viết giữa gian bếp nhỏ

Góc làm việc của bà không phải phòng riêng, chỉ là chiếc bàn bên căn bếp nhỏ. Trên giá sách kế bên là những cuốn sách, tài liệu cũ quý giá, những thứ mà bà đã dành nhiều năm để sưu tầm, nghiên cứu. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Minh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật cũng là hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Chương trình "Vua tiếng Việt" tìm ra chủ nhân mới nhất của ngai vàng và giải thưởng lớn nhất trị giá hơn 300 triệu đồng. Chủ nhân ngai vàng giành chiến thắng trong phần thi về chủ đề Xe.

Người Xá Phó giữ gìn bản sắc văn hóa

Người Xá Phó giữ gìn bản sắc văn hóa

Trong những ngày cuối tuần yên ả, Nhà văn hóa đa năng xã Sơn Thủy cũ (nay là xã Văn Bàn) rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa. Ở đó, anh Lý Văn Tư cùng các thành viên Câu lạc bộ dân gian dân tộc Xá Phó say sưa tập luyện.

Hành trình rạng rỡ Hoa hậu Việt Nam 2024

Hành trình rạng rỡ Hoa hậu Việt Nam 2024

Từ sân khấu nổi lần đầu tiên trên sông Hương, chuỗi truyền hình thực tế đầu tiên, đến loạt danh hiệu đại sứ mới, Hoa hậu Việt Nam 2024 đã tạo nên một hành trình đậm tính thời đại. Bên cạnh mục tiêu tôn vinh nhan sắc, cuộc thi còn góp phần định nghĩa lại vai trò của hoa hậu trong xã hội hôm nay.

fb yt zl tw