
Lào Cai và Yên Bái - hai vùng đất nơi thượng nguồn sông Hồng có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống với những nét văn hóa độc đáo. Từ vùng đất quần tụ của người Việt cổ cách đây hàng chục ngàn năm trước gắn với nền văn hóa Sơn Vi, văn hóa Đông Sơn rực rỡ, trải qua các thời kỳ phát triển, Lào Cai - Yên Bái có những nét tương đồng về văn hóa.

Trước khi sáp nhập, tỉnh Lào Cai - “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” có 25 nhóm, ngành dân tộc sinh sống, dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với 43 di sản, trong đó 2 di sản được UNESCO ghi danh là nghi lễ và trò chơi kéo co, nghi lễ Then của người Tày. Trên địa bàn tỉnh có 37 nghệ nhân thuộc các lĩnh vực của đời sống văn hóa, trong đó có 2 Nghệ nhân Nhân dân, 20 Nghệ nhân Ưu tú, 15 Nghệ nhân Dân gian. Địa phương có nhiều danh thắng nổi tiếng, trong đó Sa Pa với đỉnh Fansipan được ví như “Nóc nhà Đông Dương”, là khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế, cũng là nơi hội tụ sắc màu văn hóa của nhiều dân tộc.
Yên Bái được mệnh danh là “trái tim văn hóa vùng Tây Bắc” với sự chung sống của 30 nhóm, ngành dân tộc anh em, sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, trong đó “Nghệ thuật xòe Thái” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 11 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó là hơn 40 lễ hội truyền thống; 1 danh thắng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - 1 trong 20 điểm đến sắc màu nhất thế giới do Tạp chí du lịch CN Traveler bình chọn.

Hai tỉnh Lào Cai - Yên Bái cũng có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú với gần 180 di tích được xếp hạng từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia, phản ánh lịch sử đấu tranh hào hùng và tín ngưỡng tâm linh phong phú của các dân tộc. Bản sắc văn hóa của hai tỉnh là tài sản vô giá, được gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.
Trong những năm qua, các cấp chính quyền ở cả hai tỉnh đã rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các di tích lịch sử - văn hóa được rà soát, nghiên cứu và lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các lễ hội truyền thống được phục dựng và bảo tồn, đồng thời xây dựng thương hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú nhằm tôn vinh những người giữ gìn văn hóa dân tộc.

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi hai tỉnh Lào Cai - Yên Bái hợp nhất trở lại sau 34 năm chia tách từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, mở ra cơ hội phát triển mới. Tỉnh Lào Cai mới không chỉ là sự cộng hưởng của tài nguyên thiên nhiên, kinh tế mà còn là trung tâm hội tụ tinh hoa văn hóa đa dạng của vùng Tây Bắc, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển bền vững và hội nhập toàn diện.

Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, tỉnh Lào Cai mới xác định rõ vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hợp tác quốc tế và giao lưu văn hóa biên giới. Trước đây, tỉnh Lào Cai có sự gắn kết đặc biệt trong dòng chảy văn hóa với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong những năm qua, hai bên đã luân phiên tổ chức 4 hội thảo khoa học quốc tế về lưu vực sông Hồng và tổ chức thường xuyên hoạt động giao lưu văn nghệ qua biên giới, đối ngoại văn hóa, góp phần tăng cường sự hiểu biết, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị.

Đặc biệt, Festival sông Hồng dự kiến khai mạc tháng 11/2025 với chủ đề “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” hứa hẹn là sự kiện văn hóa - du lịch lớn, tôn vinh các giá trị văn hóa đặc sắc và mở rộng cơ hội hợp tác phát triển.
Trong khi đó, Yên Bái đã có gần 30 năm hợp tác với tỉnh Val-de-Marne (Pháp) trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa và phát huy giá trị di sản. Ngoài ra, Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại như xuất bản hàng nghìn tài liệu, sách giới thiệu văn hóa - du lịch; tổ chức, tham gia hàng trăm đoàn biểu diễn trong và ngoài nước; hằng năm cử các đơn vị, địa phương tham quan gian hàng tại các hội chợ du lịch quốc tế... góp phần nâng cao vị thế của vùng đất Tây Bắc trên bản đồ du lịch - văn hóa quốc gia và quốc tế.

Bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tỉnh Lào Cai mới cũng đứng trước không ít thách thức khi vừa phải bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng, vừa phải thích nghi và phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Việc hợp nhất Lào Cai và Yên Bái là cơ hội vàng để phát triển mạnh mẽ hơn không chỉ về kinh tế mà còn tạo được vị thế là một trung tâm văn hóa độc đáo của vùng Tây Bắc.
Ngành văn hóa sẽ rà soát kỹ các loại hình di sản văn hóa, văn hóa các dân tộc, tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét, ban hành các chính sách đặc thù, phù hợp để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa truyền thống các dân tộc trong quá trình hội nhập, phát triển...
Khi tỉnh Lào Cai mới đi vào hoạt động, cùng với việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, ngành cần tập trung thực hiện một số giải pháp để bảo tồn bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế. Theo đó, cần tăng cường nghiên cứu, phát triển các sản phẩm văn hóa mới gắn với phát triển du lịch; đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về vai trò quan trọng của văn hóa trong đời sống cộng đồng; tiếp tục duy trì các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch ở cả tỉnh Lào Cai và Yên Bái sau hợp nhất để phục vụ Nhân dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân; tăng cường hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Lào Cai đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình” (ngày 26/3/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển con người. Chúng ta cần tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, nghệ thuật, đồng thời đổi mới và hiện đại hóa để phù hợp với thời đại. Mục tiêu là xây dựng con người Việt Nam giàu bản sắc dân tộc: yêu nước, nhân ái, sáng tạo, hội nhập mà không hòa tan. Việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một động lực kinh tế và sức mạnh mềm quốc gia cũng cần được chú trọng”.
Với nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng cùng những giải pháp thiết thực, tỉnh Lào Cai mới đang đứng trước vận hội mới. Sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn bản sắc và mở rộng hội nhập quốc tế sẽ là chìa khóa để tỉnh Lào Cai mới phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trình bày: Khánh Ly